Non nước Việt Nam

Gia Lai: Xôi bắp tro mè

Cập nhật: 21/12/2021 05:08:59
Số lần đọc: 947
Những hạt bắp nở bung thành nụ hoa trắng nõn, tỏa mùi hương tro mè đặc trưng bên chén đậu phộng vàng ươm. Thoang thoảng mùi hành phi thơm phức như thúc giục sự háo hức, thòm thèm về món ăn dân dã, bình dị nhưng chứa đựng một trời thương nhớ.  


Nhớ chiều đông thuở ấy, mấy chị em tôi thường ngồi huơ tay trên đống lửa than hừng giúp xua đi cái lạnh. Những lúc như vậy, má tôi thường ôm bó cây mè khô cất dành trên chái hè, chuyển lửa ra giữa sân gạch đã quét sạch, đốt lấy tro để làm món xôi bắp chuẩn bị bữa sáng cho cả nhà.

Lửa tàn, tro mè được sàng bỏ than, hốt vào trong lu đất, khuấy nước và đổ rổ hạt bắp khô đã chuẩn bị sẵn vào ngâm. Gà gáy lần ba, má đã dậy và bắc lên bếp nấu, khều mấy hạt bắp ra, lấy tay bóp thử thấy bung vỏ lụa cứng bên ngoài là vớt ra rổ để nguội, ngâm vào chiếc thau xâm xấp nước tiến hành chà đến khi hạt bắp sạch vỏ ngoài. Vừa chà má vừa nói: “Bắp chà tro có thể nấu chung các loại tro củi nhưng ngon và thơm nhất phải là tro mè, vì tro mè có mùi thơm đặc trưng mà mọi người dân miền Trung hay dùng làm các loại bánh ít đen, bánh tro nếp”.

Những hạt bắp được chà rửa sạch sẽ, hầm với nước lã nhỏ lửa. Đến khi những hạt bắp nở đều và mềm mới vớt ra. Má soạn nồi xôi bắp lên bàn ăn kèm một tô cùi dừa bào sợi, một chén dầu có hành phi, một tô đậu phộng rang giã nhỏ, ít muối hoặc bánh đường nạo là có ngay bữa sáng hấp dẫn cho cả gia đình.

Bưng chén xôi bắp lên, mùi hương của bắp với mùi tro mè hòa quyện mùi hành phi dậy lên. Nhai những hạt bắp mềm dẻo, chạm phải sợi dừa bào, hạt đậu phộng rang béo ngậy, thơm lựng làm cho khứu giác, vị giác chúng tôi hoạt động hết công năng đem lại một bữa ngon vô cùng ý vị của thức món quê hương bình dân.

 Món xôi bắp. Ảnh: Thủy Tiên

Những lúc ngồi vào mâm, má tôi thường kể chuyện xưa. Những năm mất mùa đói khó, bắp là lương thực chính cho cả gia đình. Năm 1945, để chuẩn bị thêm lương thực cho ba đi dân công gánh gạo tiếp vận hàng tháng trời, ngoài suất gạo ăn của đoàn, hạt bắp khô là món ăn thêm với hũ muối mè. Má giã nhỏ sàng lọc chia làm 2 phần, đổ vào chiếc ruột nghé quàng lên vai ba. Phần cám dành khuấy với muối mè ăn nhanh cho bữa sáng, còn hạt lớn như gạo dành để nấu độn vào cơm, vắt thành nắm mang theo ăn thêm những lúc đói bụng.

Hoàn thành chuyến đi khi đoàn người trở về giữa đường, lúc nấu ăn, máy bay phát hiện dội bom, cả đoàn người chạy tản lạc trong rừng. Ba đã nhờ chiếc ruột nghé bột bắp và hũ muối mè cầm hơi cùng một số người tìm đường về nhà.

Hồi sinh thằng em út má bị sốt mất sữa. Bột bắp khuấy loãng với tí đường phổi tán nạo ra cũng là sữa để nuôi em bé, vượt qua thời gian để đến mùa giáp hạt. Hồi đó, nhà nào cũng trồng xen cây bắp vào rẫy lúa, mất mùa lúa còn cây bắp nên mọi nhà dự trữ lương thực vẫn là bắp, mì khô. Những giàn bắp để nguyên bao phơi khô treo trên các đầu hè hoặc nhà trống. Ít khi lẫy hạt chứa vào bồ, vì để lâu sẽ bị mọt.

Hương tro của mè khi đã hòa quyện vào hạt bắp trở thành một món ăn dân dã, mang cả một bầu trời lam lũ như cuộc đời của ba má. Những cây mè mỗi năm chỉ một mùa, thân nhỏ, hạt li ti nhưng đã chắt lọc tinh hoa của đất, trời để tạo nên hương vị thơm ngon đến tận cùng. Tôi quý hương mè và nhớ món xôi bắp tro mè, mùi hương có dư âm của ngày xưa cũ, có ba, có má, có anh em quây quần bên bếp lửa hồng, soi sáng từng khuôn mặt yêu thương ấm áp.

Thương lắm xôi bắp tro mè, thức món quà quê mang theo cả một trời tuổi thơ đầy ắp kỷ niệm.

An Sinh

Nguồn: Báo Gia Lai

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT