Đưa văn hóa bản địa thành "đặc sản" du lịch Xứ Dừa
Văn hóa bản địa là văn hóa của một cộng đồng trong một địa phương, vùng miền nhất định. Đặc trưng của văn hóa là những giá trị hiện hữu, tiếp cận gần hơn về phong tục tập quán, tìm hiểu văn hóa bản địa của người dân địa phương qua lễ hội, ẩm thực, sinh hoạt hàng ngày và các sản phẩm du lịch. Những điểm này tạo sự khác biệt, mang lại sự phát triển bền vững, gìn giữ và kế thừa những giá trị tốt đẹp đưa vào hoạt động du lịch. Do vậy, việc phát triển du lịch Xứ Dừa dựa trên những yếu tố từ văn hóa bản địa là xu hướng phát triển bền vững của Bến Tre nhằm đem văn hóa trong cuộc sống người dân đến với du khách, từ những điều giản dị đưa vào phát triển du lịch là hướng đi tích cực của du lịch Bến Tre hiện nay.
Văn hóa - Tiềm năng phát triển
Đến Bến Tre, du khách được chiêm ngưỡng cuộc sống bình dị của người dân bản địa, vẻ đẹp của những rừng dừa xanh thẳm, con sông, con rạch uốn khúc, cảm nhận chất địa phương của điểm đến, chèo xuồng ngắm nhìn hàng dừa nước rợp mát khiến tâm hồn cảm thấy thoải mái. Đồng thời, du khách có được những trải nghiệm đặc biệt sống động, cảm nhận được giá trị văn hóa trong khung cảnh thực của tự nhiên, nếp sống cộng đồng mà không phương tiện nào có thể truyền tải được.
Du khách tìm hiểu những nét văn hóa tại Homestay Cồn Bà Tư (ảnh: Homestay Cồn Bà Tư)
Du lịch tại Bến Tre không phải chỉ khai thác phong cảnh thiên nhiên mà còn kết hợp văn hóa cộng đồng của địa phương. Trong đó, sống cùng người dân, tham gia các công việc thường nhật là cách để hiểu cuộc sống của họ, được trải nghiệm, học hỏi, kết giao bạn bè và tích lũy kinh nghiệm về những giá trị văn hóa mà không nơi nào có được. Chẳng hạn như khi đến Homestay Cồn Bà Tư (Bình Đại), ngoài được nghỉ ngơi, thư giãn tại các ngôi nhà làm bằng vật liệu dừa, du khách còn có thể theo chân những người dân bản địa nơi đây trải nghiệm câu cua, tát mương bắt cá, bắt tôm, soi ba khía…., nghe những câu chuyện qua từng thời kỳ khai khẩn của cư dân. Hay du khách đến Cù Lao Tam Hiệp, tham quan và cùng người dân hái lá sâm (sương sâm), học cách làm ra món lá sâm dân dã của người miền Tây. Hoặc về vùng biển Cồn Bửng hoang sơ săn còng gió, bắt ba khía trong các dãy rừng ngập mặn sau đó chế biến ra các món ăn thơm ngon, hấp dẫn mang hơi thở của vùng biển thanh bình với sự nhiệt tình của người dân địa phương.
Ẩm thực địa phương luôn tàng trữ văn hóa bản địa một cách rõ nét nhất, đặt chân đến Bến Tre đầu tiên phải thưởng thức nước dừa, du khách sẽ được người dân hướng dẫn cách leo dừa, trải nghiệm chặt dừa, uống dừa ngay tại vườn. Dùng dừa để chế biến các món ngon như: tép rang dừa, bánh canh bột xắt, bánh dừa, bánh xèo….Tùy vào điều kiện và sản vật có xung quanh, du khách có thể tìm hiểu về văn hóa ẩm thực của địa phương, tự tay chế biến ra những món ăn độc đáo có một không hai mang tính đặc trưng của vùng.
Bữa cơm dân dã với các món ăn đặc trưng của vùng (ảnh: Homestay Cồn Bà Tư)
Khi lấy cội rễ từ văn hóa, điểm đến đưa vào hoạt động du lịch sẽ dễ đi vào lòng du khách, đem tới những biến hóa sống động để điểm đến có những sản phẩm mới hấp dẫn. Từ đó, du khách cảm thấy sự thích thú khi được trải nghiệm văn hóa qua hoạt động du lịch, kích thích sự tò mò, mới mẻ mỗi khi đặt chân đến nơi đây. Việc phát triển du lịch gắn với các di sản văn hóa, lễ hội, trò chơi dân gian giúp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Đến Bến Tre, ngoài tận hưởng những giá trị văn hóa địa phương mang lại, du khách còn có cơ hội được trải nghiệm di sản văn hóa phi vật thể Hát sắc bùa Phú Lễ, đây là loại hình nghệ thuật diễn xướng vô cùng đặc biệt, mang đặc trưng hoàn toàn khác biệt so với các tỉnh khác ở Đồng bằng sông Cửu Long; hay về Giồng Trôm tìm hiểu làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc nức tiếng Xứ Dừa trên một trăm năm tuổi, thưởng thức hương vị béo ngậy, thơm ngon.
Du lịch từ văn hóa - Hướng đi bền vững trong tương lai
Đánh thức các giá trị văn hóa bản địa đưa vào hoạt động du lịch và biến chúng thành sản phẩm du lịch độc đáo là hướng đi được đón nhận trên khắp thế giới, làm nên thương hiệu cho điểm đến. Thông qua hoạt động du lịch, đưa văn hóa địa phương trở thành sản phẩm du lịch, từ đó cộng đồng dân cư hiểu đúng hơn những giá trị văn hóa vốn rất khó nhận ra trong đời thường, làm cho mọi người có trách nhiệm hơn trong việc gìn giữ nét văn hóa của vùng, quản lý các tài nguyên du lịch bền vững, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương theo hướng du lịch dịch vụ, tạo sinh kế cho cộng đồng cùng phát triển.
Du khách trải nghiệm bắt cá (Ảnh: XTDL)
Bên cạnh ý thức của người dân, lãnh đạo tỉnh Bến Tre thường xuyên chỉ đạo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, mở các lớp bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa địa phương. Ông Võ Anh Tài - Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) tại buổi "Gặp gỡ, tư vấn xây dựng sản phẩm du lịch tỉnh Bến Tre" đã phát biểu "Cần phải có định hướng phát triển loại hình "Nông nghiệp xanh" phù hợp với các dịch vụ của đơn vị; đặc biệt là phải "sử dụng tài nguyên bản địa để thu hút khách du lịch" và phải tạo được kết nối với các huyện trong khu vực để hình thành tour liên kết "Cù Lao Minh - Một hành trình bốn điểm đến". Có như vậy mới phát triển du lịch hiệu quả và bền vững".
Với những tiềm năng từ tự nhiên, nét văn hóa Xứ Dừa độc đáo, người dân chân chất nhiệt tình, cùng sự quan tâm và ủng hộ của các ngành, địa phương. Trong thời gian tới, Bến Tre sẽ là điểm đến lý tưởng của nhiều du khách về mô hình du lịch từ văn hóa để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong tương lai./.