Non nước Việt Nam

Lễ cấp sắc của người Dao quần chẹt (Phú Thọ)

Cập nhật: 16/06/2020 09:56:26
Số lần đọc: 869
Lễ cấp sắc (tiếng của địa phương gọi là lập khởi thánh danh) của người Dao quần chẹt ở xã Xuân Thủy, huyện Yên Lập (Phú Thọ) là một hoạt động sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng thể hiện nhân sinh quan, thế giới quan và những giá trị văn hóa dân gian lâu đời của cộng đồng người Dao. Đây là nghi lễ quan trọng, công nhận sự trưởng thành đối với đàn ông dân tộc Dao...

Lễ cấp sắc của người Dao quần chẹt là sự tổng hợp các loại hình nghệ thuật, diễn xướng dân gian như: Nghệ thuật sử dụng ngôn từ, nghệ thuật trình diễn qua các bài múa nghi lễ, bài hát; nghệ thuật trang trí ban thờ, trang trí trên trang phục của các thầy cúng; âm nhạc dân gian... đều mang đậm nét văn hóa truyền thống của người Dao. Một trong những đặc điểm nổi bật nhất trong Lễ cấp sắc của người Dao quần chẹt xã Xuân Thủy là có mối quan hệ mật thiết với việc lập, tách bàn thờ tổ tiên của gia đình, dòng họ; được gia chủ thực hiện theo đúng trình tự, tập tục.

Lễ cấp sắc của người Dao quần chẹt kéo dài trong hai ngày, hai đêm với nhiều nghi lễ phức tạp được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như: Đọc, hát, múa, trò diễn xướng dân gian, lên đồng, bắt khuyết trấn trạch. Các nghi lễ được tổ chức ở nhiều thời điểm, địa điểm và không gian khác nhau... Theo quan niệm của người Dao quần chẹt thì người nam giới sau khi được cấp sắc mới là người đàn ông trưởng thành, được cộng đồng tôn trọng.

Lễ cấp sắc gồm những nghi lễ chính sau: Lễ mời tổ tiên “Tổng thần hương hỏa” là lễ mời nội thần, nghi lễ mở đầu cho tất cả các lễ cúng xin phép, báo cáo với tổ tiên về việc gia đình làm lễ cấp sắc và cầu mong tổ tiên phù hộ, giúp đỡ gia đình tổ chức lễ cúng được tốt đẹp. Lễ đón thầy vào nhà thực hiện các nghi lễ chính, theo tập quán của người Dao ngoài thầy cúng, gia đình còn phải mời hai, ba dòng họ khác trong làng về dự và chứng kiến cho gia đình tổ chức cấp sắc.

Lễ khai đàn “treo tranh” là nghi lễ treo tranh với 15 tờ tranh loại to gồm bức Thánh Thượng Lão Quân, ba bức Tam Thanh và các bức tranh khác. Lễ nhập đồng, thầy cúng thực hiện nghi lễ nhập đồng vào tổ tiên để báo cho con cháu biết những điều còn thiếu sót, làm chưa đúng để con cháu chỉnh sửa, đồng thời trong đám ai muốn hỏi điều gì về gia đình, tổ tiên, thầy đồng sẽ nói cho biết. Lễ đặt tên có ý nghĩa là lập một cái tên để các thần thánh biết đến.

Ngày nay, không gian làng bản, kiến trúc nhà, phong tục tập quán của người Dao quần chẹt đã có nhiều thay đổi, nhưng Lễ cấp sắc vẫn là hoạt động văn hóa, tín ngưỡng quan trọng trong đời sống của đồng bào Dao quần chẹt.

Ghi nhận những giá trị tiêu biểu trên, tháng 1/2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công bố Lễ cấp sắc của người Dao quần chẹt ở xã Xuân Thủy, huyện Yên Lập là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia./.

Nguồn: Báo Đắk Nông

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT