Non nước Việt Nam

Mộc mạc mì Quảng vùng biên Tân Hồng

Cập nhật: 08/09/2020 09:28:27
Số lần đọc: 877
Nếu là một tín đồ thật sự của ẩm thực xứ Quảng ắt hẳn nhiều người sẽ rất yêu mến món mì Quảng và bánh tráng nướng trứ danh của vùng đất này. Song nếu có dịp đến huyện biên giới Tân Hồng xa xôi của tỉnh Đồng Tháp vẫn có thể thưởng thức 2 món ngon độc đáo này của người dân miền nắng gió.


Mì Quảng được nấu với nhiều loại nhân như gà, cá, thịt heo và ăn kèm với nhiều loại rau sống, nhưng giá chỉ tầm 15.000 đồng/tô.

Có dịp đến vùng biên thùy Tân Hồng, tỉnh Ðồng Tháp ắt hẳn nhiều người sẽ ngạc nhiên khi bắt gặp tại đây có rất nhiều hàng quán bày bán món mì Quảng và bánh tráng mè nướng. Hai món ăn này được xem là những món ăn truyền thống trong văn hóa ẩm thực của người miền Trung. Dù xuất hiện ở thủ phủ đất sen Hồng nhưng những món ăn này đích thị là những món ngon truyền thống của những người con miền Trung mang vào quê hương Tân Hồng từ những thập niên 70-80 của thế kỷ trước.

Là một trong những quán mì Quảng lớn và nổi tiếng nhất nhì của huyện Tân Hồng, quán mì Quảng Cô giáo Lượng của bà Lê Thị Lượng ở khu vực thị trấn Sa Rài, huyện Tân Hồng là địa chỉ quen thuộc của những “fan” yêu thích món mì Quảng khi đến thăm Tân Hồng. Mì Quảng Cô giáo Lượng hấp dẫn thực khách không chỉ bởi hương vị đậm đà, nồng nàn mà món mì nơi đây còn làm ấm lòng thực khách bởi sự mộc mạc, bình dân của người chủ quán. Không xa hoa, đắt đỏ như những món ăn sáng ở thành thị, mì Quảng ở Cô giáo Lượng có giá rất bình dân, chỉ 15.000 đồng/tô. Vì vậy, đây là món ăn không chỉ dành riêng cho những người “sành ăn” mà nó còn là món ăn lót dạ cho những người lao động nghèo.

Chia sẻ về nguồn gốn món mì Quảng của gia đình, chủ quán mì Quảng Cô giáo Lượng, thị trấn Sa Rài, huyện Tân Hồng, bộc bạch: “Không biết từ bao giờ món mì Quảng đã trở thành món ăn truyền thống của người dân xứ Quảng. Khi tôi hơn 10 tuổi đã biết phụ bà nội để làm mì Quảng cho gia đình ăn. Khi đó ở Quảng Nam quê tôi, gần như nhà nào cũng có một cái lò bé bé để làm mì. Ngày xưa ở ngoài quê điều kiện rất khó khăn nên hầu hết món mì Quảng được nhiều gia đình nấu để ăn thay cơm. Vì là món ăn vừa ngon lại vừa dễ làm nên có nhiều gia đình cả tuần liền chỉ ăn mì Quảng trừ cơm! Mì Quảng không khó nấu và cũng không kén nguyên liệu, nhà chỉ cần có gạo, có lò hấp, có con cá lóc hoặc con gà, con ếch là có thể nấu được”.

Mặc dù được gọi là mì nhưng thực chất mì Quảng được làm bằng nguyên liệu bột gạo xay mịn và tráng thành từng lớp bánh mỏng, sau đó xắt theo chiều ngang để có những sợi mì mỏng khoảng 2mm. Sợi mì làm bằng bột gạo được trộn thêm một số phụ gia cho đạt độ giòn, dai. Ðể thưởng thức món mì Quảng chuẩn vị, phải ăn kèm với rau sống nhiều vị thì mới tạo nên được hương vị nồng nàn: húng quế, xà lách tươi, cải non mới nụ, giá trắng có thể được trụng chín hoặc để sống, ngò rí , rau răm với hành hoa thái nhỏ và thêm hoa chuối cắt mỏng. Nhân mì có thể chế biến bằng nhiều loại nguyên liệu từ thịt heo, tôm, thịt gà, thịt ếch, thịt cá lóc cùng với nước dùng được hầm từ xương heo. Tùy vào công thức của người nấu mà có thể bỏ thêm đậu phộng rang giã dập, hành lá thái nhỏ, rau thơm, ớt đỏ...

Anh Nguyễn Văn Ðây, một khách hàng thân thiết của quán mì Quảng Cô giáo Lượng, chia sẻ: “Dù không phải dân gốc miền Trung nhưng tôi thật sự thích món mì Quảng truyền thống của người dân xứ Quảng. Mì Quảng rất ngon nhưng giá bán lại rất bình dân nên từ hồi còn là học sinh cấp hai tôi đã ghiền món mì này. Hình như tuần nào tôi cũng ghé quán mì Quảng này vài lần để thưởng thức…”.

Ngày nay tại Tân Hồng, mì Quảng không còn là món ăn đặc sản của người miền Trung mà nó đã được thay đổi và gia giảm công thức nấu ít nhiều để phù hợp với khẩu vị chung của thực khách miền Tây. Có thể thực khách cảm thấy mì Quảng ở Tân Hồng không khác nhiều so với bún hay hủ tiếu miền Tây, nhưng cảm nhận thật kỳ lạ, thực khách sẽ thấy mì Quảng ở Tân Hồng có hương vị nồng nàn, đậm đà không khác nhiều so với “phiên bản gốc” của nó ở quê nhà miền Trung.

Nguồn: Báo Cần Thơ

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT