Hành trang lữ khách

Điểm nhấn thu hút du lịch - Làng dân tộc thiểu số

Cập nhật: 28/05/2019 09:04:59
Số lần đọc: 778
Với mục tiêu gìn giữ, phát huy các giá trị truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số cũng như tạo sinh kế bền vững cho người dân, nhiều địa phương của Quảng Ninh đã và đang xây dựng những sản phẩm du lịch đặc trưng từ bản sắc dân tộc… Một trong số đó là chủ trương xây dựng làng dân tộc thiểu số; khi hoàn thành, đây sẽ là thiết chế văn hóa mang ý nghĩa to lớn, đồng thời, tạo nên điểm nhấn thu hút du lịch.


Chủ trương xây dựng các làng dân tộc thiểu số sẽ góp phần phục dựng, phát huy giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc, qua đó, phát triển du lịch. (Trong ảnh: Ngôi nhà cổ có niên đại hàng trăm năm tuổi của người Tày ở bản Đồng Thanh, xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu)

Khu bảo tồn văn hoá người Dao Thanh Y (xã Bằng Cả, Hoành Bồ) là một trong những địa điểm du lịch độc đáo đối với du khách khi đến với Hoành Bồ. Nơi đây đang lưu giữ nhiều giá trị văn hóa độc đáo riêng biệt của đồng bào dân tộc Dao Thanh Y, như: Nhà ở, đồ dùng sinh hoạt, dụng cụ lao động, trang phục truyền thống, nghề truyền thống... Đặc biệt, đây cũng là địa điểm sinh hoạt mang đậm “linh hồn” của người Dao trong mỗi dịp lễ, tết. Đến với không gian văn hóa này, khách tham quan không chỉ được tìm hiểu những trang phục, lễ phục, vật dụng trong sinh hoạt hằng ngày của người Dao, mà còn có dịp để thưởng thức những lời ca, điệu múa; nếm thử các món ăn dân tộc đặc trưng, như: Xôi bảy màu, canh gà nấu rượu bâu…

Trong Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Hoành Bồ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, huyện xác định: Xây dựng và phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, trong đó ưu tiên phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hoá dân tộc, du lịch tâm linh, du lịch trải nghiệm... Với mục tiêu này, ngoài việc xây dựng Khu bảo tồn văn hóa người Dao Thanh Y (xã Bằng Cả), huyện cũng đang có chủ trương hình thành Làng dân tộc Sán Dìu ở thôn Đồng Đặng để phát huy thế mạnh của địa phương trong phát triển du lịch.

Không chỉ ở Hoành Bồ, tại một số địa phương khác, ý tưởng xây dựng làng văn hóa đặc trưng cho đồng bào dân tộc cũng bắt đầu được hình thành. Ông Hoàng Ngọc Ngò, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu cho biết: Những năm gần đây, các giá trị văn hóa của đồng bào Dao, Tày, Sán Chỉ... trên địa bàn huyện Bình Liêu được du khách rất quan tâm, tìm hiểu. Nắm bắt được xu thế đó, trong quy hoạch phát triển du lịch của huyện, cùng với việc khai thác tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên, huyện đang chú trọng xây dựng các điểm du lịch cộng đồng tại thôn, bản, làng có đông đồng bào dân tộc sinh sống. Tập trung vận động bà con nhân dân giữ gìn và khôi phục lại những phong tục, tập quán, lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc như hội soóng cọ, hội kiêng gió, hội hoa sở...

Hay như huyện Đầm Hà, với mong muốn phát huy giá trị bản sắc của đồng bào dân tộc Dao Thanh Phán trên địa bàn, chính quyền huyện cũng đã chủ động xây dựng quy hoạch khu du lịch sinh thái thôn Tầm Làng tại xã Quảng An. Đồng thời, phục dựng và phát triển các nghề nông nghiệp truyền thống như đan mũ đại hiệp, sản xuất các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng như củ cải, khoai lang... thiết lập các tua, tuyến du lịch để thu hút du khách đến với địa điểm này.

Có thể thấy, các địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số đều đã sớm hình thành ý tưởng sẽ phát triển ngành du lịch bền vững thông qua việc khai thác những tiềm năng, thế mạnh trên địa bàn gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc. Trên cơ sở nguyện vọng và tâm thế của chính quyền và nhân dân các địa phương và chủ trương của UBND tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh đã xây dựng Đề án thành lập các làng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Theo lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh: Mục tiêu của đề án là xây dựng thiết chế văn hóa mang đậm bản sắc của từng dân tộc, qua đó, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân. Hiện tại, Ban Dân tộc tỉnh đã tiến hành khảo sát, lấy ý kiến của chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư các khu vực có đồng bào dân tộc thiểu số về việc xây dựng đề án. Trên cơ sở đó, sẽ phối hợp với các ngành, địa phương triển khai thí điểm ở một số thôn, bản và nhân rộng ra toàn tỉnh. Việc xây dựng thành công các làng dân tộc thiểu số sẽ là tiền đề để thúc đẩy ngành du lịch phát triển bền vững./.

Nguồn: Báo Quảng Ninh

Cùng chuyên mục