Non nước Việt Nam

Về Mường Phăng xem người Mông gìn giữ nghề truyền thống

Cập nhật: 12/06/2020 10:44:29
Số lần đọc: 1280
Nằm cách trung tâm TP. Ðiện Biên Phủ chừng hơn 30km, xã Mường Phăng lâu nay vẫn được biết đến là miền đất gắn liền với văn hóa người dân tộc Thái. Thế nhưng, ít ai biết, mặc dù chỉ chiếm trên 20% dân số toàn xã, song cộng đồng người Mông ở Mường Phăng vẫn còn nắm giữ nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo, tạo nên sức hút riêng và đang được chính quyền nơi đây khuyến khích, xây dựng hình ảnh cho du lịch địa phương.


Cho đến giờ, bà Vàng Thị Ðớ, bản Loọng Luông 1, xã Mường Phăng vẫn gìn giữ nghề se lanh, dệt vải như một phần quan trọng của cuộc sống.

Sống trên khu vực đầu nguồn các khe suối, người Mông ở Mường Phăng cư trú tập trung tại 4 bản: Loọng Luông 1, Loọng Luông 2, Loọng Ngựu, Loọng Háy. Theo điều tra khảo sát về di sản văn hóa của đồng bào Mông từ các đơn vị chuyên môn, mặc dù cùng chịu tác động chung của cuộc sống hiện đại, song cộng đồng người Mông ở đây vẫn còn gìn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống, thể hiện rõ nét bản sắc văn hóa tộc người, bao gồm: Hát dân ca, múa khèn, lễ cúng dòng họ, nghề thủ công truyền thống (rèn, đan lát, dệt lanh…).

Là người gắn bó từ rất lâu với đất Mường Phăng, và giờ cũng đã bước qua tuổi 80, song bà Vàng Thị Ðớ, bản Loọng Luông 1 vẫn nhớ như in những giá trị văn hóa truyền thống mà cha ông để lại. Trong số đó, thứ vẫn luôn theo bà suốt hành trình cuộc đời, đó là nghề se lanh, dệt vải. Bà Ðớ kể: “Thời xưa, khó khăn lắm. Nhưng ngày ấy có thể thiếu ăn chứ chẳng thiếu mặc. Bởi vì vải vóc, quần áo chúng tôi đều tự làm ra. Chị em phụ nữ cứ đến tuổi, không ai là không biết trồng lanh, dệt vải, may vá, thêu thùa. Cả gia đình, chỉ mặc đồ do phụ nữ trong nhà làm ra. Còn người già, ai cũng phải có một bộ trang phục bằng vải lanh thì mới về gặp tổ tiên được!”.

Người Mông có những sản phẩm thổ cẩm độc đáo, đó là vải dệt từ sợi lanh tự nhiên. Ðể tạo ra những tấm vải thổ cẩm bằng chất lanh, phụ nữ người Mông phải trải qua rất nhiều công đoạn, vừa đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mỉ, lại vừa phải cần đôi bàn tay khéo léo. Cây lanh được gieo vào khoảng tháng 3 - 4, đến tháng 7 - 8 mới thu hoạch. Sau thu hoạch, sợi lanh tước ra phải được giặt đi giặt lại nhiều lần cho thật trắng mới đem dệt thành vải. Vải lanh thô sẽ được vẽ sáp ong để tạo hoa văn, sau đó đem đi nhuộm tràm rồi mới thêu. Cũng chính vì vậy, vải lanh rất bền, có những sản phẩm được họ sử dụng cả đời, vừa làm trang phục mặc hàng ngày, vừa làm quà cưới cho các cô gái và phục vụ các nghi lễ vòng đời.

Với tập quán thường chọn những vùng núi cao để sinh sống, đa phần nhu cầu thiết yếu từ ăn, mặc, sinh hoạt, lao động đều tự cung tự cấp. Vậy nên, dù di cư về đất Mường Phăng sinh sống gần cộng đồng người Thái, song người Mông ở đây vẫn lưu giữ cho mình những nét văn hóa riêng. Ngoài se lanh, dệt vải, họ cũng duy trì một số nghề thủ công khác, chủ yếu phục vụ sinh hoạt và sản xuất hàng ngày, như: Ðan lát và rèn.

Ông Cứ Vàng Lồng, bản Loọng Háy là người có thâm niên gần 30 năm gắn bó với nghề rèn. Cái nghề đến với ông Lồng cũng tự nhiên như cây cỏ trong rừng. Ông bảo: “Chẳng có ai dạy cả. Thanh niên, trai tráng trong bản lớn lên, nhìn các cụ làm rồi thích nghề nào cứ thế làm theo nghề đó. Cho đến giờ, dù cuộc sống đã đổi thay nhiều, mọi thứ sẵn có, nhưng tôi vẫn không thể quên tiếng chát chúa từ những nhát búa mỗi lần đóng xuống phôi sắt rực lửa. Nó không chỉ là cái nghề, mà còn là biểu trưng của sức mạnh, sự cường tráng của đàn ông người Mông”.

Theo ông Lồng thì ai cũng có thể làm nghề, nhưng không phải ai cũng làm và thích làm. Người làm rèn phải khỏe mạnh mới có thể quai được những nhát búa mạnh mẽ. Làm lâu dần thành quen, rồi mỗi người tích lũy cho mình được những kinh nghiệm riêng. Song cái hay ở các sản phẩm rèn tạo ra từ đôi bàn tay của người Mông ở đây đó là độ bền và sắc bén rất cao. Chính vì vậy, mặc dù không có thương hiệu song đa phần người đã mua rồi đều thích và giới thiệu cho người khác đến mua.

Ðể minh chứng cho điều này, ông Lồng còn khoe, đợt hội xuân đầu năm vừa rồi, chỉ trong một buổi sáng ông đã bán được hơn 60 sản phẩm rèn, chủ yếu là dao. Sau đó có nhiều người được giới thiệu đã quay lại tìm ông để đặt hàng. “Chỉ tiếc là không có nhiều dịp như thế để giới thiệu sản phẩm cho nhiều người hơn” - ông Lồng tiếc nuối.

Cũng như các sản phẩm, công cụ lao động (cuốc, liềm, lưỡi cày…) được tạo ra từ nghề rèn, thì lu cở là linh hồn của nghề đan lát. Ngay từ khi còn nhỏ, sản phẩm đan lát đầu tiên của những người đàn ông dân tộc Mông là chiếc lu cở. Nguyên liệu để làm ra chúng hết sức đơn giản, được tận dụng từ các loại tre, trúc, mây có sẵn trong tự nhiên. Thế nhưng, phải là người đàn ông khỏe mạnh, và có bàn tay khéo léo mới tạo ra được những chiếc lu cở đúng chuẩn và ưng ý.

Rồi theo thời gian, cuộc sống dần thay đổi, tiên tiến, hiện đại hơn. Khi “cái ăn” đã đủ đầy, thì “cái mặc” và nhiều thứ khác phục vụ nhu cầu cuộc sống cũng trở nên sẵn có. Những tấm vải, bộ trang phục, đồ dùng hay công cụ lao động tiện lợi, với giá thành vừa rẻ, vừa bắt mắt đều bán sẵn ngoài chợ. Thế nên, có một thời gian các nghề truyền thống của người Mông ở Mường Phăng có phần mai một. Chỉ còn người già như bà Ðớ, ông Lồng là vẫn tâm huyết và gìn giữ cho riêng mình như là một phần trong cuộc sống.

Trước những thách thức chung đó, vài năm gần đây, được sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước, chính quyền địa phương cũng đã khuyến khích và có nhiều giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể của đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Trong đó, nghề truyền thống của cộng đồng dân tộc Mông cũng được coi trọng. Theo ông Mùa A Kềnh, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Phăng thì: “Ngoài việc khuyến khích, động viên thì các hoạt động hỗ trợ bà con khôi phục các nghề, như: Dệt vải, rèn, đan lát cũng được thúc đẩy. Trong các hoạt động văn hóa, lễ tết, chúng tôi đều lồng ghép và tạo điều kiện để bà con được trình diễn, đồng thời trưng bày, giới thiệu sản phẩm nghề truyền thống. Trên cơ sở đó khơi dậy niềm tự hào đối với họ, đồng thời quảng bá đến nhiều người biết hơn”.

Không chỉ là phục vụ nhu cầu của cuộc sống, với người Mông, nghề truyền thống còn mang giá trị văn hóa và tâm linh sâu sắc. Mỗi sản phẩm làm ra, được kết tinh từ sự sáng tạo, cần cù qua nhiều thế hệ, và thể hiện dấu ấn riêng của dân tộc. Với động lực thúc đẩy từ chính quyền địa phương, người Mông ở Mường Phăng đã ngày một hiểu hơn giá trị của những nét đẹp văn hóa truyền thống đó, cùng nhau quyết tâm gìn giữ, bảo tồn và phát huy nó. Bằng những lợi thế sẵn có, chính quyền xã Mường Phăng đang tận dụng và khai thác hiệu quả, nhằm xác định hướng đi cho du lịch địa phương, thông qua việc xây dựng hình ảnh về một vùng đất không chỉ in đậm dấu ấn lịch sử, mà còn chứa đựng nhiều vẻ đẹp văn hóa truyền thống đặc sắc. Ðể mỗi du khách khi đến đây cảm nhận được điều đó, thì trước tiên Mường Phăng đã bắt tay khơi dậy tình yêu từ mỗi người dân./.

Nguồn: baodienbienphu.info.vn

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT