Non nước Việt Nam

Lễ cầu mùa của người Nùng Phàn Slình ở Lăng Hiếu

Cập nhật: 15/06/2020 08:36:20
Số lần đọc: 611
  Người Nùng ở Cao Bằng được chia thành nhiều nhóm, như: Nùng Giang, Nùng An, Nùng Inh, Nùng Lòi, Nùng Phàn Slình… Do đó, phong tục tập quán của họ cũng rất phong phú, đa dạng, trong đó có lễ cầu mùa của người Nùng Phàn Slình ở xóm Lũng Muôn, xã Lăng Hiếu (Trùng Khánh).

 


Ông Hoàng Minh Mạnh, xóm Lũng Muôn, xã Lăng Hiếu (Trùng Khánh) tại miếu thần Nông của xóm.

Xóm Lũng Muôn có 72 hộ,  100% hộ là dân tộc Nùng (nhóm Phàn Slình) sinh sống. Người Phàn Slình định cư tại đây đã từ nhiều thế hệ với nghề chính là trồng lúa nước, làm rẫy, chăn nuôi... Đời sống của đồng bào nơi đây gắn với nông nghiệp là chính, vì vậy mỗi khi vào vụ mới người dân lại tổ chức lễ tế thần Nông cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no. Lễ cầu mùa ở Lũng Muôn gắn với miếu thần Nông của xóm.

Ông Hoàng Minh Mạnh, xóm Lũng Muôn là người nắm rõ các nghi lễ cầu mùa của dân tộc mình, cho biết: Trước đây, lễ cầu mùa ở Lũng Muôn tổ chức vào ngày Mão tháng 5 âm lịch hằng năm. Khâu chuẩn bị lễ vật là quan trong nhất, theo đó các gia đình cùng nhau bàn bạc, đóng góp tiền mua một con lợn, gà, xôi... làm lễ cúng. Công việc này chuẩn bị rất chu đáo, cẩn thận, lễ vật cũng phải lựa chọn thật kỹ.

Nghi thức cúng tiến hành theo các bước: Khoảng 8 - 9 giờ sáng, lễ vật được dân làng cùng nhau mang đến miếu thần Nông đặt dưới chân núi Bó Ri trong xóm để cúng, đây là ngôi miếu thiêng trong vùng. Sau khi đặt lễ vật lên ban thờ, người đại diện của tổ (các tổ trong làng thay phiên nhau) - hay còn gọi là chủ tế sẽ làm lễ xin thần linh. Nội dung bài cúng xin thần linh phù hộ cho mưa thuận, gió hòa, dân làng làm ăn thuận lợi, mùa màng bội thu, cây cối phát triển xanh tươi, nhà nhà ấm no, dồi dào sức khỏe. Sau khi cúng xong, mọi người cùng nhau ăn chung, thu lộc tại miếu, số thịt lợn cúng còn lại sẽ chia đều cho các gia đình. Phần cháo để dành cho người già.

Trải qua bao đời nay, lễ cầu mùa ở xóm Lũng Muôn vẫn được người dân duy trì và thực hiện theo nghi thức truyền thống.

Lễ cầu mùa hiện nay còn tồn tại và duy trì theo đúng nghi lễ truyền thống. Đây là loại hình sinh hoạt tín ngưỡng chứa đựng nhiều giá trị, thể hiện sự gắn kết giữa con người với thế giới siêu nhiên và các vị thần bảo trợ đem lại cuộc sống ấm no cho người dân trong vùng. Lễ cầu mùa còn là nghi thức đặc biệt của văn hóa vùng, mang tính chất tín ngưỡng phồn thực, tín ngưỡng cầu mưa - nghi lễ của cư dân làm nghề nông. Sự đóng góp lễ vật để tổ chức buổi lễ cầu mùa chính là biểu hiện của sự đoàn kết, nhất trí, cố kết cộng đồng, chia sẻ trách nhiệm của người dân nơi đây.

Theo Trưởng xóm Lũng Muôn Triệu Văn Hoàn, cũng như các hoạt động văn hóa truyền thống khác, lễ cầu mưa ở Lũng Muôn nếu không có biện pháp bảo tồn, gìn giữ và phát huy sẽ có nguy cơ mai một. Hiện trong xóm chỉ còn một số người nắm rõ nghi lễ và trực tiếp tiến hành làm lễ; còn lớp trẻ thờ ơ trong việc tìm hiểu, thực hành các bước làm nghi lễ cầu mùa; các bước tiến hành lễ chỉ lưu truyền bằng miệng chưa được ghi chép, lưu giữ; một số nghi lễ đã giản lược và không phải năm nào cũng tổ chức... Cấp ủy, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân; nâng cao nhận thức cho các cấp, ngành và người dân địa phương, từ đó có ý thức trân trọng, gìn giữ, phát huy lễ cầu mùa hằng năm để bảo tồn nét đẹp văn hóa đặc sắc của cư dân địa phương./.

Nguồn: Báo Cao Bằng

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT