Hoạt động của ngành

Hà Nội: Tiềm năng và lợi thế phát triển kinh tế ở huyện Phú Xuyên

Cập nhật: 13/09/2024 16:28:26
Số lần đọc: 554
Huyện Phú Xuyên nằm ở cửa ngõ phía Nam Hà Nội, có mạng lưới giao thông dày đặc với hàng trăm làng nghề truyền thống. Địa bàn huyện còn giáp ranh với nhiều địa phương của TP và một số huyện của tỉnh Hà Nam, Hưng Yên.


Đặc biệt, huyện được quy hoạch đô thị vệ tinh và cảng hàng không… Đây là tiềm năng và lợi thế để Phú Xuyên đẩy mạnh phát triển kinh tế địa phương.

Nhiều cụm công nghiệp được xây dựng

Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Lê Văn Bính chia sẻ, Quy hoạch vùng huyện Phú Xuyên gắn với quá trình phát triển kinh tế công nghiệp, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp và hình thành đô thị; phát huy thế mạnh, tiềm năng vị trí đầu mối giao thông vận tải… để trở thành huyện có sức hút phát triển, đa dạng ở cửa ngõ phía Nam Thủ đô.

Phú Xuyên nằm trong trục phát triển văn hóa phía Nam Hà Nội theo định hướng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Các giá trị văn hóa làng nghề, di sản được phát huy trở thành động lực phát triển của vùng huyện. Đồng thời, xây dựng các mô hình phát triển có sức cạnh tranh như: kinh tế làng nghề, làng nghề du lịch, du lịch ven sông Hồng.

Du khách quốc tế trải nghiệm văn hóa tại làng nghề khảm trai sơn mài Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên. Ảnh: Nguyễn Trường

Phú Xuyên cũng định hướng phát triển các cụm công nghiệp (CCN) xanh, các mô hình trung tâm cụm xã hỗ trợ sản xuất, kinh doanh hiệu quả; xây dựng các tổ hợp phát triển để phát huy thế mạnh tích hợp, trong đó kinh tế làng nghề - CCN là động lực để phát triển kinh tế nông thôn; phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất lớn, nông nghiệp sinh thái, có sản phẩm chủ lực là sản phẩm OCOP.

Cùng với đó, Phú Xuyên đang dồn lực xây dựng hạ tầng giao thông kết nối, thủy lợi bảo đảm phục vụ sản xuất, hướng tới trở thành huyện có chức năng đô thị - công nghiệp, dịch vụ - làng nghề - nông nghiệp, có tính chất là "Cực tăng trưởng thông minh - sáng tạo - sinh thái - văn hóa” của Thủ đô.

Phú Xuyên cũng được đánh giá là đầu mối giao thông vận tải kết nối các tỉnh phía Nam Hà Nội và được quy hoạch đô thị vệ tinh của TP; là trung tâm phát triển kinh tế công nghiệp, dịch vụ, trung chuyển hàng hóa, dịch vụ logistics gắn với sân bay phía Nam Thủ đô, định hướng phát triển thành đô thị sân bay, quy mô là TP trong giai đoạn 2040 - 2050.

Hiện nay, toàn huyện có 120/345 di tích lịch sử được xếp hạng, trong đó 38 di tích xếp hạng cấp Quốc gia và 82 di tích xếp hạng cấp TP. Một số di tích cổ có kiến trúc tiêu biểu như: đình Giẽ Hạ (xã Phú Yên), đình Đa Chất (xã Đại Xuyên), đình Cổ Chế (xã Phúc Tiến), đền thờ tổ nghề Khảm (xã Chuyên Mỹ)...

Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Phú Xuyên Nguyễn Hữu Khoa cho biết, huyện có khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội theo quy hoạch đến năm 2030 với 500ha, hiện đang thu hút nhiều DN lớn vào đầu tư. Đồng thời, huyện còn triển khai CCN Phú Xuyên 204ha thuộc địa bàn các xã Nam Phong, Phúc Tiến, Nam Triều và thị trấn Phú Xuyên.

Theo Phê duyệt Quy hoạch phát triển CCN TP Hà Nội đến năm 2020, có xét đến năm 2030 tại Quyết định số 1292/QĐ-UBND ngày 14/3/2018 của UBND TP, huyện Phú Xuyên có 11 CCN làng nghề tại các xã: Đại Thắng, Phú Túc, Phú Yên, Vân Từ, Hồng Minh, Sơn Hà, Phượng Dực, Hoàng Long...

Trước đó, từ năm 2018 đến năm 2020, Phú Xuyên được UBND TP cho phép thành lập 4 CCN làng nghề, gồm: Phú Túc (5,94ha), Phú Yên (10,5ha), Đại Thắng (7,37ha), Vân Từ (7ha). Các dự án này đến nay đều đang trong quá trình hoàn thành thi công các hạng mục để đưa vào hoạt động.

Huyện có đô thị vệ tinh được quy hoạch theo Quyết định số 3996/QĐ-UBND ngày 13/8/2015 của UBND TP phê duyệt Quy hoạch chung Đô thị vệ tinh Phú Xuyên đến năm 2030, tỷ lệ 1/10.000; Quyết định số 5517/QĐ-UBND ngày 20/10/2015 của UBND TP phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội đến năm 2030, tỷ lệ 1/10.000.

Nhiều tuyến đường kết nối giao thông

Cũng theo Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Lê Văn Bính, Phú Xuyên đã và đang được TP quan tâm chỉ đạo đầu tư xây dựng hàng loạt tuyến đường, trong đó có tuyến đường gom phía Đông cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ kết nối các cụm dân cư phía Đông cao tốc, thúc đẩy kinh tế bảo đảm an toàn cho đường cao tốc.

Cùng với đó là tuyến đường gom phía Tây đường sắt Bắc - Nam qua huyện Phú Xuyên nhằm kết nối các cụm dân cư phía Tây của đường sắt, thúc đẩy kinh tế địa phương, bảo đảm hành lang an toàn cho đường sắt, đoạn tuyến qua đô thị vệ tinh, thực hiện theo quy hoạch phân khu đô thị vệ tinh.

Tuyến đường trục kinh tế phía Nam là tuyến đường kết nối toàn bộ khu vực phía Tây của huyện với trung tâm Thủ đô, thể hiện tại Quyết định số 2016/QĐ-UBND của UBND TP về việc phê duyệt hồ sơ chỉ giới đường đỏ tỷ lệ 1/500 tuyến đường trục kinh tế phía Nam (đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây cũ), phân đoạn từ KM18+561,5 - KM41+500, với quy mô tuyến 40m đi qua các xã Hồng Minh, Tri Trung, Phú Túc, Hoàng Long, Châu Can.

Theo Quy hoạch chung xây dựng huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội đến năm 2030, tuyến đường kết thúc tại nút giao cắt với Quốc lộ (QL)1A, tuy nhiên trong đồ án Quy hoạch vùng huyện Phú Xuyên đề xuất tuyến đường kéo dài tới đê sông Hồng, tạo thành tuyến kinh tế phía Nam của huyện, tăng cường kết nối Đông - Tây. Đoạn tuyến phía Đông QL1A có quy mô tuyến 30m.

Ngoài ra còn có tuyến đường kinh tế phía Nam kết nối các xã Tri Trung, Hoàng Long, Chuyên Mỹ, Vân Từ giao với QL1A tại nút N6, dài 13,36km, quy mô rộng 30m. Bên cạnh đó, còn có tuyến đường dài 15,4km, quy mô 30m kết nối xã Nam Tiến, Nam Triều, Khai Thái, Tri Thủy, Minh Tân với cảng Phú Xuyên và tỉnh Hà Nam.

Tuyến đường Đỗ Xá - Quan Sơn có ý nghĩa quan trọng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của khu vực phía Nam TP nói riêng và vận tải quá cảnh của khu vực Tây Bắc qua vùng Thủ đô nói chung. Tuyến có điểm đầu tại khu vực cảng Vạn Điểm, quy mô 6 làn xe, rộng 36,5 - 62,0m với các đoạn tuyến qua đô thị và khu dân cư.

Song song với đó, còn có tuyến đường 429 kết nối các huyện Thường Tín, Phú Xuyên, Thanh Oai, Mỹ Đức, kết nối các tuyến giao thông QL1A, tuyến trục phía Nam. Tổng chiều dài tuyến qua huyện 9,6km đang được thi công nâng cấp, mở rộng 4 làn xe, rộng 25m, vỉa hè 2 bên đường như đường đô thị, hành lang an toàn 13m mỗi bên.

Bên cạnh đó, huyện còn có đường 428A, 429B liên kết Phú Xuyên với huyện Ứng Hòa và tỉnh Hà Nam là tuyến trục Đông Tây kết nối các tuyến giao thông QL1, QL5B, QL38, tuyến trục phía Nam, tuyến Đỗ Xá - Quan Sơn, đê Hữu Hồng. Chiều dài qua huyện 18,4km với 4 làn xe, rộng 25m, với đoạn qua khu dân cư tập trung bố trí vỉa hè 2 bên đường như đường đô thị.

Tuyến đường kết nối đường kinh tế phía Nam điểm đầu tại xã Hoàng Long với đô thị vệ tinh Phú Xuyên, điểm cuối tại xã Nam Phong dài 12,9km, rộng 30 - 40m. Tổng hợp toàn huyện có 23 tuyến đường, quy mô tuyến 18 - 24,0m, cấp đường đạt cấp IV - V đồng bằng. Tổng chiều dài hệ thống giao thông đã, đang và sẽ được đầu tư nâng cấp, xây mới 102,3km.

"Đây là những yếu tố, điều kiện tạo ra tiềm năng, lợi thế vốn có sẽ giúp cho huyện Phú Xuyên có những bước thay đổi tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sồng người dân địa phương trong thời gian tới...” - Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Lê Văn Bính khẳng định.

Đô thị vệ tinh Phú Xuyên bao gồm thị trấn Phú Xuyên, các xã Phú Minh, Phượng Dực, Đại Thắng, Quang Trung, Sơn Hà, Nam Triều, Nam Phong, Nam Tiến, Phúc Tiến và một phần huyện Thường Tín. Đây là 1 trong 5 đô thị vệ tinh sẽ được hình thành tại Phú Xuyên và cơ bản giữ nguyên định hướng phát triển theo Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Nguyễn Tường

Nguồn: Báo Kinh tế đô thị - kinhtedothi.vn - Đăng ngày 12/09/2024

Cùng chuyên mục