Điện Biên: Khơi dậy tiềm năng du lịch
Ngỡ ngàng vẻ đẹp Điện Biên
Đoàn Famtrip - Caravan qua miền Tây Bắc - theo dấu chân Đại tướng năm 2021 do Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh phối hợp với Câu lạc bộ lữ hành UNESCO Hà Nội tổ chức để khảo sát đánh giá, xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch mạo hiểm trên địa bàn tỉnh. Tham gia đoàn famtrip gồm các chuyên gia xây dựng sản phẩm du lịch, đại diện lãnh đạo, quản lý 10 công ty du lịch, doanh nghiệp lữ hành tại TP. Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội; một số cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương… Xuyên suốt hành trình, đoàn famtrip đã dừng chân khảo sát các điểm du lịch, điểm có tiềm năng phát triển du lịch tại huyện Tủa Chùa; chinh phục đỉnh Pu Tó Cọ - nơi đặt đài quan sát trong Chiến dịch Điện Biên Phủ tại xã Mường Phăng; chinh phục Mốc 0 - nơi ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Trung Quốc tại xã Sín Thầu (huyện Mường Nhé).
Dường như tại tất cả các điểm dừng chân, thành viên đoàn famtrip đều bị thu hút bởi vẻ đẹp cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ của Điện Biên. Đứng trước những rặng đá tai mèo của xã Tả Phìn (huyện Tủa Chùa), ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Công ty Hitech Tour không kìm nén được sự phấn khích: Đây thực sự là một bất ngờ! Các chương trình famtrip ở Điện Biên tôi cũng đã đi vài lần nhưng lần này đến Tủa Chùa là một hành trình khám phá mới. Và tôi đã thực sự bất ngờ về tiềm năng du lịch của mảnh đất này. Tiềm năng từ văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc đến cảnh vật thiên nhiên, tất cả đều còn nguyên sơ như chưa hề được khai phá. Đặc biệt là dãy địa chất núi đá tai mèo đẹp và hoang sơ gần giống như ở Hà Giang… Điều đó đã thay đổi suy nghĩ trong tôi về Điện Biên không chỉ có các di tích lịch sử mà còn có vẻ đẹp thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ như những rặng đá tai mèo ngay trước mắt tôi đây.
Còn khi đứng trên đỉnh Pu Tó Cọ ở độ cao 1.700m - nơi đặt đài quan sát trong chiến dịch năm xưa, ông Đào Hồng Thương, Giám đốc Công ty Lữ hành Vietsky Travel chia sẻ: Tôi rất ấn tượng với việc chinh phục đỉnh Pu Tó Cọ. Đây là lần đầu tiên tôi đặt chân lên điểm di tích có ý nghĩa lớn lao như thế này. Chặng leo hơn 4km đường núi phải hơn 4 giờ đồng hồ mới hoàn thành và dù rất khó khăn nhưng không một ai trong đoàn bỏ cuộc. Ai cũng quyết tâm chinh phục bằng được đỉnh cao mang đầy ý nghĩa lịch sử này. Bởi lẽ, mục đích khi đến đây của các thành viên trong đoàn không chỉ tìm về quá khứ mà còn hướng tới tương lai. Tôi cho rằng đây là một điểm tham quan văn hóa lịch sử mà bất cứ ai đến Điện Biên cũng nên dành thời gian để chinh phục. Bản thân tôi, sau chuyến đi này trở về nghiên cứu, đẩy mạnh truyền thông xây dựng các chương trình cho nhóm học sinh sinh viên, nhóm khách ưa thích tìm hiểu văn hóa lịch sử, đặc biệt là các chương trình “Đi theo dấu chân Đại tướng”.
Không chỉ ngỡ ngàng trước vẻ đẹp thiên nhiên, nét văn hóa truyền thống của các dân tộc tại các điểm đến cũng cuốn hút các thành viên trong đoàn. Từ những hoa văn tinh xảo trên trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Xạ Phang huyện Tủa Chùa cho đến những cô gái Hà Nhì duyên dáng với các điệu múa trong tiếng chiêng trống rộn ràng mảnh đất ngã ba biên. Không chỉ vậy, sự thân thiện, mến khách của những chủ nhà đã để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng khách phương xa. Bà Nông My Sa, Giám đốc Công ty Thương mại và Du lịch Châu Sa chia sẻ: Tôi thấy người dân nơi đây rất hòa đồng, vui vẻ và nhiệt tình. Điều khiến tôi ngỡ ngàng là họ vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống dân tộc mình, chưa bị ảnh hưởng bởi lối sống hiện đại quá nhiều. Đó là những điều độc đáo, hấp dẫn mà du khách thực sự muốn đến tìm hiểu và trải nghiệm nếu có dịp đến Điện Biên.
Khơi dậy tiềm năng du lịch mới
Famtrip là chương trình khảo sát dành cho các hãng lữ hành, các đơn vị báo chí, truyền thông tới một hay nhiều điểm để làm quen với các sản phẩm du lịch của quốc gia hay địa phương để lựa chọn, xây dựng chương trình du lịch có hiệu quả, từ đó giới thiệu cho các đơn vị báo chí, truyền thông tuyên truyền nhằm thu hút khách du lịch. Không ngoài mục đích đó, đoàn Famtrip - Caravan qua miền Tây Bắc - theo dấu chân Đại tướng năm 2021 là cơ hội để Điện Biên khơi dậy tiềm năng du lịch, nhất là với các điểm đến mới, còn chưa được đưa vào khai thác của tỉnh nhà. Ông Phạm Văn Thăng, Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh chia sẻ: Trong những nỗ lực phục hồi du lịch sau dịch Covid-19, tỉnh Điện Biên đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, tổ chức các đoàn famtrip để khảo sát, giới thiệu các sản phẩm du lịch mới. Những điểm đến trong hành trình của đoàn đều là những điểm mới, có nhiều tiềm năng phát triển du lịch đang chờ được “đánh thức”. Hi vọng rằng sau chuyến famtrip này các thành viên trong đoàn sẽ đẩy mạnh công tác truyền thông, nhất là các doanh nghiệp lữ hành sớm xây dựng các sản phẩm du lịch mới, kết nối các điểm đến này thành sản phẩm hấp dẫn, độc đáo của tỉnh Điện Biên.
Qua khảo sát thực tế, các thành viên trong đoàn famtrip đều đánh giá khá cao các điểm đến trong chuyến hành trình. Đây đều là các điểm có nhiều tiềm năng để xây dựng các tuyến điểm mới cho du khách. Ông Lương Duy Doanh, Trưởng ban Truyền thông Câu lạc bộ lữ hành UNESCO Hà Nội cho biết: Cung đường Tây Bắc dường như đã quá quen thuộc với các công ty lữ hành, các đoàn khách du lịch trong và ngoài nước. Chính vì vậy, đoàn famtrip lần này quyết định đi khám phá, xây dựng các tuyến điểm mới ở huyện Tủa Chùa, đỉnh Pu Tó Cọ và cột Mốc 0 tại ngã ba biên giới. Mục đích là để du khách đến Điện Biên sẽ có thêm những điểm đến mới, có những trải nghiệm mới về mảnh đất, con người Điện Biên. Trong hành trình này, đoàn famtrip cũng đã gắn tặng tỉnh Điện Biên một chóp inox đánh dấu độ cao trên đỉnh Pu Tó Cọ. Hy vọng đó sẽ là điểm nhấn, tạo xu hướng mới cho du khách. Trên cơ sở những trải nghiệm thực tế trong hành trình này, ngay sau khi trở về, đoàn sẽ nghiên cứu xây dựng những cung đường mới phù hợp nhất với du khách, vừa được đắm chìm trong cảnh sắc, thiên nhiên hùng vĩ vừa hòa mình vào văn hóa bản địa của Điện Biên./.
Diệp Chi