Non nước Việt Nam

Đình Hương Mỹ (Bến Tre) được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh

Cập nhật: 04/11/2020 08:30:25
Số lần đọc: 1542
UBND tỉnh Bến Tre ban hành Quyết định số 2797/QĐ-UBND ngày 29-10-2020 xếp hạng đình Hương Mỹ, xã Hương Mỹ, huyện Mỏ Cày Nam là di tích cấp tỉnh thuộc loại hình kiến trúc nghệ thuật gắn với tín ngưỡng dân gian.

Mặt tiền đình Hương Mỹ.

Đình Hương Mỹ được xây dựng lâu đời của huyện Mỏ Cày (nay là Mỏ Cày Nam), tỉnh Bến Tre. Năm 1874, thôn Hương Mỹ được thành lập trên cơ sở tách ấp Tân Thạnh và ấp Tân Mỹ của thôn Tân Hương để thành lập, do hai ông Lê Văn Tồn và Phạm Văn Định đề xuất. Sau đó, để có nơi hội họp và thờ cúng thần Thành Hoàng Bổn Cảnh, nhân dân mới họp lại lập đình.

Đình bắt đầu được xây dựng từ năm 1874, bằng cây lá đơn sơ ở gần vàm Mương Choại. Theo truyền tụng, ngày tế trời đất để khánh thành đình thì khi đánh trống, dùi bị gãy. Cho là điều chẳng lành, nhân dân trong làng thống nhất dời địa điểm xây dựng đình đến vị trí hiện tại cho đến ngày hôm nay.

Đến năm Đinh Sửu (1877), người Pháp cho đắp con lộ từ Mỏ Cày đi Thạnh Phú. Cuộc sống nhân dân quanh vùng ngày càng khấm khá, hai ông Lê Văn Tồn và Phạm Văn Định vận động dân làng mở mang đường sá, khai khẩn đất đai, trùng tu đình làng... Sau đó, được nhân dân tín nhiệm, bầu ông Lê Văn Tồn làm Hương Cả, Phạm Văn Định làm Hương Chủ. Đến năm Canh Thìn (1880), hai ông góp sức với Ban Khánh tiết đình Hương Mỹ làm Chánh bái và Phó bái đến năm 1888. Khi hai ông mất đi, dân làng tưởng nhớ công lao to lớn mà đưa vào thờ ở đình Hương Mỹ. Ông Lê Văn Tồn được suy tôn là Tiền hiền, ông Phạm Văn Định được suy tôn là Hậu hiền. Đình đã trải qua nhiều lần tôn tạo, lần gần nhất là năm 1993.

Đình Hương Mỹ là một ngôi đình còn tương đối nguyên vẹn kiến trúc cổ. Các hoành phi, câu đối bằng chữ Hán của đình rất có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, kiến trúc... Ngoài ra, các trang trí trên nóc đình như: Song long chầu nhật, ngư hóa long... cùng với các trang trí trên hoành phi, liễn áp cột như: Tứ linh, tứ quý, hoa mẫu đơn, hoa cúc, dây nho…rất có giá trị về kiến trúc và nghệ thuật. Việc công nhận di tích tạo điều kiện cho việc bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích để giáo dục cho các thế hệ hôm nay, mai sau và cũng nhằm ca ngợi, tôn vinh các bậc tiền nhân đã có công khai khẩn vùng đất này...

Tính đến nay, tỉnh Bến Tre có 2 di tích Quốc gia đặc biệt, 16 di tích cấp Quốc gia và 56 di tích cấp tỉnh.

                  Tin, ảnh: Trần Hoàng Huấn

Nguồn: Báo Đồng Khởi

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT