Non nước Việt Nam

Độc đáo các nghi lễ truyền thống của dân tộc Cờ Lao

Cập nhật: 06/10/2020 15:23:27
Số lần đọc: 938
Người Cờ Lao, xã Túng Sán (Hoàng Su Phì) là một trong hai nhóm Cờ Lao hiện đang sinh sống trên địa bàn tỉnh ta. Mặc dù chỉ chiếm 1,38% dân số toàn huyện, nhưng đến nay, những nét văn hóa đặc sắc vẫn luôn được các thế hệ người Cờ Lao gìn giữ và phát huy.

Người Cờ Lao xã Túng Sán hiện có khoảng 200 hộ, sinh sống tập trung ở các thôn: Tả Chải, Khu Trù Sán, Túng Quá Lìn. Mặc dù sự giao thoa văn hóa những năm gần đây diễn ra ngày càng phổ biến nhưng người Cờ Lao vẫn gìn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống đặc trưng trong các nghi lễ như: Lễ đặt tên, lễ trưởng thành, lễ cưới, lễ Cầu mùa, Lễ cúng Hoàng Vần Thùng… 

Với tín ngưỡng nông nghiệp chủ đạo là canh tác ngô, lúa, vì vậy hàng năm sau khi thu hoạch xong; lúa, ngô đã chất đầy bồ, các bản làng người Cờ Lao lại tổ chức lễ Cầu mùa. Các gia đình thường chuẩn bị gà luộc và các sản phẩm nông nghiệp khác do chính người dân làm ra như xôi, rượu trắng, thịt lợn, hoa quả cùng tiền vàng và hương. Thầy cúng sẽ tiến hành các nghi lễ cơ bản để cảm tạ thần linh, trời đất và tổ tiên đã ban cho mùa màng bội thu. Đồng thời, cầu xin các vị thần linh tiếp tục phù hộ cho mưa thuận, gió hòa, lúa ngô tươi tốt vào những mùa vụ sau. Lễ Cầu mùa là nét sinh hoạt văn hóa thể hiện tín ngưỡng nông nghiệp đặc trưng của người Cờ Lao.

Cùng với đó, người Cờ Lao xã Túng Sán hiện vẫn còn gìn giữ được nhiều nghi thức truyền thống trong tục cưới hỏi. Vào dịp cuối năm, các chàng trai, cô gái đến nhà nhau để tâm sự và hát giao duyên. Nếu cô gái nhận lời tỏ tình của chàng trai và đồng ý nên duyên vợ chồng thì mùa Xuân năm sau, gia đình nhà trai sẽ mang lễ vật đến để thống nhất thời gian ăn hỏi và ngày cưới. Trước ngày cưới một ngày, nhà trai mang lễ vật đến nhà gái làm thủ tục xin dâu. Lễ vật gồm: Gạo, thịt lợn mỗi thứ 30 - 40 kg, rượu 30 chai, 2 - 5 bộ quần áo mới cho cô dâu và một con nghé. Trong lễ cưới, các hoạt động văn hóa diễn ra sôi nổi. Mọi người thường hát những bài hát truyền thống như: Mời rượu, Lương Sơn Bá - Trúc Anh Đài, Sáng cố (kể về nguồn gốc loài người), các điệu giao duyên, lời răn dạy vợ chồng trẻ…

Người Cờ Lao có tín ngưỡng thờ cúng Hoàng Vần Thùng, người có công khai thiên, lập địa và giúp nhân dân trong vùng khai khẩn đất đai, đánh đuổi thú dữ, kẻ thù, giành lại cuộc sống bình yên cho dân làng. Vì vậy, ông được coi như vị Thành Hoàng của các tộc họ người Cờ Lao. Để tưởng nhớ công ơn của ông, vào đầu tháng 7 âm lịch hàng năm, các tộc họ người Cờ Lao tổ chức cúng tế tại miếu thờ. Miếu thờ Hoàng Vần Thùng được lập tại đỉnh núi cao nhất của dải Tây Côn Lĩnh, thuộc địa phận thôn Tả Chải, xã Túng Sán. Trước khi cúng tế khoảng 10 ngày, già làng hoặc trưởng bản đi thông báo cho các trưởng họ về thời gian tổ chức cúng tế các trưởng họ thông báo cho các gia đình chuẩn bị lễ vật. Mỗi gia đình trong làng sẽ góp 1 - 2 kg gà hoặc thịt lợn, gạo, rượu, rau, tiền vàng, hương… Sau khi thầy cúng hoàn thành phần nghi lễ, các gia đình sẽ tụ họp, cùng nhau ăn uống và giao lưu văn hóa, văn nghệ, thi hát dân ca, hát đối đáp giao duyên; tạo nên không khí sôi động, thể hiện tính gắn bó, đoàn kết trong cộng đồng tộc người Cờ Lao. 

Ngoài ra, các nghi lễ khác như lễ đặt tên, lễ trưởng thành được người Cờ Lao duy trì qua nhiều thế hệ. Qua đó, góp phần gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, tạo điểm nhấn trong thu hút du lịch của địa phương./.

Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG

Nguồn: Báo Hà Giang

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT