Dẻo thơm bánh lá răng bừa ở xã Xuân Lập (Thanh Hóa)
Sản phẩm bánh lá răng bừa được gia đình chị Bùi Thị Màu (xã Xuân Lập, Thọ Xuân) gói khéo léo.
Tiếng lành đồn xa, chúng tôi tìm về xã Xuân Lập (Thọ Xuân) trong một ngày thu đầy nắng. Người dân nơi đây cho biết, bánh lá răng bừa là loại bánh truyền thống thường được làm vào ngày rằm, ngày giỗ, ngày Tết Nguyên đán hay những khi trong nhà có công việc. Ngày nay, bánh lá răng bừa được làm quanh năm để phục vụ nhu cầu của thực khách. Chiếc bánh có hình răng bừa thể hiện hình tượng một công cụ lao động thân thuộc của người nông dân xưa, đây cũng là kết tinh giá trị từ những thành quả lao động cần cù, chăm chỉ ngàn đời của họ.
Công thức làm bánh nghe qua có vẻ đơn giản, nhưng bí quyết để cho ra đời những chiếc bánh thơm ngon nức tiếng một vùng, quả thực chỉ người dân xã Xuân Lập mới nắm rõ. Để làm nên chiếc bánh lá răng bừa - một trong những đặc sản tiến vua thời xưa, người dân nơi đây đã chắt chiu từ những hạt gạo thơm ngon nhất. Gạo để làm ra chiếc bánh lá răng bừa phải là loại gạo tẻ 13/2, dẻo và thơm ngon, do người dân xã Xuân Lập gieo trồng. Chọn gạo tẻ đều hạt, bóng, thơm, ngâm trong nước lạnh khoảng 2 – 3 giờ rồi đem xay thành bột nước, bằng chiếc cối xay bột quay tay thủ công cho bột dẻo và nhỏ mịn hơn. Tiếp đến, khâu ráo bột là khâu rất quan trọng trong làm bánh lá răng bừa, bởi nó đòi hỏi người làm phải biết pha lượng nước trong bột và lượng muối vừa phải. Sau khi pha nước xong được bắc lên bếp để lửa cháy nhỏ và người làm phải luôn quấy đều, để bột không bị vón cục, cứ như vậy đến khi bột đủ độ dẻo (không được khô quá hay quá nhão). Lá để gói bánh răng bừa thường là lá chuối tươi ở vườn nhà (lá chuối ngự hoặc lá chuối hột), không quá non cũng không quá già, không rách nát. Lá chuối cắt xong, rửa sạch, rọc hết xương sống, hơ qua lửa nhằm tăng độ dẻo cho lá, cắt từng tấm lá đủ để quấn một cái bánh, rồi lau sạch. Nhân bánh gồm có thịt lợn nạc vai băm nhỏ trộn với hành khô, mộc nhĩ và nêm các gia vị như hạt tiêu, muối trắng vừa phải, sau đó đem xào chín cho nhân vừa đậm đà, thơm ngon.
Sau khi đã hoàn tất các công đoạn chuẩn bị sẽ là khâu gói bánh. Cho một lượng bột vừa đủ cái bánh vào lá chuối và cho nhân bánh vào giữa, rải dọc theo chiều lá chuối và cuốn lại, đồng thời người làm phải xoay bánh nhẹ tay để cho bánh tròn đều, nhân được cuộn vào trong, sau đó gấp hai đầu bánh lại. Khi đã gói xong, xếp những chiếc bánh lá răng bừa ngay ngắn vào nồi, đổ nước đun sôi vào luộc chín. Sau khoảng 30 phút, khi mùi thơm của lá chuối hòa cùng bột gạo và nhân bánh tỏa ra ngào ngạt, lúc ấy là bánh đã chín. Gắp từng chiếc bánh căng tròn nhỏ xinh bày ra đĩa, nhẹ tay bóc mở lớp lá bên ngoài, chấm với một chút nước mắm cốt rồi đưa lên miệng cắn thử một miếng, chao ôi còn gì tuyệt vời bằng!. Người thưởng thức sẽ nhanh chóng cảm nhận ngay được cả sự tinh túy trong từng hạt gạo, sự cần cù, sáng tạo và cả tấm lòng chân thành của người dân nơi đây dành cho vị vua yêu kính của mình trong từng chiếc bánh dân dã nhưng đậm đà tình quê.
Trực tiếp chứng kiến cách người dân nơi đây chế biến ra thứ đặc sản thơm ngon này, chúng tôi đã ghé thăm gia đình chị Bùi Thị Màu, ở thôn Trung Lập đúng lúc chị đang gói bánh lá răng bừa. Chị Màu chia sẻ: “Từ thời cha sinh, mẹ đẻ, tôi đã thấy các cụ làm nghề này rồi. Chiếc bánh lá răng bừa được người dân nơi đây tôn thờ như một sản vật không thể thiếu trong những ngày rằm, mùng một, ngày giỗ, lễ, tết, ngày trọng đại của thôn làng”.
Để có nguyên liệu làm bánh, gia đình chị Màu đã làm 8 sào ruộng, chỉ chuyên trồng giống lúa 13/2, năng suất đạt 3,5 tạ/sào/vụ, bắt đầu cấy từ tháng giêng đến tháng 5 là cho thu hoạch. Lá chuối trong vườn, thịt lợn mua ở cửa hàng thực phẩm sạch, các gia vị khác đều mua chỗ tin cậy. Bình quân một ngày, gia đình chị làm được 500 chiếc bánh, trừ chi phí lãi còn 200 nghìn/người/ngày. Mấy năm gần đây, do nhu cầu thị trường tăng cao, phục vụ ăn sáng, đám cưới, đám giỗ... nên khách hàng đặt nhiều, gia đình chị phải làm cật lực mới đủ bánh cung ứng ra thị trường. Chiếc bánh lá răng bừa - món quà quê dân dã giờ đây đã có mặt ở hầu khắp trong tỉnh, theo những chuyến xe vào Nam, ra Bắc, đem theo hương đất, tình người, nét quê hương, hồn dân tộc đến với cả thế giới.
Hiện nay, toàn xã Xuân Lập có hơn 200 hộ sản xuất, kinh doanh bánh lá răng bừa. Sản phẩm được sản xuất quanh năm, mỗi năm cung ứng ra thị trường khoảng 12 triệu chiếc bánh, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động, với thu nhập bình quân 3 - 3,5 triệu đồng/người/tháng.
Ông Đỗ Minh Sơn, Chủ tịch Hội bánh lá răng bừa Xuân Lập, huyện Thọ Xuân, cho biết: Tháng 6-2020, Hội bánh lá răng bừa Xuân Lập, được thành lập, với 76 hội viên. Từ đây, các hội viên có điều kiện liên kết với nhau để cùng tồn tại và thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ bánh lá răng bừa hiệu quả, bền vững, tăng thu nhập cho hội viên. Hội ra đời cũng góp phần tổ chức hướng dẫn các hội viên thực hiện đúng quy trình sản xuất để duy trì và nâng cao chất lượng sản phẩm. Tổ chức sản xuất, kinh doanh bánh lá răng bừa mang nhãn hiệu tập thể “Bánh lá răng bừa Xuân Lập”. Tổ chức đào tạo, tập huấn về kỹ thuật và kỹ năng quản lý. Nghiên cứu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cơ sở, cá nhân sản xuất, kinh doanh bánh lá răng bừa để đề xuất với cơ quan chức năng về những giải pháp nhằm phát triển nghề truyền thống bền vững. Đồng thời, tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển và mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm bánh lá răng bừa xã Xuân Lập.
Theo ông Lê Đình Hải, Chủ tịch UBND xã Xuân Lập: Nhằm hỗ trợ cho sản phẩm bánh lá răng bừa phát triển, tới đây, xã sẽ tập trung quy hoạch vùng trồng lúa 50 ha và vùng trồng chuối để đảm bảo cung cấp đủ nguyên liệu làm bánh. Tăng cường truy xuất nguồn gốc thực phẩm, gia vị liên quan đến việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm. Xã cũng tạo điều kiện về hành lang pháp lý và các cơ chế, quỹ đất để Hội bánh lá răng bừa xã Xuân Lập có văn phòng hoạt động thuận lợi. Trong tương lai gần sẽ quy hoạch làng nghề truyền thống, tiến tới xây dựng bánh lá răng bừa là sản phẩm OCOP của địa phương./.