Non nước Việt Nam

Món canh bon của người Thái Tây Bắc

Cập nhật: 03/09/2020 10:08:28
Số lần đọc: 2460
Cây bon ở Tây Bắc cũng giống như cây mùng, cây khoai nước dưới xuôi, nhưng mềm mại và có chấm tím ở phần cuống lá. Cây bon thường được trồng ở góc vườn nhà, nơi râm mát và nhiều độ ẩm. Khi ăn, người Thái cắt cả thân cây hoặc cả giải mầm non về, tước vỏ, ngâm nước muối rồi chế biến thành những món ăn hàng ngày.

Món canh bon nấu thịt bò của người Thái Sơn La chủ yếu dùng các gia vị trong vườn nhà như lá lốt, gừng, ớt, và không thể thiếu quả cà, quả mắc cạnh (một loại cà dại ở vùng Tây Bắc, có vị đắng nhưng rất ngon). Bon có thể nấu cùng với các loại thịt bò, nhưng ngon nhất là hầm với đuôi bò, gân bò để tạo độ sánh, ngậy.

Thịt bò được rửa sạch rồi đem hầm nhừ; rau, cà và các nguyên liệu được nhặt, rửa sạch, bon thái vừa ăn. Khi thịt bò đã mềm, dậy mùi thơm hấp dẫn quyện với mùi khói củi bay khắp căn bếp thì cho bon, cà vào đun sôi nhỏ lửa, chừng 10-15 phút, thêm chút gạo nếp giã nhỏ và mắc khén (một thứ gia vị đặc trưng của núi rừng Tây Bắc, có vị cay nhẹ như hạt tiêu, nhưng lại có vị ngậy ngậy của bơ và mùi thơm nồng đặc trưng). Cuối cùng lá lốt, rau ngót được thả vào, ai thích ăn cay có thể cho thêm vài lát ớt.

Gia vị Tây Bắc nhiều và phong phú, từ quế, hồi, hạt dổi, thảo quả, mắc khén, giềng, sả, tỏi, ớt... nhưng không phải nấu gì cũng cho vào. Bằng sự tinh tế của mình, người Thái lựa chọn từng loại, từng thứ, phù hợp với từng món để đem đến cảm nhận riêng, hương vị riêng biệt cho các món ăn. Canh bon nấu thịt bò dùng chỉ có gừng, tỏi để khử mùi gây của thịt bò, nhất là phần da bò, mắc khén để tăng thêm độ ngậy, tạo thêm mùi thơm nồng kích thích vị giác khi quyện với mùi thịt bò.

Chỉ đơn giản như thế, rau ngoài vườn, gia vị trên rừng, ngoài nương có sẵn, gân, đuôi bò thì rẻ mà ngon. Món ăn giản dị, không cầu kỳ, tốn kém nhưng ai cũng ăn được và cùng thấy ngon. Bon mát dịu, mắc khén quyện với thịt bò, lá lốt sánh trong bột gạo vô cùng hấp dẫn. Món canh bon không phải loãng như canh bình thường cũng không sánh như cháo nấu nhừ nhưng có vị ngọt mát, để lại dư vị ngọt, tê tê, bùi bùi, ngậy béo, ăn hoài không ngán.

Khi đến Tây Bắc, nhất là Khu du lịch Mộc Châu, bạn nhớ tìm đến các bản người Thái như bản Áng, bản Vặt, bản Dọi để nghỉ đêm tại các nhà sàn du lịch cộng đồng người Thái và thưởng thức món ăn này. Nếu không có nhiều thời gian, có thể thưởng thức tại các nhà hàng dọc quốc lộ 6 như Nhà hàng Đông Hải, quán Thái Sơn La.../.

Bài: Hải Duyên, ảnh: Nhà hàng Đông Hải

Nguồn: Báo Du lịch

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT