Hoạt động của ngành

Phú Thọ: Kết nối tiêu thụ các sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch

Cập nhật: 13/09/2024 16:32:23
Số lần đọc: 514
Việc kết nối tiêu thụ sản phẩm từ Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) gắn với phát triển du lịch là hướng đi cần thiết, vừa góp phần định vị điểm đến, gia tăng trải nghiệp cho du khách, vừa quảng bá, thúc đẩy tiêu thụ, gia tăng giá trị cho sản phẩm OCOP, phát triển kinh tế cho khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. 

Chương trình OCOP được triển khai trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã có tác động tích cực đến phát triển kinh tế nông thôn, góp phần chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, có truy xuất nguồn gốc và theo nhu cầu thị trường, tạo nên hướng đi mới, hiện đại, hiệu quả hơn trong sản xuất, kinh doanh giúp kinh tế nông thôn phát triển bền vững.

Chương trình OCOP ngoài việc tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn còn góp phần thúc đẩy hướng đi phát triển sinh kế ở những vùng khó khăn và các nhóm yếu thế như đồng bào dân tộc thiểu số, phụ nữ. Bên cạnh đó, Chương trình còn giúp các chủ thể chủ động trong phát triển thị trường, mở rộng kênh phân phối, tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại. Trên địa bàn tỉnh đã có hơn 150 doanh nghiệp, trên 300 gian hàng cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh đăng ký cung cấp sản phẩm OCOP trên sàn giao dịch thương mại điện tử. 

Phú Thọ là địa phương tiềm năng phát triển du lịch rất lớn, mỗi năm đón hàng triệu lượt du khách. Vì thế việc khuyến khích các chủ thể OCOP hướng tới khách du lịch, đưa sản phẩm OCOP trở thành sản phẩm phục vụ du lịch là một trong những chủ trương mà tỉnh hướng tới để phát triển Chương trình OCOP. Du lịch chính là một kênh quảng bá, giới thiệu hữu hiệu dành cho sản phẩm OCOP. Qua hoạt động du lịch và khách du lịch, các sản phẩm này sẽ lan tỏa đi nhiều nơi. Ở chiều ngược lại sản phẩm OCOP là nơi khơi nguồn, phát huy giá trị đặc trưng để lôi cuốn khách du lịch đến địa phương. 

Ở một khía cạnh khác, mỗi sản phẩm OCOP đều là "sứ giả văn hóa" của một địa phương cụ thể, thể hiện truyền thống, phong tục, tập quán sinh hoạt của người dân. Du khách trong quá trình tham quan, mua sắm sản phẩm đó luôn có nhu cầu được thông tin về những điểm đặc biệt của sản phẩm từ nguồn nguyên liệu, quá trình chế biến, sản xuất và cả giá trị sử dụng, giá trị văn hóa tinh thần. Do vậy, khai thác triệt để các yếu tố thể hiện giá trị văn hóa bản địa kết tinh trong sản phẩm OCOP giới thiệu đến du khách là rất cần thiết. 

Du lịch chính là một kênh quảng bá, giới thiệu hữu hiệu dành cho sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Ảnh: ML.  

Trước đó, tại Lễ hội Đền Hùng và Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm 2024 (diễn ra từ ngày 9-18/4) tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương tăng cường công tác phối hợp, quảng bá, giới thiệu, kết nối các sản phẩm đặc trưng, đặc biệt là sản phẩm tham gia Chương trình OCOP của tỉnh trở thành sản phẩm du lịch, có giá trị kinh tế cao. 

Theo đó, tại Quảng trường Hùng Vương, thành phố Việt Trì, cách Khu di tích lịch sử Đền Hùng khoảng 10km, hàng trăm sản phẩm tiêu biểu của các địa phương trong tỉnh cùng nhiều tỉnh, thành trong cả nước đã hội tụ về Hội chợ Thương mại và sản phẩm OCOP Phú Thọ năm 2024, thu hút đông đảo người dân đến tham quan, mua sắm ngay từ ngày khai mạc. Hội chợ có quy mô trên 350 gian hàng được bố trí thành hai khu vực, trong đó, khu thương mại tổng hợp có trên 250 gian hàng của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong và ngoài tỉnh; khu vực triển lãm trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của của tỉnh Phú Thọ, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố với gần 100 gian hàng. 

Theo Sở Công Thương tỉnh Phú Thọ, trong 6 tháng đầu năm nay, hàng loạt sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh đã có mặt tại các gian hàng của tỉnh trong khuôn khổ Lễ hội Tết Việt Nam năm 2024, Lễ hội Hoa Ban năm 2024, Lễ hội Văn hóa, Du lịch và ẩm thực quốc tế Hà Giang lần thứ I, năm 2024; Ngày hội Du lịch thành phố Hồ Chí Minh năm 2024, Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Ha Noi 2024, Lễ hội Du lịch Hà Nội năm 2024... cùng nhiều diễn đàn liên kết, phát triển du lịch vùng, hội nghị xúc tiến du lịch trong và ngoài tỉnh. 

Tại Khu du lịch Đảo Ngọc Xanh (huyện Thanh Thủy) điểm du lịch thường xuyên đón tiếp du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, nghỉ dưỡng dịp cuối tuần và ngày lễ, tết, Điểm trưng bày và giới thiệu sản phẩm OCOP đã được đặt ngay tại cổng Khu du lịch với đội ngũ nhân viên túc trực 24/24h phục vụ du khách tham quan, mua sắm. Đến nay, các sản phẩm OCOP tại đây đã góp phần tạo nên điểm nhấn đặc biệt của Khu du lịch. 

Đến nay trên địa bàn tỉnh có 15 điểm bán và giới thiệu sản phẩm OCOP gồm: TP Việt Trì 3 điểm, huyện Tam Nông 3 điểm, huyện Tân Sơn 2 điểm, các huyện khác 1 điểm. Các địa điểm này được đặt ở những vị trí thuận lợi, đắc địa, không gian rộng rãi, nằm ở trung tâm phố, huyện, thị. Trung tâm Thông tin và Xúc tiến du lịch tỉnh đã lựa chọn những địa điểm có lượng lớn khách du lịch tham quan để hỗ trợ xây dựng các điểm trưng bày và bán các sản phẩm OCOP của chính địa phương đó như Đình Hùng Lô (TP Việt Trì), Đền Mẫu Âu Cơ (huyện Hạ Hoà), Vườn Quốc gia Xuân Sơn (huyện Tân Sơn)...

 Đến nay trên địa bàn tỉnh có 15 điểm bán và giới thiệu sản phẩm OCOP. 

Ngoài ra, Trung tâm đã vận động, khuyến khích bà con mang sản phẩm nông sản đặc trưng và sản phẩm có tiềm năng của địa phương ra bày bán, thu được hiệu quả rất tích cực, trở thành lựa chọn ưa thích của khách du lịch như: Thịt chua Thanh Sơn, bánh chưng Đất Tổ, rau sắn Cẩm Khê, tương Cao Xá, xôi ngũ sắc Xuân Sơn, bánh sắn Phù Ninh, gà ủ muối Tân Sơn, chè Long Cốc, chè Búp Tím, chè Hoài Trung... 

Trung tâm Thông tin và Xúc tiến du lịch tỉnh đã và đang đẩy mạnh việc lồng ghép việc tham quan, trải nghiệm tại các cơ sở làng nghề vào các tour, tuyến du lịch khi quảng bá, giới thiệu với các hãng lữ hành, nhằm hướng du khách tới việc tìm hiểu quy trình sản xuất của sản phẩm, tạo niềm tin và thúc đẩy tiêu thụ tại địa phương bởi sản phẩm làm ra chính là vật thể minh chứng cho những khám phá, trải nghiệm của khách du lịch. Mô hình này đang mang lại hiệu quả rõ rệt đối với các sản phẩm OCOP như: Mỳ gạo Hùng Lô, Thịt chua Thanh Sơn, Chè Long Cốc, Bánh chưng Đất Tổ...

Để tăng cường kết nối việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP với phát triển du lịch,  các chủ thể cần chủ động đăng ký phát triển thương hiệu sản phẩm OCOP gắn với du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái hoặc du lịch khám phá. Với địa điểm du lịch, cần xây dựng những gian hàng OCOP tại các khuôn viên, đảm bảo không được phá vỡ cấu trúc, không ảnh hưởng đến các giá trị văn hóa, lịch sử, nhân văn.

Nhân viên bán sản phẩm OCOP tại điểm du lịch cần được đào tạo và quảng bá, tuyên truyền thông tin OCOP đến với khách hàng một cách thân thiện, nhiệt tình, chuyên nghiệp nhằm thu hút sự quan tâm của du khách. Bên cạnh đó, các cơ quan xúc tiến thương mại, ban quản lý các điểm du lịch, cần đưa ra chính sách hợp lý để nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh sản phẩm OCOP với các sản phẩm khác trên thị trường.

Thời gian qua, Chương trình OCOP đã được triển khai đồng bộ, rộng khắp ở tất cả các địa phương trên cả nước, được xem là giải pháp và nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. 

Theo số liệu từ Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến tháng 6/2024, cả nước có 13.368 sản phẩm OCOP. Nhiều địa phương đã và đang thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm hàng hóa thông qua các hoạt động văn hóa-du lịch. Nhờ kết hợp với du lịch, các địa phương đã thúc đẩy hoạt động sản xuất và thu mua, hình thành được chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm hiện đại và bền vững. Qua đó, góp phần thúc đẩy các địa phương tích cực tham gia sản xuất các sản phẩm thế mạnh cũng như phát triển kinh tế.

Theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), mỗi năm Việt Nam đón khoảng 120 triệu khách du lịch và khách hiện có xu hướng tự tìm tour trên các ứng dụng trực tuyến, thích du lịch khám phá, du lịch cộng đồng, được trải nghiệm cách làm sản phẩm OCOP thực tế. Để thúc đẩy sản phẩm OCOP gắn với du lịch, các địa phương cần tính toán đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng tiếp đón khách du lịch và nên tập hợp đa dạng sản phẩm OCOP tại điểm du lịch.

Đồng thời tiếp tục duy trì và phát triển các kênh phân phối đã được xây dựng và thúc đẩy bán hàng đa kênh đối với các Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP đã có sẵn. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác kết nối, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm OCOP gắn với du lịch, ẩm thực, văn hóa, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử trong công tác giới thiệu, quảng bá, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm. Việc truyền thông, quảng bá cho sản phẩm OCOP và các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; công tác quản lý thị trường và bảo vệ thương hiệu của các sản phẩm OCOP cần được đẩy mạnh hơn nữa.

Hải Minh

Nguồn: TCĐT Thiên nhiên và Môi trường - thiennhienmoitruong.vn - Đăng ngày 13/9/2024

Cùng chuyên mục