Non nước Việt Nam

Đậm đà muối giã của người Tây Nguyên

Cập nhật: 28/12/2021 05:26:02
Số lần đọc: 948
Bên cạnh những món đặc sản nức tiếng, người Tây Nguyên còn có những món muối giã độc đáo, bằng việc kết hợp những loại rau, quả rừng, thậm chí côn trùng để tạo hương vị riêng biệt.  


Từ xa xưa, người Tây Nguyên phát hiện ra một loại cỏ đặc biệt, có mùi thơm dùng để làm muối, người ta gọi đó là cỏ thơm. Khi những cơn mưa cuối mùa sắp dứt, đất trời chuyển mình, những chàng trai Êđê, J'rai lại lần theo hương thơm phảng phất trong đại ngàn, băng rừng tìm cỏ thơm. Loại cỏ này thường mọc ở những cánh rừng khộp hoặc trên các vùng bình nguyên ẩm ướt. Nó có thân, lá dài, nhỏ và mảnh, có rễ chùm như cây lúa. Cuối mùa mưa, chúng trổ những nhánh hoa nhỏ li ti màu nâu tím, tỏa ra hương thơm nhẹ nhàng.

Người dân len lỏi giữa các vạt cỏ ở rừng để tìm cỏ thơm.

Từ loài cỏ hoang dã này, người Tây Nguyên tạo ra một loại muối giã đặc biệt, còn gọi là muối cỏ thơm. Cách chế biến không quá cầu kỳ, cỏ thơm sau khi được phơi khô thì cắt nhỏ rồi cho vào cối giã cùng ớt, bột ngọt, muối hạt rang. Lúc này, mùi thơm của cỏ được đánh thức, hòa cùng vị mặn của muối, vị cay của ớt tạo thành một gia vị đặc biệt, kích thích khứu giác và vị giác, khó lẫn vào đâu được. Muối cỏ thơm có thể dùng để chấm với rau, măng rừng, nhưng ngon nhất có lẽ là dùng để chấm với thịt nướng và thịt gác bếp. Hiện nay, cỏ thơm ít dần, khó kiếm nên người dân chỉ dùng khi có lễ hội lớn hoặc để đãi khách quý tới nhà.

Với cuộc sống gắn bó với nương rẫy, núi rừng nên người Êđê, J'rai… còn tìm những loại côn trùng đặc biệt, giàu chất dinh dưỡng để tạo nên món ăn hay những món muối giã hấp dẫn, trong đó có thể kể đến kiến vàng. Đây là loại kiến có chân dài, màu vàng, có vị chua, thường làm tổ trên những cành cây cao. Lang thang giữa đại ngàn, tìm được những tổ kiến đã khó, bắt về lại càng khó hơn. Phải là người tinh mắt, nhanh tay, thậm chí chịu được cảm giác tê người khi bị kiến cắn mới dễ dàng săn được tổ kiến. Tổ kiến vàng sau khi bắt về được ngâm vào nước, sau đó vớt kiến ra để ráo, rang lên với muối hạt và ớt rừng rồi cho vào cối giã. Vị chua chua, nồng nồng, ngây ngấy của kiến cùng vị cay của ớt và vị mặn của muối biển được hòa quyện lại, tạo nên một mùi vị rất lạ và hấp dẫn. Tùy vào sở thích của mỗi người mà có thể cho thêm sả, chanh, mì chính... vào giã cùng cho đậm vị. Muối kiến vàng ngon và đậm đà nhất khi dùng chấm bò một nắng, ngoài ra có thể ăn cùng trái cây hay làm gỏi đều được.

Món bò một nắng chấm muối kiến vàng nổi tiếng ở Tây Nguyên

Bên cạnh những món muối chấm, người dân Tây Nguyên còn chế biến nên những món muối ăn kèm với cơm trắng rất “hao cơm”. Muối cá trích lá é là một trong số đó. Điều đặc biệt ở món ăn này chính là sự kết hợp giữa cá trích và lá é, một loại cây có mùi hương và dáng lá hơi giống rau húng quế, nhưng vị nồng hơn và cành cũng như lá nhỏ hơn. Để làm nên món muối ngon đậm vị, người ta dùng cá trích khô đem nướng trên than hồng, sau đó tiến hành gỡ bỏ ruột, xương, vảy cá rồi xé nhỏ, cho vào cối giã cùng lá é phơi héo và một ít muối hạt, bột ngọt cùng thật nhiều ớt rừng cho đến khi các nguyên liệu quện lại với nhau. Cá trích thơm ngọt thịt hòa cùng vị cay xè của ớt, mùi thơm của lá é lại tạo nên một hương vị kích thích vị giác cực mạnh. Món này tuy bình dị, tự nhiên nhưng ăn rất "bắt cơm", đặc biệt trong những ngày se lạnh hay mưa bão.

Không chỉ được dùng ở các bữa ăn gia đình, giờ đây các món muối giã nói trên cũng đã có mặt ở các khách sạn, nhà hàng, homestay để phục vụ du khách thập phương, hoặc còn được bày bán tại một số cửa hàng, địa điểm du lịch trong và ngoài tỉnh.

Huyền Diệu

Nguồn: Báo Đắk Lắk

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT