Hoạt động của ngành

Để Pleiku trở thành điểm đến hấp dẫn

Cập nhật: 23/02/2021 09:45:15
Số lần đọc: 847
Thành phố Pleiku (tỉnh Gia Lai) có rất nhiều món ngon, cảnh đẹp được du khách cả nước biết đến. Tuy nhiên, để biến những sản vật đặc trưng có sức hấp dẫn, gọi mời, níu giữ du khách, chính quyền địa phương và ngành chủ quản cũng nên có nhiều sự đầu tư tương xứng.


Du khách tham quan thắng cảnh Biển Hồ. Ảnh: Đức Thụy

Nói đến Phố núi Pleiku, du khách cả nước đều biết đến đây là nơi có khí hậu mát mẻ, với kiến trúc đồi dốc, vừa thơ mộng, vừa mang dáng dấp Tây Nguyên hùng vĩ. Thành phố Pleiku hiện nay là đô thị loại I trực thuộc tỉnh, có diện tích tự nhiên hơn 26.000 ha, dân số hơn 300.000 người với 28 dân tộc anh em sinh sống tại 22 xã, phường, trong đó có 37 làng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thành phố có giao thông thuận tiện, đường hàng không từ Sân bay Pleiku có thể đi đến các thành phố lớn từ Nam ra Bắc, đường bộ nối với các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên cũng rất thuận tiện. Cùng với đó, Pleiku có nhiều món ăn nổi tiếng và đặc trưng của vùng Tây Nguyên như: phở khô, thịt bò một nắng, cơm lam gà nướng, gỏi lá... Các điểm du lịch, kết hợp nhà hàng ẩm thực ở Pleiku khá đa dạng, đặc biệt là nhà hàng cơm lam, gà nướng thu hút một lượng lớn khách trong và ngoài tỉnh ghé thăm, thưởng thức.

Tuy nhiên, nhiều du khách cũng góp ý rằng những điểm vui chơi, giải trí hiện nay ở Pleiku còn khá khiêm tốn, và chưa được đầu tư bài bản, hiện đại. Chúng ta mới chỉ có một số địa điểm như: Công viên Đồng Xanh, Biển Hồ, Công viên Diên Hồng, một số vườn hoa tư nhân, các địa điểm “check-in” mang tính tự phát...

Để Phố núi Pleiku thật sự là một điểm đến hấp dẫn du khách trong tương lai, chính quyền địa phương và ngành chủ quản cần có một kế hoạch dài hơi để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trong đó, TP. Pleiku cần đầu tư hoàn thiện về hạ tầng giao thông, triển khai quy hoạch các điểm du lịch theo hướng đa dạng hóa các loại hình, nhưng đảm bảo tính khác biệt. Chẳng hạn, tạo những thương hiệu về du lịch phù hợp với thế mạnh của Pleiku mà các địa phương trong khu vực không có, mang tính đặc sắc, đặc sản vùng miền.

Cùng với đó, Pleiku cần sớm hình thành “khu phố ẩm thực” đảm bảo thiết kế hợp lý, an toàn, văn minh, lịch sự và phục vụ chuyên nghiệp. Trong đó, khai thác sự phong phú và khác biệt của ẩm thực Gia Lai như: phở khô Gia Lai, khoai lang Lệ Cần, thịt bò một nắng, cơm lam, rượu cần, trà, cà phê...  Xây dựng “khu phố ẩm thực” ở chợ đêm Pleiku để phục vụ du khách và người dân, qua đó đáp ứng nhu cầu thư giãn, mua sắm của khách tham quan vào ban đêm.

Hình thành mô hình du lịch cộng đồng tại làng Ốp, làng Tiêng, làng Kép... Khôi phục các nghề truyền thống như: đan lát, dệt thổ cẩm... tổ chức các lễ hội truyền thống tại làng trên cơ sở phát huy giá trị của di sản phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”. Khai thác các loại hình du lịch trải nghiệm cho du khách tại làng như: tham gia đan lát, dệt thổ cẩm, thưởng thức văn hóa cồng chiêng, ẩm thực Tây Nguyên...

Chính quyền thành phố cũng cần thường xuyên phối hợp tổ chức hội nghị xúc tiến du lịch, hội nghị liên kết sản phẩm với các tỉnh thành trong nước. Qua đó, giới thiệu đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước, các nhà tài trợ những dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm kêu gọi đầu tư trong giai đoạn phát triển tiếp theo; vận động, thu hút các nguồn lực, tập trung ở khu vực tư nhân để đầu tư vào các dự án hạ tầng, các khu, điểm du lịch trên địa bàn.

Đồng thời, chính quyền và ngành chủ quản cũng cần tăng cường hiệu quả hợp tác xây dựng sản phẩm du lịch chung 3 tỉnh Tây Nguyên (Gia Lai, Kon Tum, Đak Lak), kết nối sản phẩm chung với các tỉnh duyên hải miền Trung, các tỉnh phía Bắc, Nam Bộ... trên cơ sở kết hợp khai thác theo tuyến đường bộ và đường hàng không. Vì hiện nay Pleiku có vị trí ở giữa Kon Tum và Đak Lak, có thể tạo những sản phẩm du lịch kết hợp giữa 3 tỉnh, tạo thành những tour du lịch hấp dẫn.

Có thể nói, muốn xây dựng thương hiệu du lịch cho Phố núi Pleiku, trước hết cần có quy hoạch tổng thể vừa mang tính lâu dài, vừa ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để Pleiku sớm trở thành đô thị thông minh, hiện đại và là thành phố “Cao nguyên xanh vì sức khỏe”; là điểm đến hấp dẫn, thân thiện của du khách trong và ngoài nước.

Nguồn: Báo Gia Lai

Cùng chuyên mục