Phú Thọ: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường ở Thanh Sơn
Trình diễn điệu trống đu của Câu lạc bộ văn hóa dân gian Mường xã Tất Thắng tại điểm du lịch cộng đồng xã Khả Cửu. (Nguồn: http://thanhson.phutho.gov.vn)
Thanh Sơn là huyện miền núi có nhiều dân tộc cùng sinh sống, trong đó người Mường chiếm gần 60% dân số.
Trong những năm qua, công tác bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Mường trên địa bàn luôn được quan tâm, chú trọng và phát huy.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Thanh Sơn đang lưu giữ, bảo tồn được hơn 300 chiếc chiêng, hơn 400 bộ trang phục dân tộc Mường, gần 100 nhà sàn truyền thống và nhiều công cụ lao động sản xuất, sinh hoạt, vẫn được bảo tồn trong các gia đình đồng bào dân tộc Mường.
Huyện cũng chú trọng phát triển mô hình du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường.
Việc làm này không chỉ góp phần xây dựng, phát triển đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh cho đồng bào các dân tộc vùng núi Thanh Sơn, mà còn góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội của huyện ngày càng phát triển.
Sau nửa năm triển khai Đề án, huyện đã thu hút trên 3.000 khách trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa của đồng bào dân tộc Mường.
Võ Miếu là xã miền núi của huyện Thanh Sơn luôn đi đầu trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Mường.
Thực hiện Ðề án, trong thời gian qua, xã đã tập trung quảng bá bản sắc văn hóa dân tộc Mường; hình thành các sản phẩm du lịch, góp phần phát triển kinh tế qua hoạt động du lịch, đẩy mạnh phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới.
Đồng thời, xã Võ Miếu đã triển khai các hoạt động sưu tầm, bảo quản theo quy trình nhằm bổ sung, bảo quản tốt các tài liệu, hiện vật quý hiếm là di sản văn hóa truyền thống điển hình của dân tộc Mường.
Ông Hà Văn Thạo, Bí thư Đảng ủy xã Võ Miếu cho biết, xã đã thành lập một câu lạc bộ cấp xã và 13 câu lạc bộ khu dân cư để giữ gìn bản sắc dân tộc Mường; trong đó tập trung gìn giữ các điệu hò vè, trang phục, các vật dụng sinh hoạt đời thường của người Mường. Hiện xã còn lưu giữ được một bộ cồng chiêng gồm 13 chiếc.
Bên cạnh đó, Câu lạc bộ của xã cũng đã lưu giữ được gần 40 vật dụng sinh hoạt của người Mường, trong đó có nhiều dụng cụ có giá trị như mâm cổ, bát cổ, chiêng cổ…
Xã Võ Miếu đã huy động nguồn lực của toàn xã hội cùng tham gia gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc Mường; qua đó tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và ý thức của người dân, trở thành phong trào sâu rộng, thường xuyên trong đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân trong xã.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Thanh Sơn Trần Ngọc Ðương chia sẻ với mục đích bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị của văn hóa Mường, huyện Thanh Sơn xây dựng “Ðề án kiểm kê, sưu tầm, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025,” phấn đấu 100% số xã, thị trấn có câu lạc bộ văn hóa dân tộc Mường, xây dựng nhà sàn truyền thống ở trung tâm xã phục vụ sinh hoạt cộng đồng.
Đề án cũng đề ra mục tiêu có từ 30-50% số xã có nhà sàn, kiêm nhà trưng bày truyền thống tại trung tâm xã; 50% số khu dân cư có từ 50% đồng bào dân tộc Mường trở lên; các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông trên địa bàn huyện thành lập được đội văn hóa trình diễn văn hóa, khôi phục trang phục dân tộc Mường…
Theo ông Đương, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc Mường trên địa bàn tỉnh Phú Thọ nói chung và huyện Thanh Sơn nói riêng còn gặp nhiều khó khăn vì lớp trẻ ngày nay thường đi học, đi làm ăn xa, không có nhiều người dành thời gian để tìm hiểu các giá trị văn hóa truyền thống, không thường xuyên sử dụng tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình.
Các hình thức diễn xướng được truyền từ đời này sang đời khác qua hình thức truyền miệng, hướng dẫn trực tiếp, ít có các văn bản ghi lại cụ thể nên còn khó khăn trong việc truyền dạy.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Thanh Sơn cho biết để tiếp tục bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường, thời gian tới, huyện tập trung vào việc phát huy vai trò, uy tín của các già làng, trưởng thôn nhằm khơi dậy bản sắc đặc trưng, nét đẹp văn hóa dân tộc Mường.
Trong các dịp lễ, Tết, nhất là ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc, tại các khu dân cư cần có kế hoạch tổ chức các lễ hội mang đậm nét văn hóa dân tộc Mường, qua đó các già làng, trưởng thôn có thể truyền đạt cho thế hệ trẻ những nét đẹp của dân tộc mình qua tiếng nói, trang phục, các làn điệu dân ca, hát sắc bùa, múa sạp, hay cách sử dụng cồng chiêng...; khuyến khích, cổ vũ các nghệ nhân có kế hoạch mở lớp truyền dạy về tiếng nói, về lời hát cồng, chiêng…
Ngoài ra, huyện Thanh Sơn tiếp tục triển khai các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường như xây dựng phòng trưng bày các di sản văn hóa truyền thống; tổ chức các chương trình liên hoan, hội thi, trò diễn dân gian, ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc thiểu số cấp xã, thị trấn; điều tra, khảo sát, thống kê và đánh giá thực tế, đầy đủ hơn các di sản văn hóa điển hình truyền thống của đồng bào dân tộc Mường.
Trong đó, huyện chú trọng việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản như nhà sàn truyền thống, ngôn ngữ, các hoạt động diễn xướng dân gian, trang phục truyền thống, công cụ lao động sản suất... tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của người dân./.