Hoạt động của ngành

Để những chuyến về nguồn trở thành điểm nhấn du lịch Tây Ninh

Cập nhật: 16/09/2024 14:32:34
Số lần đọc: 374
Tây Ninh đang định hướng phát triển kết nối đồng bộ các điểm tham quan trọng điểm với hệ thống các di tích đặc trưng văn hoá, lịch sử của tỉnh.


Theo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, tính đến nay, Tây Ninh có tổng cộng 96 di tích đã được xếp hạng, trong đó có 1 di tích quốc gia đặc biệt, 27 di tích quốc gia, 68 di tích cấp tỉnh được phân bố ở 9 huyện, thị xã, thành phố và 8 di sản văn hoá phi vật thể quốc gia đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận.

Du khách chụp ảnh tại Bức tranh hoành tráng trong di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam.

Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam được xác định là một trong các điểm tham quan trọng điểm của tỉnh Tây Ninh.

Với những thế mạnh tự nhiên này, du lịch được Tây Ninh xác định là một trong những đột phá để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ngành du lịch Tây Ninh tiếp tục tập trung các nguồn lực để đầu tư, nâng tầm ngành du lịch, hướng đến mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030.

Việc tăng cường liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa Tây Ninh với các tỉnh, thành Đông Nam bộ; ký kết hợp tác phát triển du lịch giai đoạn 2024-2029 với Tổng Công ty du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group) được xem là cơ hội lớn để Tây Ninh và các địa phương trong vùng đẩy mạnh khai thác thế mạnh các sản phẩm đặc thù, tiêu biểu. Từ đó, giúp các địa phương xây dựng, phát triển các loại hình du lịch công nghiệp, đường sông, làng nghề truyền thống, vui chơi giải trí, văn hoá… đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu của du khách.

Du khách tham quan kiến trúc độc đáo của Toà thánh Cao Đài Tây Ninh.

Du khách tham quan di tích kiến trúc nghệ thuật tháp Chót Mạt, huyện Tân Biên.

Di tích lịch sử Địa điểm Chiến thắng Tua Hai.

Song song đó, để tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch, ngành du lịch Tây Ninh đẩy mạnh tổ chức đón các đoàn Famtrip đến khảo sát, kết nối du lịch tỉnh với các tỉnh, thành phố trong cả nước. Nhiều “địa chỉ đỏ” về nguồn dần được quảng bá rộng hơn đến nhiều du khách ngoài những điểm đến đã được nhiều người biết đến như: Toà thánh Cao Đài Tây Ninh, Linh Sơn Tiên Thạch tự (chùa Bà), di tích Chiến thắng Tua Hai, di tích tháp Chót Mạt, di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam...

Theo bà Trần Thị Huy Hoàng - Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, đây là cơ hội để Tây Ninh giới thiệu các tiềm năng, lợi thế về các sản phẩm, đặc sản du lịch; đồng thời đẩy mạnh liên kết các tour, tuyến, điểm đến đến các công ty du lịch, lữ hành, các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm dịch vụ du lịch của các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam bộ và cả nước cũng như tìm kiếm cơ hội đầu tư cho du lịch Tây Ninh trong tương lai.

Phan Dương

Nguồn: Báo Tây Ninh - baotayninh.vn - Đăng ngày 14/09/2024

Cùng chuyên mục