Độc đáo trang phục dân tộc Sán Chỉ
Anh Bàn Văn Tranh, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Pắc Củng, xã Thượng Nông cho biết, thôn có 45 hộ dân, trong đó dân tộc Sán Chỉ chiếm trên 80%. Người Sán Chỉ trong thôn di cư từ Vị Xuyên, Hà Giang về phát triển kinh tế và mang theo bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Đặc biệt là vẫn giữ gìn nét độc đáo trong trang phục truyền thống. Việc quan tâm dạy nghề lại cho con cháu được các bà trong thôn thực hiện với tâm huyết trao truyền cho thế hệ sau những giá trị văn hóa của dân tộc mình. Đây vừa là cách để khôi phục, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, vừa tạo ra sản phẩm du lịch phong phú thu hút du khách đến với địa phương.
Để bảo tồn những nét đẹp văn hóa truyền thống, đặc biệt là trang phục không bị mai một cùng thời gian, người phụ nữ Sán Chỉ đã tích cực truyền dạy lại cách may, thêu thùa trang phục truyền thống cho thế hệ trẻ, đặc biệt là cho các em gái. Bà Cháng Thị Đào, người có thâm niên trong việc may các trang phục truyền thống của dân tộc mình cho biết, mọi việc may, thêu trang phục trong gia đình do bà và các con cháu trong nhà làm. Bà cũng là người nắm rõ ý nghĩa trong từng chi tiết của bộ trang phục. Phụ nữ Sán Chỉ luôn mặc váy chàm dài ngang bọng cổ chân, áo mặc theo cặp: Áo trong thường do sở thích của từng người chọn kiểu và màu sắc, nhưng thường là áo sáng màu; áo ngoài là áo chàm có hai mảnh được khâu chéo sang bên phải, chiều dài áo ngang cùng với váy. Điểm nhấn trong trang phục là các mép áo có đường viền là một dải màu đỏ. Khi mặc trang phục truyền thống của dân tộc phải vấn tóc, đội khăn màu đen và đeo thêm vòng cổ, vòng tay bằng bạc. Trang phục nam đơn giản hơn, nhưng lại toát lên vẻ đẹp khỏe khoắn, mạnh mẽ với áo màu chàm được may theo kiểu bà ba có hai túi rộng; quần dài, cạp chun, ống quần rộng.
Bộ trang phục của người Sán Chỉ còn độc đáo ở kỹ thuật nhuộm màu cho vải để có màu sắc chàm đẹp, vừa mang màu sắc núi rừng vừa bền màu không phai dù sử dụng lâu dài. Để nhuộm được một mảnh vải may trang phục truyền thống phải trải qua nhiều công đoạn khác nhau: Cây chàm được lấy về, rửa sạch cắt thành từng khúc ngâm vào chum hoặc vại. Qua một đêm, thứ nước đó được hòa với nước tro bếp và một bát nước vôi, sau đó khuấy đều và để lắng trong khoảng 30 phút. Vải sẽ được đem ngâm trong hỗn hợp nước này cùng với một số loại lá cây rừng. Khi nhuộm lần đầu, vải có màu xanh nhạt, dễ phai. Qua nhiều lần nhuộm rồi đem phơi nắng, vải sẽ sẫm lại, không bị phai màu. Vải có được màu sắc đẹp, bền màu hay không phải có kinh nghiệm.
Từ miếng vải trắng được nhuộm nhiều lần rồi may thành một bộ trang phục hoàn chỉnh là cả một quá trình kiên trì, nhẫn nại của những người phụ nữ Sán Chỉ. Với đôi bàn tay khéo léo, sự cần cù và tinh tế khi kết hợp nhiều kỹ thuật: Dệt, thêu, nhuộm chàm… đã làm nên mỗi bộ trang phục như một tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Do đó, trang phục truyền thống của người Sán Chỉ không chỉ mang giá trị vật chất đơn thuần mà còn chứa đựng trong đó cả giá trị nhân văn sâu sắc, giá trị thẩm mỹ cao.
Ông Lương Xuân Hướng, Bí thư Đảng ủy xã Thượng Nông nói, việc giữ gìn trang phục truyền thống luôn được chính quyền và nhân dân trong xã quan tâm, chú trọng. Trong những ngày lễ, Tết, tổ chức đám cưới, tiệc vui hay có khách quý đến nhà, bà con dân tộc Sán Chỉ sẽ mặc những bộ quần áo truyền thống. Đó chính là một trong những cách người dân tộc Sán Chỉ giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình./.