Độc đáo bánh chưng gù nếp nương của người Dao Thanh Y
Gói bánh chưng gù nếp nương với lá dong rừng, lá ỏng ở nhà ông Lý Đức Nguyên (thôn Đài Làng, xã Vạn Yên).
Theo ông Lý Đức Nguyên (thôn Đài Làng, xã Vạn Yên) kể thì người Dao ở đây vốn là cư dân di cư từ các vùng Tiên Yên, Lạng Sơn về đây, đem theo nhiều phong tục tập quán đẹp. Trong đó, bánh chưng gù đặc sản từ gạo nếp nương là một trong những nét đặc sắc của người Dao. Ngày nay, phong tục tập quán đã thay đổi, việc gói bánh chưng gù cũng linh động hơn. Ngoài dịp Tết, bánh chưng gù cũng được gói ngày thường, dùng trong những dịp đi nương, đi rừng.
Theo giải thích của những người Dao cao tuổi thì bánh chưng gù là thành quả lao động, tinh hoa thu hái từ trồng cấy và nghề đi rừng của người Dao. Người Dao vốn thiện nghệ nghề đi rừng, giỏi nghề trồng nếp nương, dùng lá cây rừng…Các khu đồi ở thôn Đài Làng được phát làm nơi trồng keo mới và cũng là nơi trồng nếp nương xen kẽ.
Thông thường, nếp nương được trồng từ tháng 4 âm lịch. Lúa nương vốn là giống sinh trưởng rất tốt dù có trồng xen canh cùng keo hoặc ở điều kiện khô, hạn, không có nước. Điều đặc biệt là lúa nương có thể để rất lâu, vài năm vẫn dùng tốt. Dù là giống tốt, sinh trưởng khỏe, tuy nhiên thóc nếp để làm giống thì phải trồng cấy thường xuyên theo mùa vụ, không để cách năm. Nếu để cách năm thì thóc nếp nương không thể nẩy mầm khi trồng cấy vào những năm sau đó.
Lúa nương sinh trưởng trong 5 tháng, thông thường tới tháng 9-10 âm lịch là được thu hoạch mà không phải chăm sóc nhiều, chỉ cần làm cỏ. Hạt lúa nương dài, to hẳn so với lúa nếp thường, rất dẻo và thơm. Người Dao Thanh Y gặt lúa nếp nương cũng khá đặc biệt. Lúa nương thường cao, to hơn cây lúa thường. Người gặt cũng chỉ dùng 1 cái liềm dài chừng 10 phân, có lưỡi dài khoảng 3 phân và chỉ gặt bông lúa, không lấy phần thân.
Thông thường, bánh gù được gói vào dịp lễ tết. Ngày nay, người Dao cũng có nhiều thay đổi, kích thước, cách gói bánh gù với lá dong bên ngoài, lá ỏng bên trong. Bánh gù cũng thường được gói khác nhau vào các dịp lễ tết khác nhau. Ngày Tết, người Dao Thanh Y gói bánh gù tròn nhưng 2 đầu to bằng nhau.
Thường ngày, người Dao hay gói bánh gù kích thước nhỏ, to bằng cổ tay, nhọn hai đầu để gọn nhẹ, dễ mang đi rừng, gói nhanh và luộc cũng nhanh chín, chừng 2h đồng hồ. Để có được những chiếc bánh đẹp, người phụ nữ Dao tỉ mỉ trong từng công đoạn, từ chọn nguyên liệu, gói bánh và đun bánh. Từng hạt gạo, hạt đỗ được các mẹ, các chị chọn cẩn thận, hạt nào cũng to, tròn và đều tăm tắp. Lá bông ỏng phải được lấy từ trên rừng về, lá phải xanh, to đều lá và mềm.
"Phần chính của bánh chưng gù là nếp nương trắng ngần, đỗ xanh, thịt ba chỉ và lá cơm lông, được gói bằng lá bông ỏng, bên ngoài là lá dong rừng, bó lại chắc chắn bằng lạt tre. Đôi khi có thể gói bằng lá dong đỏ bởi lá dong đỏ to, đẹp mắt. Đặc biệt, người Dao ở đây còn có đậu xanh nương, hạt to, bở, thơm ngon. Thịt lợn ba chỉ được thái miếng dài, để cả bì trải dài thân bánh, nêm thêm nhân chút hạt tiêu hay thảo quả" - ông Nguyên chia sẻ.
Đặc biệt, bánh chưng gù loại nhỏ này gói nhanh, luộc nhanh chín, tiện dụng. Vốn thiện nghệ nghề đi rừng, người Dao cũng chỉ cần 1,2 cái bánh chưng nếp nương và 1 chai nước là có thể đi rừng cả ngày. Khi tới bữa, người Dao chỉ việc bóc bánh, lấy nạt trên gói bánh cắt từng khúc ra ăn, vừa tiện dụng vừa đảm bảo có bữa ăn ngon, đủ chất dinh dưỡng./.