Lên Suối Giàng thưởng trà trên đỉnh mờ sương
Lên với đỉnh núi mờ sương, du khách sẽ được trải nghiệm, tham gia vào các quy trình sản xuất chè với người dân bản địa.
Cung đường lên với Suối Giàng trong sương sớm đẹp mê mải khi mây vẫn còn vương vấn quyện lấy những đỉnh núi. Sương mù bay. Lãng đãng. Bồng bềnh. Hư ảo.
Khi những tia nắng xuân ấm áp bắt đầu ló rạng trên vùng trời Tây Bắc, sắc trắng hoa mơ, hoa mận, sắc hồng hoa đào phủ trên khắp các triền đồi là lúc tôi cùng đám bạn lên với Suối Giàng - nơi được mệnh danh là “Đệ nhất kỳ quan trà Việt Nam” để tìm hiểu và thưởng thức thứ trà đặc sản mang tên shan tuyết từ những cây chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi.
Dừng chân ở Không gian văn hóa trà Suối Giàng mới được khai trương vào tháng 9/2019, dịp địa phương tổ chức Lễ tôn vinh cây chè tổ, chúng tôi thật không khỏi ngỡ ngàng khi ở giữa thiên nhiên hùng vĩ lại có một không gian vô cùng ấn tượng, nhẹ nhàng và đầy tinh tế như thế.
Được thiết kế đơn giản, theo đúng bản sắc văn hóa của người Mông, Không gian văn hóa trà Suối Giàng tạo cho người dân cũng như du khách đến đây cảm giác thật gần gũi và thân thiện. Từ bộ dụng cụ uống trà cho đến từng chén trà nhỏ ở đây đều toát lên sự cầu toàn và trân trọng khách thưởng trà.
Anh Đào Đức Hiếu - chủ Không gian văn hóa trà Suối Giàng niềm nở mời chúng tôi trải nghiệm không gian đầy sáng tạo này. Vừa tự tay pha trà, anh Hiếu vừa kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện xoay quanh thứ chè đặc sản này, từ khâu chế biến cho đến cách pha, cách thưởng thức và giới thiệu cho chúng tôi những khác biệt trong không gian văn hóa thưởng trà trên đỉnh mờ sương.
Chè Shan tuyết Suối Giàng xưa nay được xếp đầu bảng trong các loại chè và được gọi là loại chè “năm cực”: “cực khổ” - khi trồng và thu hái; “cực sạch” - do điều kiện khí hậu và công chăm sóc; “cực hiếm” - sản lượng ít; “cực ngon” - có hương thơm, vị đậm và “cực đắt”...
Buổi sớm se lạnh, nhấp một ngụm trà nóng, cảm nhận được sự tinh tế khi vị đắng dịu đến đầu tiên trong lưỡi rồi vị ngọt đượm dần lan tỏa mới thấy được dư vị lắng đọng nơi tâm hồn. Anh bạn đi cùng tôi thốt lên: “Hương thơm chỉ thoảng nhẹ nhưng vị thì đúng là chẳng loại chè nào sánh được, xứng danh “hương vị di sản trà Việt”.
“Mong muốn của chúng tôi là Không gian văn hóa trà Suối Giàng sẽ giúp du khách được hòa vào không gian văn hóa, lối sống của bản Mông còn hoang sơ để có cảm nhận rõ nét về văn hóa độc đáo của người dân bản địa. Chúng tôi cũng mời các nghệ nhân, chuyên gia về trà đến để giới thiệu đặc sản chè shan tuyết đến với mọi du khách, để mọi người hiểu hơn về loại trà tinh túy này và thưởng trà để cảm nhận được hương vị của hoang sơ, sự tinh túy của đất, trời, mây, gió trong chén trà đặc sản. Ngoài ra, chúng tôi cũng có một số phòng lưu trú cộng đồng và gia đình để du khách có điểm dừng chân trải nghiệm sức sống vùng cao và hòa mình vào đời sống của người dân miền sơn cước” - anh Hiếu chia sẻ.
Vốn định chỉ lên thưởng trà trong không gian độc và lạ, nhưng rồi những gợi ý hấp dẫn của anh Hiếu đã giữ chân chúng tôi ở lại. Sau khi cảm nhận được hương, sắc, vị của giống chè vùng cao nổi tiếng có một không hai, chúng tôi đã có buổi trải nghiệm cực thú vị khi cùng bà con lên đồi, tự tay hái những búp chè xanh non; chiêm ngưỡng những đồi chè shan tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi; tham gia vào công việc sao chè truyền thống cùng bà con, học cách pha trà và rồi lại nhâm nhi những chén trà nóng bên bếp lửa... để rồi muốn mãi chìm trong không gian đầy thơ ấy.
Và đâu đó, tiếng sáo, tiếng đàn môi cùng tiếng hát giao duyên của các chàng trai, cô gái Mông đang réo rắt, dập dìu mời gọi du khách đến với Suối Giàng để cảm nhận sự tinh sương của mảnh đất lưng trời khi mùa Xuân đến. Trong không gian sương mờ giăng như thực như mơ, như ở chốn bồng lai ấy, được thưởng thức hương đại ngàn bên những người tri kỷ, cùng nhau cảm nhận sự rạo rực của mùa xuân đang đến rất gần, còn gì thú hơn!