Hoạt động của ngành

Vũng Liêm (Vĩnh Long) cần "cú hích" để du lịch vươn mình

Cập nhật: 12/04/2021 08:09:19
Số lần đọc: 1189
Vũng Liêm đã được xác định địa phương có nhiều tiềm năng, tài nguyên du lịch quý giá, đa dạng. Có thể xây dựng nhiều loại hình du lịch văn hóa- tâm linh, sinh thái sông nước miệt vườn và gắn với trải nghiệm nông nghiệp.

Nhưng từ dạng “tài nguyên thô” trở thành những sản phẩm, tour tuyến du lịch hoàn chỉnh là một chặng đường dài. Sau đó còn là câu chuyện kết nối, quảng bá và bán sản phẩm.

Cần một “cú hích” mạnh mẽ, để du lịch Vũng Liêm ghi tên vào bản đồ du lịch của khu vực và cả nước.

Du lịch Vũng Liêm có thừa yếu tố tiềm năng phát triển du lịch gắn với trải nghiệm văn hóa nông nghiệp xưa và nay.

Nhận diện tiềm năng

Vũng Liêm là một trong số các địa phương của tỉnh Vĩnh Long có tài nguyên du lịch. Đặc điểm về lịch sử- văn hóa, dân tộc, điều kiện tự nhiên về sông nước, vườn cây ăn trái phong phú về chủng loại, vùng sản xuất lúa nước lớn nhất tỉnh tạo cho huyện nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển các loại hình kinh doanh dịch vụ du lịch. 

Hiện nay, huyện có 9 di tích lịch sử- văn hóa cấp tỉnh; nhiều công trình tôn giáo với kiến trúc độc đáo; 4 làng nghề truyền thống.

Đặc biệt, Khu lưu niệm Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt trong quần thể di tích Tượng đài Đốc binh Lê Cẩn- Nguyễn Giao; Bia Nam Kỳ khởi nghĩa, di tích Hồ Vũng Linh đón hàng chục ngàn lượt khách đến viếng và tham quan hàng năm.

Phó Chủ tịch UBND huyện Vũng Liêm Phạm Minh Hoàng cho biết: “Để cụ thể hóa Nghị quyết 01 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch, Huyện ủy- UBND huyện đã ban hành các kế hoạch và quyết định về phát triển du lịch giai đoạn 2015- 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn huyện Vũng Liêm, đồng thời quyết định thành lập BCĐ công tác phát triển du lịch huyện do Phó Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng ban trực tiếp chỉ đạo.

Tuy nhiên, đây là lĩnh vực còn khá mới mẻ, nhận thức của một số cấp ủy, lãnh đạo một số ngành, địa phương về hoạt động du lịch và công tác quản lý nhà nước về du lịch còn bỡ ngỡ, hạn chế. Từ đó, chưa dành nhiều sự quan tâm và hỗ trợ cho công tác này”.

Tuy nhiên, do những hạn chế về tiềm lực, nhân lực, công tác thu hút đầu tư nên ngày 24/10/2019, UBND huyện đã quyết định thành lập BCĐ công tác phát triển du lịch trên địa bàn huyện do Chủ tịch UBND huyện làm trưởng ban và giao trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị ngành huyện và UBND các xã- thị trấn triển khai thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ quy định.

Song song với việc ban hành các văn bản chỉ đạo về phát triển du lịch trên địa bàn, UBND huyện phối hợp các sở, ngành chuyên môn của tỉnh tham mưu Tỉnh ủy- UBND tỉnh xem xét bổ sung quy hoạch xây dựng các dự án, công trình trọng điểm phục vụ du lịch trong thời gian tới như: dự án Xây dựng Bảo tàng Nông nghiệp ĐBSCL; dự án Trùng tu khu mộ thân nhân Danh thần Thoại Ngọc Hầu; dự án mở rộng Công viên Vũng Liêm- xây dựng nhà thắp hương Thủ tướng Võ Văn Kiệt…

Đồng thời, tổ chức khảo sát thực tế tại một số địa bàn của huyện để đánh giá tiềm năng phát triển du lịch của địa phương, làm cơ sở cho tỉnh điều chỉnh, bổ sung quy hoạch chung về phát triển du lịch.

Thời gian qua, huyện đã phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế và du lịch TP Hồ Chí Minh và đội ngũ chuyên gia đa lĩnh vực tổ chức khảo sát, đánh giá tiềm năng, tư vấn định hướng phát triển du lịch trên toàn địa bàn huyện.

Yếu tố ẩm thực trải nghiệm từ sản vật bản địa trong nông nghiệp nhằm tạo nên sự khác biệt trong thực đơn.

Cho đến nay, một số tuyến- điểm du lịch phát triển nhỏ, tự phát bước đầu khai thác sản phẩm sinh thái vườn như: bưởi da xanh, xoài, sầu riêng,...; hình thành các điểm tham quan, nghỉ dưỡng như Coco River side Loge, Homestay Hai Cường, dịch vụ đưa khách (đặc biệt là khách nước ngoài) tham quan thưởng ngoạn cảnh đẹp đường sông, tham quan, mua sắm ở các chợ xã, tham quan nghề dệt chiếu, thu hoạch lác... bằng xe đạp; viếng các chùa, tham quan lễ hội của đồng bào Khmer địa phương, lễ hội đình làng, tham quan nhà trưng bày nông, ngư cụ, xem đờn ca tài tử,...

Cần những bước đi mạnh mẽ hơn

Theo tư vấn của các chuyên gia, trong thời gian tới, Vũng Liêm cần chú trọng phát triển du lịch nhân văn- sinh thái miệt vườn; đồng thời du lịch phải gắn chặt với cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, tạo ra những sản phẩm du lịch đặc thù của Vũng Liêm để tạo sự khác biệt, hấp dẫn du khách; trong đó việc sử dụng các nguồn tài nguyên du lịch phải đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên tham gia, đặc biệt chú trọng lợi ích của người dân địa phương và chú trọng bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển bền vững.

Ông Phạm Minh Hoàng cho rằng: “Đặc biệt quan trọng là Vũng Liêm cần bảo tồn không gian văn hóa bằng việc duy trì các hoạt động văn hóa văn nghệ truyền thống; bảo vệ tôn tạo các di tích văn hóa lịch sử. Gắn việc tổ chức các hoạt động văn hóa, lễ hội với các sự kiện chính trị quan trọng của tỉnh và địa phương.

Xây dựng các chương trình quảng bá du lịch bằng nhiều hình thức, minh bạch thông tin sản phẩm tạo điều kiện để du khách trong và ngoài nước tiếp cận với các loại hình du lịch trên địa bàn huyện qua hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin hoặc trang cổng thông tin điện tử của huyện của tỉnh”.

Bên cạnh đó là công tác đào tạo nguồn nhân lực quản lý và kinh doanh du lịch, chú trọng bồi dưỡng kiến thức cho người trực tiếp quản lý điểm du lịch và người phục vụ khách du lịch, đặc biệt là hộ nông dân có đủ điều kiện kinh doanh phát triển sản phẩm du lịch; kịp thời gắn các biển chỉ dẫn vào các khu di tích lịch sử- văn hóa và các công trình lịch sử trên địa bàn huyện.

Gắn kết với các tour- tuyến du lịch của tỉnh về Vũng Liêm (Tuyến khu mộ thân nhân Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt (xã Trung Hiệp) với Khu lưu niệm Thủ tướng tại thị trấn Vũng Liêm; đường chỉ dẫn đến khu lăng mộ thân nhân Danh thần Thoại Ngọc Hầu (xã Thanh Bình) và các di tích lịch sử văn hóa khác.

Tuy nhiên, Vũng Liêm cần “cú hích” mạnh mẽ bằng nhiều hình thức kêu gọi đầu tư các dịch vụ phục vụ khách du lịch như: khách sạn, nhà nghỉ, khu vui chơi giải trí, các dịch vụ thiết yếu khác nhằm giữ chân khách, để tạo nguồn thu cho ngân sách địa phương.

Đây cũng là nguồn lực thúc đẩy nhanh quá trình chuyển hóa từ dạng tiềm năng, tài nguyên du lịch còn dạng thô sơ của Vũng Liêm, sớm trở thành những sản phẩm du lịch hoàn chỉnh và đưa vào khai thác hiệu quả trong tương lai gần.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG

 

 

Nguồn: Báo Vĩnh Long

Cùng chuyên mục