Di tích và lễ hội đình Xám- Nam Định
Đình Xám được xây dựng ngay từ khi Trần Lãm còn sống để ông lấy chỗ đi lại. Thời Lý, đình được mở rộng quy mô với nhiều nét kiến trúc độc đáo và hoa văn đa dạng, đặc biệt là bộ cánh cửa ở gian đền chính. Tổng thể khu di tích gồm ngôi đình chính ở phía trong, hai dãy tả hữu và trước đình để làm nơi hội họp việc làng và nơi tổ chức các cuộc thi hát. Ngôi đình chính được xây hai lớp theo kiểu chữ “nhị”, mỗi lớp có năm gian. Công trình làm toàn bằng gỗ lim lợp ngói nam. Nhà tiền tế đứng vững bởi một bộ khung gỗ vững chắc. Sáu vì kèo làm theo kiểu chồng rường giá chiêng, vững chắc trên bốn hàng cột. Các mảng chạm khắc ở trên các vì kèo là những mảng chấm phá, tạo nên sự hoàn chỉnh của không gian bên trong. Năm gian chính cung được xây nối liền, giáp mái với nhà tiền tế. Ở đây, những đường lượn, những cụm vân mây, những hoa lá cách điệu được điểm xuyết ở các góc, các đầu xà đã dung hòa được sự đơn điệu của những khối kiến trúc ngang dọc. Điểm tập trung sự chú ý nhất là những mảng chạm khắc ở phía ngoài của 6 cây cột và 5 ô cửa tiền đường. Ở ô cửa giữa có chạm đôi rồng chầu và rất nhiều rồng con với nhiều dáng, thế khác nhau cùng với những con vật dân gian như nai, khỉ… và nhiều hoa lá cách điệu. Hai ô cửa hai bên và ngoài cùng, hình tượng chạm khắc chủ yếu là rồng đan xen những con thú như khỉ, nai, chim… Thiên nhiên và loài vật hòa nhập, quấn quýt bên nhau với từng nét bong kênh, chạm thủng, tỉa tách cầu kỳ bằng một lối đục phá già dặn phóng khoáng làm cả bức chạm thật sống động.
Tại đình Xám đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử gắn với lịch sử đất nước: những cuộc mít tinh của nhân dân địa phương dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng hưởng ứng phong trào Cách mạng Tháng 8-1945; những cuộc họp bí mật của cấp ủy Đảng trong kháng chiến; những buổi tiễn đưa con em địa phương gia nhập bộ đội, thanh niên xung phong… Những năm đầu của thập kỷ 50, đình bị thực dân Pháp tàn phá nhiều lần, cả trong khu vực thờ cúng và cảnh quan bên ngoài. Để uy hiếp phong trào cách mạng trong vùng, ngay tại chính sân đình này, thực dân Pháp và bè lũ tay sai đã tra tấn dã man và giết hại một số người mà chúng cho là Việt Minh…
Đình Xám là một trong những di tích được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng sớm nhất tỉnh ta (năm 1964). Những năm gần đây, với sự trợ giúp của Nhà nước và sự đóng góp của nhân dân địa phương, đình Xám từng bước được tu bổ. Đây cũng là một trong những danh lam thắng cảnh của huyện Nam Trực, hàng năm thu hút nhiều khách thập phương đến tham quan, nhất là vào dịp tổ chức hội truyền thống của địa phương vào ngày 17, 18, 19 tháng 8 âm lịch. Trong lễ hội có tế, lễ, rước, bơi chải, múa rối nước, bơi lội, vật, chọi gà, cờ tướng, cờ người; đặc biệt, trong lễ hội còn có thi hát ca trù, chầu văn, hát chèo tại đình, nội dung ca ngợi công đức của Trần Minh Công (do đó đình Xám còn có tên gọi là đình Hát). Không chỉ thi hát, lễ hội còn diễn ra các cuộc thi múa với những điệu truyền thống như: Tứ tiên, tứ linh vũ, bồ đề tam túc vũ… Hiện nay tại đình Xám còn lưu giữ 10 bài ca trù cổ do Hương cống, Giám sinh Quốc tử giám thời Lê là Nguyễn Xuân Vinh biên soạn theo các điệu “cung, thương, dốc, trăng, vũ” và 10 khúc hát do Tiến sĩ Đặng Phi Hiển (1603-1678) người xã Thụy Thỏ, huyện Giao Thủy chú thích. Truyền thống thi hát tại đình Xám diễn ra từ lâu, nơi biểu diễn lúc đầu mang đúng “phong cách” sân đình như bắc sàn gỗ, dựng cột tre. Sau này nhân dân xây dựng công trình phía trước theo kiểu bổ trụ bốn góc, các mặt thông phong để tiện cho các cuộc thi hát không bị ảnh hưởng bởi thời tiết. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, từ năm 2006 đến nay, ngành VH, TT và DL cùng nhân dân địa phương đã tu sửa một số hạng mục công trình như đảo ngói, sửa chữa những chân cột bị mối mọt, lát nền, sửa chữa hai bên hành lang… Từ khi xây dựng công trình mới, các cuộc thi hát, múa được tổ chức long trọng với một quy mô rộng lớn hơn.
Về với đình Xám, du khách không chỉ được sống trong không gian lễ hội mang đậm sắc thái dân gian truyền thống mà còn được thưởng thức những thành tựu nghệ thuật, phong cách tạo hình tài hoa độc đáo của cha ông./.
Bài và ảnh: Minh Thuận