Doanh nghiệp du lịch chủ động chuyển đổi số để tìm kiếm cơ hội phục hồi
Sự kiện có sự tham dự trực tiếp và trực tuyến của đại diện Hiệp hội Lữ hành Mỹ (ASTA); đại diện Hiệp hội Lữ hành Nhật Bản (JATA); các chuyên gia công nghệ từ các tập đoàn lớn như Google, Facebook, Booking.com cùng các doanh nghiệp du lịch, báo chí truyền hình trung ương và địa phương.
Chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng trong phát triển du lịch
Theo ông Vũ Thế Bình – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội du lịch Việt Nam, chuyển đổi số giúp mở rộng thị trường, nâng cao khả năng trải nghiệm cho khách hàng cũng như năng suất lao động trong doanh nghiệp, tăng doanh thu và lợi nhuận. Ngoài ra, chuyển đổi số còn góp phần hình thành nền tảng dữ liệu số du lịch và hệ thống công nghệ số để tự động hóa các quy trình cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho khách du lịch, quản lý, giám sát, đảm bảo an ninh an toàn trong quá trình phục vụ khách du lịch, nâng cao chất lượng hiệu quả dịch vụ, mang lại giá trị cao cho doanh nghiệp.
Ông Vũ Thế Bình – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội du lịch Việt Nam
Thế giới đang ở trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trong đó sự phát triển của các công nghệ hiện đại, các vật liệu mới đã và đang làm thay đổi từ nhận thức, tri thức, đến mọi mặt xã hội. Du lịch là ngành kinh tế gắn liền với đời sống xã hội, do vậy cần thiết phải đi trước trong việc ứng dụng công nghệ hiện đại trong hoạt động của mình.
Dấu ấn công nghệ số ngày càng rõ nét trong hoạt động du lịch
Đồng tình với ý kiến của ông Vũ Thế Bình, bà Nguyễn Ánh Nguyệt – Giám đốc Chính sách Công Việt Nam, tập đoàn Facebook nhấn mạnh đến vai trò của nền tảng xã hội. Theo bà Nguyệt, du lịch và nghỉ dưỡng là hai xu hướng diễn ra mạnh mẽ sau dịch Covid-19. Khảo sát xu hướng dịch vụ tại Việt Nam cho thời gian cuối năm 2020 của Facebook cho thấy 86% người tiêu dùng có ý định tự thưởng cho bản thân những chuyến du lịch và 87% có ý định chia sẻ và tặng quà cho người thân bằng những chuyến du lịch, nghỉ dưỡng. Kết quả khảo sát cũng cho thấy có đến 93% người tiêu dùng sử dụng thường xuyên các mạng xã hội cho các chuyến đi của mình. Vì vậy, bà Nguyệt cho rằng Facebook và các nền tảng số khác có tiềm năng lớn thúc đẩy du lịch. Các doanh nghiệp du lịch cần nhanh chóng chuyển đổi số để ứng dụng các nền tảng kỹ thuật trong lĩnh vực marketing, quảng bá sản phẩm du lịch của mình.
Bà Nguyễn Ánh Nguyệt – Giám đốc Chính sách Công Việt Nam, tập đoàn Facebook
Thời gian qua, Facebook đã triển khai nhiều dự án góp phần quảng bá, phát triển du lịch như xây dựng clip “Bao la Việt Nam” với sự góp mặt của rất nhiều nghệ sĩ có tên tuổi để thúc đẩy phát triển du lịch hậu Covid-19; phối hợp với Vietjet đưa ra chương trình “Bao la Việt Nam – Bay xanh cùng Vietjet” để bắt kịp xu thế, thúc đẩy phục hồi và phát triển du lịch nội địa.
Bà Nguyễn Trâm, Giám đốc Việt Nam - Lào và Campuchia của tập đoàn Google cho biết, theo kết quả khảo sát vào cuối tháng 8, trong bối cảnh du lịch hạn chế, người Việt tìm đến những điểm du lịch online với các video trực tuyến khơi nguồn cảm hướng du lịch của họ. Người Việt coi trọng uy tín của công ty tổ chức du lịch và yếu tố giá cả. Các công ty du lịch cần tập trung triển khai các chương trình kích cầu, cung cấp cho du khách những sản phẩm dịch vụ hoàn hảo nhất, phù hợp cho từng đối tượng, trong đó cần áp dụng công nghệ mới để mang lại giá trị gia tăng trong trải nghiệm cho du khách.
Bà Nguyễn Trâm, Giám đốc Việt Nam - Lào và Campuchia của tập đoàn Google
Theo bà Trâm, các doanh nghiệp du lịch có thể thúc đẩy sự hồi sinh của du lịch qua 3 cách chính: Tôn vinh vẻ đẹp quốc gia trên thế giới, Đào tạo kỹ năng số và Quảng bá du lịch cho du khách thông qua các công cụ của Google như: Google Arts & Cultures, Google Tìm Kiếm.
Ứng dụng công nghệ số giúp các doanh nghiệp lữ hành Mỹ “vượt khó” trong đại dịch Covid-19
Chia sẻ về hoạt động của các doanh nghiệp Mỹ trong thời điểm khó khăn do dịch bệnh, ông Robert Duglin – Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Mỹ (ASTA) cho biết, Mỹ là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, các doanh nghiệp lữ hành phải đối diện với khủng hoảng khi khách hàng yêu cầu hoàn tiền, hủy tour, đền bù… Đây cũng là lần đầu tiên các doanh nghiệp lữ hành của Mỹ cần sự hỗ trợ và cho vay của Chính phủ để tồn tại, vượt qua khó khăn.
Tuy nhiên, khi đã thích ứng với các khó khăn, các doanh nghiệp Mỹ lại tận dụng thời điểm này để tái cấu trúc, đẩy mạnh việc ứng dụng số trong hoạt động kích cầu du lịch nội địa, bán tour, quảng bá vẻ đẹp của các điểm du lịch…
Ông Robert Duglin – Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Mỹ (ASTA)
Ông Robert Duglin cho rằng đây là thời điểm thuận lợi để doanh nghiệp du lịch Việt Nam và Mỹ đẩy mạnh liên kết, hợp tác, chia sẻ những công nghệ tiên tiến, hiện đại tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch phục hồi và phát triển khi dịch bệnh được kiểm soát.
Ông đánh giá cao những lợi thế về du lịch của Việt Nam như phong cảnh, văn hóa, ẩm thực, con người. Đây đều là những nét đặc trưng mà du khách Mỹ rất muốn tìm hiểu, khám phá. Việt Nam cần tận dụng những lợi thế này để thúc đẩy quảng bá nhiều hơn nữa thông qua việc ứng dụng những công nghệ số trong thời điểm hiện tại.
Trung tâm Thông tin du lịch