Hoạt động của ngành

Đền Xã Tắc (Quảng Ninh) đón nhận bằng xếp hạng Di tích Quốc gia

Cập nhật: 12/04/2021 07:59:55
Số lần đọc: 869
Sáng nay (11/4), tỉnh Quảng Ninh tổ chức Lễ công bố Quyết định và đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đền Xã Tắc (thuộc địa bàn phường Ka Long, thành phố Móng Cái).


Đây là ngôi đền nằm cạnh ngã ba sông biên giới, được coi là “Cột mốc văn hóa” góp phần khẳng định chủ quyền lãnh thổ Tổ quốc.​​​​​​

Đền, chùa Xã Tắc tọa lạc tại phường Ka Long, thành phố Móng Cái, trước kia có tên là “Đàn miếu Xã Tắc Đại vương” là nơi lập đàn để tế long thần thổ địa. Đền được xây dựng khoảng cuối thế kỉ XIII, đầu thế kỷ thứ XIV dưới thời nhà Trần, thờ thần Xã Tắc, Bản cảnh thành hoàng của châu Móng Cái xưa; thờ Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng, Cao Sơn Đại Vương, Long thần thổ địa bản thôn và các vị tiên công của những dòng họ đã có công khai khẩn vùng đất này. 

Trải qua thời gian với những thăng trầm lịch sử, đền Xã Tắc đã được trùng tu nhiều lần và hiện di tích gồm các hạng mục nghi môn, chính điện, tả vu hữu vu, lầu chuông, gác trống, miếu Sơn thần... Với người dân vùng biên giới Móng Cái, đền Xã Tắc là một trong những công trình có giá trị đặc biệt tiêu biểu, có vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng.


Di tích Quốc gia đền Xã Tắc.

Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học tiêu biểu, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký Quyết định số 3238, công nhận Di tích lịch sử đền Xã Tắc là Di tích Quốc gia. Đây là ngôi đền nằm cạnh ngã ba sông biên giới, được coi là “Cột mốc văn hóa” góp phần khẳng định chủ quyền lãnh thổ Tổ quốc. 

Ông Trần Đình Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đánh giá, thành phố Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) là một trong số ít các địa phương trong cả nước còn lưu giữ, duy trì và phát huy được giá trị văn hóa, lịch sử của tục lệ thờ thần Xã Tắc và thực hiện Lễ tế đàn Xã Tắc.

Theo ông Trần Đình Thành, chính quyền địa phương cần bổ sung, hoàn thiện những hồ sơ nghiên cứu khoa học, lịch sử đối với đền Xã Tắc; qua đó người dân và du khách khi đến đây sẽ hiểu hơn về giá trị lịch sử, văn hóa của di tích. Đây cũng là việc làm thiết thực, nhằm giáo dục người dân về truyền thống yêu nước./.

Vũ Miền/VOV-Đông Bắc

Nguồn: VOV.vn

Cùng chuyên mục