Non nước Việt Nam

Thưởng trà tại Huế: Nên là sản phẩm du lịch

Cập nhật: 12/06/2020 07:43:01
Số lần đọc: 844
Dù Huế không là nơi có vùng nguyên liệu đủ lớn để sản xuất trà mang tính hàng hóa, nhưng Huế lại là nơi có nền tảng văn hóa đủ để quảng bá các sản phẩm trà. Tại sao không biến trà trở thành sản phẩm du lịch của vùng đất Cố đô?

Trà kết hợp với sen tạo nên sản phẩm trà sen đặc trưng tại Huế

Không khó để kiếm tìm một trà thất với không gian ưng ý để thưởng trà tại Huế. Những năm gần đây, trà thất mọc lên không chỉ để đáp ứng nguyện vọng, niềm đam mê của chủ nhân mà những địa điểm này dần là nơi ghé thăm của khách du lịch trong các tour, tuyến. Chị Trần Thị Thanh Nhị, chủ trà thất Di Nhiên (3/26 Nguyễn Thiện Thuật, TP. Huế) bảo, không gian thưởng trà của chị là địa điểm của khách du lịch các nước như, Mỹ, Hà Lan, Pháp dừng chân. Họ có thể đi theo tour hoặc du lịch tự do. Dòng khách nội địa, giới trẻ cũng thưởng trà để cảm nhận hương vị văn hóa.

Để tạo ra sự đặc trưng trong mỗi ly trà, ở Di Nhiên, chủ nhân sử dụng những sản phẩm của riêng Huế, kết hợp với trà tạo nên một sản phẩm khác đặc biệt hơn, với mong muốn lan tỏa tâm hồn Huế, quảng bá văn hóa Huế. “Một sự kết hợp tuyệt vời giữa dòng sen cổ của Huế với trà, điều đó giúp tạo nên hương vị mà nhiều du khách nước ngoài ưng ý”, Thanh Nhị nói.

Kinh doanh trà, tạo ra không gian thưởng trà, chủ nhân phải thực sự có tâm, mong muốn có những sản phẩm tốt có lợi cho sức khỏe của người thưởng thức. “Huế không là nơi có vùng nguyên liệu đủ tốt nhưng trà vẫn có thể trở thành sản phẩm du lịch. Chỉ có điều người kinh doanh không nên đặt nặng về lợi nhuận mà kinh doanh dựa trên sự cống hiến cho cộng đồng, từ đó có một hướng đi đúng đắn. Đặc biệt, hiện nay, muốn trà là sản phẩm để du khách cầm tay mang về thì cần có sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng”, Thanh Nhị chia sẻ.

Chè Huế chưa có nhiều danh tiếng như một số địa phương ở các tỉnh, thành khác. Vùng trồng chè quy mô như vùng Truồi (Phú Lộc), Tuần (Thủy Bằng, Hương Thủy) hay trước đây ở vùng Nam Đông vẫn chưa đủ chất lượng để khẳng định được vị thế. Song, không vì thế mà sản phẩm trà tại Huế vắng bóng. Trà cung đình, trà rau má Quảng Thọ (Quảng Điền), trà vả Lộc Mai, trà sen Huế, ngự trà… ít nhiều khẳng định vị trí trong lòng người tiêu dùng. Vậy, những sản phẩm này đủ sức để là sản phẩm du lịch hay chưa? Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cho rằng, từ các nguyên liệu có sẵn như hiện nay, Huế có nền tảng để tạo ra những sản phẩm tốt, thế nhưng cần có nhiều hơn những chương trình khuyến khích, thúc đẩy sản xuất sản phẩm từ trà chất lượng cao. “Những trà thất – nơi dừng chân của khách du lịch đang ở những vị trí không được tốt. Những sản phẩm từ trà khá đơn điệu. Để tạo nên tính đa dạng cần tạo nên những sản phẩm lưu niệm, ví dụ như sản xuất những bộ ấm, ly trà như thời vua triều Nguyễn để du khách vừa thưởng trà vừa có những sản phẩm mang về. Ngoài ra, đa dạng hóa các loại hình trải nghiệm di sản, văn hóa tại những không gian thưởng trà. Có như vậy mới tạo ra điểm nhấn từ trà đối với khách du lịch”, Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa góp ý.

Trước câu hỏi sản phẩm từ trà dựa trên cái lõi nguyên liệu từ các vùng trồng chè nổi tiếng của Việt Nam có làm mất đi tính đặc trưng của vùng đất Cố đô? Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa dẫn ra một câu chuyện từ những năm trước giải phóng, khi ấy “thương hiệu” trà Kim Lan được chế biến tại Huế dường như phủ sóng khắp miền Nam, dù nguyên liệu được chủ nhân lấy từ vùng Tây Nguyên. Và nhắc đến trà, cái tên Kim Lan tại Huế dường như không thể bỏ sót.

“Trong Ức trai thi tập, Nguyễn Trãi cũng từng nhắc đến một loại trà đặc trưng của vùng đất Cố đô, đó là trà tước sĩ. Ngoài ra, cái tên trà Kim Lan cũng tồn tại mấy chục năm. Nói thế để thấy rằng, Huế cũng từng là nơi có những thương hiệu trà nổi tiếng. Bây giờ, sản phẩm du lịch từ trà không đơn thuần chỉ là sự kết hợp hương vị giữa các vùng, chế biến tại Huế mà tạo ra sản phẩm đủ sức quảng bá văn hóa, di sản”, Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa bày tỏ.

Không gian tại các trà thất đang cho thấy tiềm năng để giữ chân du khách. Họ đến để lắng mình vào không gian văn hóa, nơi có nhịp sống hoàn toàn khác trong thời hiện đại. Show diễn văn hóa trà Việt tại Đông Khuyết Đài cho thấy, du khách đang cần một chỗ dừng chân như thế. Họ đến đây không chỉ để thưởng trà mà có dịp trải nghiệm các hoạt động văn hóa, nghi thức triều Nguyễn. Làm du lịch là một chuyện, nhưng tôn vinh văn hóa trà Việt, di sản Huế tại Đông Khuyết Đài cũng không kém phần quan trọng. Năm 2018, cuộc thi Nghệ nhân trà thế giới lần thứ 4 được tổ chức tại Huế. Cuộc thi này góp phần quảng bá ẩm thực, du lịch Huế và nhất là làm nổi bật các giá trị của Huế thông qua việc kết hợp văn hóa pha chế trà, uống trà với văn hóa truyền thống, di sản Huế.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch, cho biết: “Thưởng trà là một nét văn hóa của người Việt Nam. Tại Huế, những trà thất mọc lên như để tiếp nối nét văn hóa đó. Những năm gần, việc trà thất mọc lên đã góp phần tạo ra sản phẩm du lịch mới, đồng thời sản phẩm từ trà cũng là món quà mà khách du lịch lựa chọn mỗi khi đến Huế. Chúng tôi khuyến khích những cá nhân, tổ chức xây dựng các điểm tham quan thưởng trà để du khách dừng chân”.

Bài, ảnh: Lê Thọ

 

Nguồn: baothuathienhue.vn

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT