Non nước Việt Nam

Bình Liêu: Bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống

Cập nhật: 06/10/2020 08:38:18
Số lần đọc: 916
Thời gian qua, các lễ hội trên địa bàn huyện Bình Liêu đã được tổ chức quy củ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Qua đó, không chỉ quảng bá hình ảnh về văn hóa, vùng đất và con người Bình Liêu đến với nhân dân và du khách, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương mà còn góp phần bảo tồn, giáo dục và phát huy những giá trị văn hóa, làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân các dân tộc vùng cao Bình Liêu.


Bà Hoàng Thị Viên, khu Nà Làng, thị trấn Bình Liêu dạy con cháu các làn điệu Then của dân tộc Tày.

Huyện Bình Liêu có trên 96% là người dân tộc thiểu số, trong đó, chủ yếu là dân tộc Dao, Tày, Sán Chay... Mỗi dân tộc có tiếng nói, trang phục, kiến trúc nghệ thuật, phong tục, tập quán riêng. Điều đó đã mang lại cho Bình Liêu một kho báu giá trị về các di sản văn hóa đặc sắc cần bảo tồn, phát huy. Hiện huyện đã xây dựng Đề án bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá các dân tộc huyện Bình Liêu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Trong đó tập trung ưu tiên cho phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số nhằm tạo điều kiện cho cộng đồng dân tộc thiểu số tự bảo vệ và phát huy di sản văn hóa của dân tộc mình.

Theo Đề án, với mỗi dân tộc, huyện Bình Liêu sẽ thống kê, phân tích và đánh giá các giá trị văn hoá theo hai nhóm lớn, là văn hoá vật thể và văn hoá phi vật thể. Trong đó, tập trung nghiên cứu di sản văn hóa 3 tộc người điển hình trên địa bàn huyện Bình Liêu là: Dân tộc Tày, Dao, Sán Chay (Sán Chỉ). Đơn cử như, đối với bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hoá vật thể của dân tộc Tày, huyện sẽ tập trung thực hiện quy hoạch về kiến trúc; bảo tồn trang phục truyền thống dân tộc Tày; bảo tồn và trùng tu di tích... Đối với việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hoá phi vật thể dân tộc Tày sẽ tập trung vào việc phục dựng tiếng nói, chữ viết, truyện cổ, dân ca, ca dao, tục ngữ, câu đố; nghệ thuật trình diễn dân gian về hát lượn, hát Then, đàn tính, múa trong Then cổ; trò chơi dân gian; tập quán xã hội và tín ngưỡng của người Tày...

Bà Hoàng Thị Viên, khu Nà Làng, Thị trấn Bình Liêu, cho biết: Gia đình tôi đã có truyền thống lâu đời về hát Then. Bản thân tôi cũng đã tham gia vào vào các câu lạc bộ hát Then của huyện, xã để bảo tồn những nét đẹp trong những câu hát Then. Hiện tại, thứ 7 hàng tuần tôi vẫn đang dạy hát Then cho các con cháu trong gia đình và những cháu nhỏ khác để tạo niềm đam mê, hứng khởi, góp phần giữ gìn bản sắc dân tộc cho làn điệu Then của dân tộc và đóng góp vào sự phát triển du lịch văn hóa của địa phương trong thời gian tới.

Cũng giống như dân tộc Tày, việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa của dân tộc Dao, Sán Chay cũng sẽ được bảo tồn, phục dựng theo hướng các tập tục văn hoá vật thể và văn hoá phi vật thể để tạo sự đồng nhất và mang lại những nét đặc trưng riêng cho mỗi dân tộc.

Đến nay, nhờ việc thực hiện đồng bộ các giải pháp trong việc bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa, toàn huyện Bình Liêu đã có 2 di tích cấp tỉnh. Công tác quản lý các di tích văn hóa, cơ sở tín ngưỡng, đất đai luôn được tăng cường, chú trọng. Các lễ hội trên địa bàn được tổ chức đúng quy định, trang trọng, tiết kiệm, phù hợp với thuần phong mỹ tục địa phương, tạo được sức lan tỏa, lôi cuốn, góp phần thu hút đông đảo nhân dân và du khách tới tham gia, như: Lễ hội đình Lục Nà, Hội hát Tháng ba, Ngày “Kiêng gió”... Hoạt động các Câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ dân gian cũng tiếp tục được duy trì, phát triển mạnh mẽ như: Câu lạc bộ hát Then - Đàn tính, Câu lạc bộ hát Soóng Cọ...

Ông Hoàng Huy Trọng, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Bình Liêu, cho biết: Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục triển khai đề án bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá các dân tộc huyện Bình Liêu và xây dựng các chương trình tham mưu cho huyện nhằm phát huy được các giá trị văn hóa địa phương. Trong đó, sẽ tập trung vào việc phát triển mô hình làng văn hoá - du lịch với hình thái cấu trúc không gian, cơ chế chính sách phù hợp có thể gắn kết hài hoà giữa văn hoá và du lịch, giữa bảo tồn và phát triển. Đồng thời với đó, triển khai quy hoạch đồng bộ việc bảo tồn, phát huy giá trị đặc trưng cấu trúc bản, công trình kiến trúc truyền thống của các bản dân tộc trên địa bàn từ nguồn kinh phí ngân sách nhà nước và xã hội hóa. Đặc biệt, sẽ tập trung cao độ trong việc gắn kết bản văn hoá du lịch dân tộc với các tour du lịch tại Bình Liêu nhằm đẩy mạnh và kích cầu du lịch trở lại.

Nguồn: Báo Quảng Ninh

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT