Không gian tín ngưỡng thờ mẫu ở Bắc Giang
Đền Nguyệt Hồ (Yên Thế) - nơi thờ Nguyệt Nga công chúa, gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu. Ảnh: NGUYỄN HƯỞNG
Thờ Mẫu ở Bắc Giang xuất hiện khá sớm và đa dạng hình thức tôn thờ như: Thờ Quốc Mẫu Âu Cơ ở Tân Sỏi (Yên Thế), thờ Mẹ Đá ở Tiên Sơn (Việt Yên), thờ Thánh Mẫu Thượng Ngàn ở đền Suối Mỡ, xã Nghĩa Phương (Lục Nam), thờ Mẫu Thoải phủ ở đền Đà Hy, xã Lãng Sơn (Yên Dũng), thờ chúa Nguyệt Hồ ở xã Hương Vĩ (Yên Thế), thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ ở nhiều làng quê, thờ mẫu Tam Giang ở Lục Ngạn và dọc bờ Bắc sông Cầu, thờ Mẫu Phùng Từ Nhan, Trương Đạm Nương, Ngọ Tiên Nương ở đôi bờ sông Thương.
Thờ Bà Chúa Kho ở đền Phủ, TP Bắc Giang, thờ bà chúa Lẫm ở làng Trung Đồng, Vân Trung (Việt Yên), thờ Tiên thiên Thánh Mẫu, Thánh Mẫu Liễu Hạnh ở đền Vua Bà, An Châu (Sơn Động) và chùa Quỳnh Sơn (Yên Dũng), Thánh Thiên công chúa ở Tân Mỹ, TP Bắc Giang, Diên Nương công chúa ở Đông Lâm (Hiệp Hoà), thờ Bảo Nương, Ngọc Nương (đời Trần) ở Đa Mai, TP Bắc Giang…
Có thể thấy, tục thờ Mẫu ở Bắc Giang được mở rộng theo tiến trình lịch sử, từ các vị thần tự nhiên, thần nông nghiệp đến các nữ anh hùng, công chúa, hoàng hậu hay bà tổ nghề được lịch sử hóa hoặc nhân cách hóa gắn với nhiều huyền tích, huyền thoại.
Thường những nhân vật này khi sống là người tài giỏi có công với dân với nước, khi mất hiển linh, phù trợ cho dân khang vật thịnh. Theo thời gian, các tầng lớp văn hoá đã được bao phủ lên theo tín ngưỡng thờ Mẫu.
Nét đặc trưng của tục thờ Mẫu ở Bắc Giang là tập trung vào các hoạt động tín ngưỡng thờ cúng, tế lễ trong dịp sự lệ, lễ hội gắn với nghi thức diễn xướng dân gian hát chầu văn hoặc hầu đồng. Các vị thần tráng bóng hiện lên qua sự nhập vai của các thanh đồng với xiêm y, khăn áo cùng vũ đạo, âm nhạc, lời ca phong phú. Mỗi giá đồng thường khắc họa cuộc đời, công lao của các vị thần với dân với nước. Giá trị nổi bật của tín ngưỡng thờ Mẫu thể hiện qua những bài chầu văn, những câu chuyện lịch sử lồng vào điệu múa, lời ca, trang phục hay qua cách thức bài trí đền, điện, phủ...
Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Bắc Giang có nét đặc trưng riêng song vẫn mang vẻ đẹp chung trong văn hóa thờ Mẫu của người Việt nhằm tôn vinh truyền thống yêu nước, hướng về cội nguồn, thể hiện tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng, góp phần tôn vinh vẻ đẹp người phụ nữ Việt Nam, gìn giữ phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Trung tâm tín ngưỡng thờ Mẫu được nhiều người biết đến như đền Suối Mỡ nơi khởi đầu của tục thờ Thánh Mẫu Thượng Ngàn. Đó là Quế Mỵ Nương con gái vua Hùng có công mở mang khai phá vùng đất, dạy dân làm nông nghiệp để có cuộc sống ấm no hạnh phúc. Là đền Nguyệt Hồ nơi thờ Nguyệt Nga công chúa, con gái vua Hùng có công giúp vua cha đánh giặc bảo vệ đất nước. Đền Đà Hy với tục thờ Mẫu Thoải là hiện thân của Huệ Nương đức mẹ của đức Thánh Trần Tuấn Sơn, một vị tướng âm phù cho Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải và các tướng lĩnh nhà Trần phá giặc Nguyên – Mông.
Tại chùa Quỳnh Sơn còn lưu giữ được những đạo sắc phong cổ ban tặng cho các vị Thánh Mẫu là minh chứng cho mạch nguồn khởi đầu của tục thờ Mẫu ở Bắc Giang. Sắc phong ban tặng cho Thánh Mẫu ngày 16 tháng 5 niên hiệu Cảnh Hưng thứ 44-1783 sắc cho Đế Thích Tiên Đình chứa muôn vàn điều tốt...
Không gian tín ngưỡng thờ Mẫu trải rộng ở nhiều làng xã trong tỉnh Bắc Giang. Ngoài các trung tâm là đền, điện thờ Mẫu riêng, trong các ngôi chùa làng đều xuất hiện ban thờ Mẫu. Hiện nay, tín ngưỡng thờ Mẫu đang phát triển với nhiều nét văn hóa truyền thống đặc thù, có giá trị đặc sắc như: Lịch sử dân tộc, nghệ thuật kiến trúc đền, điện, nghệ thuật diễn xướng dân gian cùng âm nhạc, vũ điệu, hội hoạ...
Ở đó còn có giá trị về truyền thống đạo đức, lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, tình nghĩa đồng bào tương thân tương ái, tính cố kết cộng đồng, truyền thống uống nước nhớ nguồn và những mong ước về cuộc sống ấm no, hạnh phúc của các thế hệ người dân từ bao đời nay.