Hành trang lữ khách

Lý Sơn (Quảng Ngãi) – vẻ đẹp từ thiên nhiên

Cập nhật: 28/05/2019 09:23:02
Số lần đọc: 1048
(TITC) - Trời cuối tháng 5 oi bức, khó chịu nhưng tôi cũng sắp xếp dành 2 ngày cuối tuần để ngắm biển xanh, cát trắng, nắng vàng của miền ốc đảo Lý Sơn.

Từ trung tâm thành phố Đà Nẵng, tôi chạy xe 1 lèo từ 6h30 sáng đến Cảng Sa Kỳ (tỉnh Quảng Ngãi) là 8h30, mệt nhưng may quá lại đúng giờ chạy của chuyến tàu siêu tốc .Mất khoảng 35 phút là đến đảo,  Lý Sơn đón tôi bằng cái nóng như trời giáng, đầy mùi muối biển, biển xanh như ngọc và đâu đâu cũng là cát, những con đường cát, những cánh đồng cát. Lý Sơn có 2 hòn đảo chính là đảo Lớn (cù lao Ré) và đảo Bé (xã đảo An Bình). Diện tích của huyện đảo Lý Sơn gần 10km2, dân số khoảng gần 23.000 người, gồm 3 xã (An Vĩnh, An Hải và An Bình)…

Sau khi nhận phòng khách sạn để hành lý, tôi lót dạ một ít đồ ăn rồi lại bắt đầu chinh phục miền ốc đảo này. Điểm đến đầu tiên sau khi chạy qua các thửa ruộng tỏi, thửa ruộng hành hai bên lề đường đó là chùa Hang. Phong cảnh nhìn từ chùa Hang như phác họa cho du khách những bức tranh thủy mạc thiên nhiên ưu đãi ban cho huyện đảo Lý Sơn. Còn Hang Câu thì được xem là cảnh quan thiên nhiên cuốn hút nhất trên đảo Lớn. Di tích này trải qua hàng ngàn năm bị bào mòn bởi sóng và gió đã tạo nên dãy đá màu nham thạch đẹp kỳ vĩ. Rồi chinh phục Núi Thới Lới. Núi này được hình thành từ ngọn núi lửa đã tắt cách đây hàng triệu năm. Đỉnh núi có hình dạng lòng chảo khổng lồ, quang cảnh trong xanh, yên bình. Đường lên đỉnh hơi khó nhưng nếu du khách nào chịu khó leo lên thì từ đó có thể phóng trọn tầm mắt quanh đảo Lớn.

Phía trong Chùa Hang

Hang Câu

Tiếp tục cuộc hành trình là Bảo tàng Đội Hoàng Sa Bắc Hải. Với khuôn viên gần 400m2, ấn tượng đầu tiên khi đến đây là bức tượng đài uy nghiêm Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải. Cao 4,5m, nặng gần 40 tấn, tượng đài hướng mặt ra biển Đông với dòng chữ về cộc mốc chủ quyền: “Vạn lý Hoàng Sa”. Nhà trưng bày đội Hoàng Sa Bắc Hải nằm ở phía sau với hơn 100 tư liệu, hiện vật về Đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, về cộc mốc chủ quyền như: ghe câu, dụng cụ nấu ăn của người lính Hoàng Sa, bản đồ về chủ quyền các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Sau khi nạp thêm kiến thức về lịch sử thì xe chở chúng tôi đến với ngọn Hải Đăng. Với chiều cao 45m, đây là một trong những ngọn hải đăng cao của Việt Nam và có vị trí quan trọng trong giao thông hàng hải.. Nghỉ ngơi một tí, hưởng tí gió biển và tranh thủ phóng tầm mắt nhìn xuống mới thấy được vẻ đẹp lạ kỳ của nơi này.

Bình minh trên Cổng Tò Vò

Bắt đầu ông mặt trời xuống núi, chúng tôi tiếp tục chạy xe đến Cổng Tò Vò. Cổng Tò Vò được hình thành từ nham thạch núi lửa, là trầm tích của hàng triệu năm núi lửa hoạt động tại đây. Cổng cao 2,5 là món quà vô cùng độc đáo mà thiên nhiên đã ban tặng nơi đây. Hoàn toàn không hề có tác động nào của bàn tay con người. Quanh cổng Tò Vò là những bãi đá nham thạch đen bóng, hình thù kỳ lạ nhấp nhô trên làn nước trong veo của đảo Lớn. Buổi chiều tà, quá đông khách du lịch nên tôi cũng không thu hoạch được bức ảnh nào. “Đừng lấy đi gì ngoài những bức ảnh, đừng để lại gì ngoài những dấu chân” . Vì vậy, để có những bức ảnh tâm huyết nơi đây, tôi nhất quyết phải quay lại vào 5h sáng ngày mai. Lúc này bình mình bắt đầu ló dạng, Cổng Tò Vò thực sự đẹp mê hồn.

Ngoài hành trình khám phá cảnh đẹp thì đối với tôi ẩm thực là thứ mà không bao giờ quên được. Khi bước chân lên đảo thì mùi hăng hắc, cay nồng của tỏi, hành, rong biển hay mùi thơm phưng phức của hải sản nướng đã làm bụng thực khách này cồn cào rồi. Đợt đi này chỉ tiếc là không thưởng thức được ngồng tỏi tươi xào vì tỏi nơi đây một năm chỉ có một vụ, trồng từ tháng 9, thu hoạch vào tháng cuối năm. Rong biển tươi trộn ăn vào nghe âm thanh giòn sừng sựt, cua huynh đế, cá mật quỷ tươi ngon…, đặc biệt là ốc xà cừ (có người gọi là ốc mặt trăng) hấp chấm mắm gừng nhưng cách ăn mới ngộ làm sao, cứ gõ lốc cốc xuống mặt bàn để con ốc dần dần tuột ra lúc đó mới khui để ăn. Bất cứ du khách nào đến đây, chắc chắn không bao giờ rời đảo mà không mua gì về làm quà cho người thân: nào là rong biển khô, rong biển tươi, tỏi hành, chả cá, hải sản…

Ngoài những tuyệt tác thiên nhiên đẹp mê hồn, biển xanh lạ kỳ, ẩm thực ngon thì điều làm xao xuyến bước chân lữ hành này là những con người nồng hậu, chất phác như vị mặn mòi biển cả. Người dân Lý Sơn chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt hải sản, một số gia đình trồng hành, tỏi. Đời sống của họ còn nhiều thiếu thốn, khó khăn nhưng nét mộc mạc, nhiệt thành của họ lại là chất liệu làm nên nét đẹp riêng của Lý Sơn, là điều khiến huyện đảo xa xôi của tỉnh Quảng Ngãi luôn hấp dẫn khách thập phương./

Nguyên Thu

Nguồn: TITC
Từ khóa: Lý Sơn

Cùng chuyên mục