Non nước Việt Nam

Thắng tích hồ Cửa Đạt -Thanh Hóa

Cập nhật: 05/11/2020 10:20:29
Số lần đọc: 1170
Không chỉ nổi tiếng với những ngôi đền thiêng, hồ Cửa Đạt, huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) còn được nhiều người biết đến là một vùng thắng tích “hội sơn tụ thủy”, với nhiều phong cảnh thiên nhiên kỳ thú mà yên bình.

Đến với hồ Cửa Đạt du khách sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của một vùng thắng tích “hội sơn tụ thủy”. Ảnh: Hoài Thu

Bỏ qua những ồn ào, náo nhiệt của phố thị, chúng tôi về Cửa Đạt một ngày đầu đông. Từ xa, những ngôi nhà sàn nhỏ của đồng bào dân tộc Thái, Mường thấp thoáng sau những rặng cây hiện ra trước mắt. Bên cạnh đó, dòng sông Chu vẫn trong vắt, êm đềm uốn lượn quanh bản làng...

Chúng tôi nhanh chóng bị hút hồn bởi màu xanh ngút ngát của Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên nổi tiếng. Đây được ví như Amazon của Việt Nam bởi mang đặc trưng cho hai vùng sinh thái Tây Bắc, Bắc Trung bộ với hệ động, thực vật đa dạng, phong phú có tên trong sách đỏ của Việt Nam và thế giới. Nơi đây còn có nhiều ngọn núi cao trên 1.000m như: Pù Rinh, Pù Gió, Pù Ta Leo... quanh năm sương mù bao phủ và lạnh giá. Tất cả đã tạo nên một bức tranh sơn thủy đẹp trầm mặc.

Cảnh sắc trong lòng Khu BTTN Xuân Liên.

Giữa bao la trùng điệp của núi rừng, hồ Cửa Đạt hiện ra giữa một khoảng mênh mông như con mắt của thiếu nữ rừng xanh. “Công trình thế kỷ” này đã được dựng xây bằng cả trái tim, trí tuệ, mồ hôi và nước mắt của biết bao kỹ sư, những người thợ xây dựng trên công trường. Họ đã gửi gắm cả niềm tin, tâm huyết của mình để tạo nên một công trình vĩ đại mang giá trị lớn lao - một điểm sáng lấp lánh trên dải đất chữ S.

Công trình bề thế khiến người đến đây lần đầu không khỏi ngỡ ngàng, choáng ngợp khi tham quan, thưởng lãm cảnh đẹp của lòng hồ. Rồi được thưởng thức các món ăn dân dã, giàu bản sắc văn hóa của người Thái, người Mường như món cá lăng nấu măng tươi, thịt gà nướng, xôi nếp... cùng những chén rượu ngô thơm nồng, ấm áp. Đến đây, tất cả không gian, thời gian dường như chững lại khiến người ta quên đi những ồn ào, náo nhiệt ở bên ngoài.

Cả không gian mênh mông nước, hồ Cửa Đạt hiện ra tĩnh lặng đến nao lòng. Như có điều gì đó hoang hoải, cảm giác thật nhỏ bé của con người trước thiên nhiên bao la. Nếu bạn vốn đã quen trước biển Sầm Sơn ồn ào sóng vỗ, hay dòng Mã giang cuộn trào mỗi khi mùa lũ về thì sẽ vô cùng bất ngờ với sự tĩnh tại của lòng hồ mênh mông này. Cùng với đó, khung cảnh vắng lặng, hoang sơ của cảnh vật cũng đưa du khách đến với những suy tư đầy xúc cảm!

Non nước Cửa Đạt.

Trong mỗi chúng ta, không ít người sẽ tự hỏi: Thiên nhiên còn bao nhiêu điều kỳ bí mà ta chưa biết đến? Còn bao nhiêu điểm đến say lòng như nơi đây mà con người vẫn chưa khám phá hết?

Thả nỗi băn khoăn vào vùng sông nước mênh mông của lòng hồ Cửa Đạt, du khách tiếp tục hành trình khám phá với hy vọng đi đến tận cùng. Nếu ý định ban đầu của du khách chỉ là du lịch khám phá lòng hồ thủy lợi - thủy điện Cửa Đạt thì chắc chắn, chuyến đi này sẽ mang đến cho bạn nhiều bất ngờ hơn những gì vốn dự định. Bởi, khi đến với mảnh đất này, bạn sẽ thật khó cưỡng lại sức hấp dẫn của những hang động, thác nước đẹp đến mê hồn ngay gần đây: hang Mường, hang Tình, hang Vua (xã Vạn Xuân); thác Trai Gái (xã Xuân Lẹ); thác Mù và đặc biệt là thác Hón Yên.

Thác Hón Yên trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên.

Có đến đây, trực tiếp cảm nhận bằng mọi giác quan mới thấy được nét đẹp của vùng non nước đan xen giữa vẻ trầm mặc của không gian tâm linh, sắc dịu dàng của đất trời xen lẫn vào hơi thở mơn man của cuộc sống.

Cửa Đạt không chỉ được biết đến với những cảnh sắc thiên nhiên kỳ thú, nơi đây còn được biết đến với hai ngôi đền nổi tiếng linh thiêng bậc nhất xứ Thanh, đó là nơi thờ tự người anh hùng Cầm Bá Thước và Bà Chúa Thượng Ngàn.

Tương truyền, anh hùng Cầm Bá Thước là người dân tộc Thái, sinh ra ở xã Vạn Xuân, huyện Thường Xuân. Ông là một trong những thủ lĩnh hưởng ứng phong trào Cần Vương ở Thanh Hóa vào cuối thế kỷ 19. Còn Bà Chúa Thượng Ngàn là một trong 3 vị mẫu được thờ cúng tại điện Mẫu của người Việt. Cùng với nhiều vị thần thánh khác, Bà Chúa vẫn ngày đêm lặng lẽ phù trợ cho sự bình yên của mọi người dân nước Việt. Tưởng nhớ công ơn của họ, Nhân dân đã lập 2 ngôi đền ở đây để thờ phụng.

Di tích đền Cửa Đạt.

Hai ngôi đền tọa lạc trên một khu đất cao ráo dưới chân núi Róc – nơi hợp lưu giữa sông Chu và sông Đặt. Khi chúng tôi đến thăm, không phải mùa lễ hội, khung cảnh chùa chỉ có sự tĩnh mịch, trang nghiêm.

Theo các cụ cao niên trong làng, trước kia, ở đây chỉ là ngôi miếu nhỏ thờ phụng cụ Cầm Bá Thước và Bà Chúa Thượng Ngàn. Sau này, nó mới được Nhà nước đầu tư xây dựng thành ngôi chùa lớn để người dân được thờ phụng. Từ xa xưa, đền đã nổi tiếng rất linh thiêng nên được nhiều người tìm tới để cầu may cầu phúc, ngày thường thì chùa rất vắng lặng nhưng vào dịp tết đến, xuân về thì khách phương xa lại hội tụ về đây.

Với nhiều người, những vị thần ở trong ngôi đền đang chấn giữ phần tâm linh của núi rừng, đang bảo vệ sức khỏe, sự bình yên và phù trợ cho người dân khỏi những điều không may mắn trong cuộc sống. Thế nên, nhiều du khách xa gần vẫn luôn đến đây để tìm sự thanh tịnh và bình yên trong tâm hồn mỗi khi gặp khúc mắc trong cuộc sống của họ.

Thắng tích hồ Cửa Đạt là một trong những cảnh quan thiên nhiên kỳ thú bậc nhất mà du khách không thể bỏ qua khi về với xứ Thanh!.

Hoài Thu

Nguồn: Báo Thanh Hóa

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT