Non nước Việt Nam

Nét độc đáo của "Nhà cộng đồng mới"

Cập nhật: 07/10/2020 08:07:58
Số lần đọc: 1312
Nhà cộng đồng giữ vai trò quan trọng trong các hoạt động sinh hoạt văn hóa, tinh thần và tâm linh của người dân ở các vùng nông thôn, miền núi Việt Nam, thể hiện tính gắn kết dân cư. Cũng vì thế, công trình xây dựng nhà cộng đồng còn mang những nét kiến trúc đặc trưng của văn hóa từng dân tộc và vùng, miền gắn với phát triển du lịch.

Tại Việt Nam, các công trình nhà cộng đồng có ý nghĩa quan trọng trong đời sống sinh hoạt của người dân ở các vùng nông thôn, miền núi. Ngày nay, nhà cộng đồng còn gắn với loại hình du lịch cộng đồng đang phát triển ở nước ta. Bên cạnh nét kiến trúc truyền thống độc đáo, các công trình nhà cộng đồng còn là nơi giới thiệu các công trình di sản và nghề thủ công của địa phương, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, mang lại việc làm, tăng thu nhập. Ðáp ứng xu thế này, một số đơn vị như Văn phòng kiến trúc Architects đã tham gia vào nhiều dự án nhà cộng đồng ở các vùng, miền Việt Nam, thu hút người dân tham gia vào quá trình xây dựng và các hoạt động phát triển cộng đồng khác. Trong đó, có những dự án khi hoàn thành đã trở thành điểm tham quan du lịch, giới thiệu những kỹ thuật xây dựng độc đáo của địa phương.

Theo Architects, "nông thôn là tương lai của đô thị" được hiểu với ý nghĩa sống chậm, xanh và bền vững. Ở hầu hết các vùng dân tộc thiểu số, người dân kế thừa kinh nghiệm truyền thống trong xây dựng kiến trúc của riêng mình. Ðối với họ, nhà cộng đồng đóng vai trò hạt nhân, thường được bố trí ở trung tâm và dễ dàng tiếp cận, thể hiện vai trò gắn kết xã hội của họ. Từ năm 2009, Architects đã tham gia cùng các cộng đồng trong việc tạo ra những không gian theo hai cách: Thứ nhất, bằng cách tiếp thu ý tưởng từ các thành viên; thứ hai, bằng cách giúp họ hiểu được những lợi ích mà các trung tâm có thể mang lại trong việc tạo điều kiện cho sự gắn kết xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế. Ðến nay, Architects đã xây dựng được nhiều công trình Nhà cộng đồng đáng chú ý, mang đặc điểm và văn hóa của địa phương.

Chúng tôi đã đến thăm Nhà cộng đồng thôn Suối Rè xây dựng năm 2010 tại xã Cư Yên, huyện Lương Sơn (Hòa Bình). Nhà có cấu trúc không gian nhiều lớp. Phía trước là khoảng sân thoáng mát có thể tổ chức các hoạt động ngoài trời. Không gian sinh hoạt chính ở lớp giữa và bao gồm hai tầng. Tầng trên là không gian đa chức năng có thể làm nhà trẻ, thư viện và khu họp thôn. Tầng dưới lấn ra mái dốc vừa tránh gió mùa đông bắc, vừa hút gió đông nam để ngôi nhà ấm về mùa đông và mát về mùa hè. Lớp sau mở ra khoảng hiên rộng gắn với thảm cỏ xanh và đóng vai trò như một không gian đệm, hướng lên núi và rừng tre. Ðiều đáng nói là các vật liệu xây dựng đều hữu cơ và sẵn có tại địa phương như đất, đá, tre, nứa và lá. Kết cấu của công trình thể hiện sự giao thoa giữa văn hóa người Kinh và người Mường, kế thừa kết cấu nhà truyền thống Bắc Bộ nhưng cũng có nét của nhà sàn Mường.

Tiêu biểu cho nét kiến trúc dân tộc là Nhà cộng đồng Tả Phìn ở thôn Xả Séng, xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa (Lào Cai) xây dựng năm 2012 có chức năng là nơi trưng bày các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, thư viện nhỏ, trạm thông tin, không gian hội họp, tổ chức các hoạt động đào tạo nông nghiệp và du lịch sạch. Ở đây, hình ảnh của nhà cộng đồng được lấy cảm hứng từ chiếc khăn quàng đỏ truyền thống của phụ nữ Dao và sự uốn lượn của những dãy núi. Cũng giống như Nhà cộng đồng thôn Suối Rè, ngôi nhà được xây bằng các vật liệu thân thiện với môi trường như đá, gạch không nung, gỗ tái chế và gỗ thông. Ðây cũng là một ngôi nhà cộng đồng đa năng và bao gồm một khu vườn bảo tồn cây thuốc. Trong đó, các kiến trúc sư của Architects áp dụng các giải pháp kiến trúc xanh, tiết kiệm năng lượng như công nghệ lọc nước mưa, pin mặt trời, bể phốt năm ngăn không gây ô nhiễm, lò sưởi tiết kiệm năng lượng và tận dụng nhiệt thừa của ống khói.

Một công trình khác là Nhà cộng đồng Cẩm Thanh ở xã Cẩm Thanh, TP Hội An (Quảng Nam) xây dựng năm 2015, vừa là nơi tập huấn ứng phó biến đổi khí hậu, vừa là không gian sinh hoạt văn hóa, thể thao. Về lâu dài, đây sẽ là trung tâm khảo nghiệm nông sản hữu cơ, tổ chức nghiên cứu và không gian chia sẻ kinh nghiệm canh tác. Nhà chính của Nhà cộng đồng Cẩm Thanh có chức năng như một phòng họp, triển lãm và sự kiện. Một không gian nhỏ hơn được làm thành một thư viện với các lớp học cho trẻ em. Với hệ thống vách ngăn di động, không gian dễ dàng thay đổi thành diện tích tùy theo nhu cầu của người sử dụng. Công trình là hình ảnh tiêu biểu của nông thôn miền trung với những vườn cau thẳng đứng. Dây leo trải khắp thân cau, kết hợp kết cấu mái che chống gió, bão hiệu quả, tạo thành lớp vỏ kép vừa giảm đáng kể bức xạ mặt trời, vừa tạo bóng mát sinh động.

Trong khi đó, Nhà cộng đồng Chiềng Yên ở xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ (Sơn La) xây dựng năm 2015, đóng vai trò là trung tâm thông tin, nơi mọi người có thể gặp gỡ, trao đổi, tổ chức các sự kiện và hoạt động xã hội. Lấy cảm hứng từ chiếc khăn trùm đầu của đồng bào dân tộc thiểu số địa phương và hình thức nhà sàn truyền thống, hình ảnh của công trình hài hòa với cảnh quan núi non và thác nước. Còn Nhà cộng đồng Nậm Ðăm ở xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ (Hà Giang) được xây dựng năm 2017, đóng vai trò quan trọng đối với thôn Nậm Ðăm. Ðây là trung tâm thông tin và hoạt động cộng đồng, có kiến trúc sáng tạo với những bức tường đất dày 80 cm được kết hợp với các vật liệu hiện đại. Tầng một có không gian sinh hoạt chung và hai phòng nghỉ tiện nghi cho khách. Tầng hai có ba phòng ngủ. Các không gian được kết nối với nhau, từ trước ra sau, trên dưới bằng các hành lang và khoảng trống với các tấm đón sáng ban ngày…

Xuyên suốt các dự án này, các kiến trúc sư luôn trung thành với triết lý: "Kiến trúc hạnh phúc" cho cộng đồng. Có thể nói, Architects đã tập hợp được các giá trị cốt lõi bản ngữ và tiếng nói của cộng đồng, từ đó tạo ra những công trình thiết thực và mang nhiều ý nghĩa trong bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa./.

Nguồn: Báo Nhân Dân

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT