Non nước Việt Nam

Tết ăn cơm mới “kin khẩu mấu” ở Cao Bằng

Cập nhật: 24/09/2020 10:36:50
Số lần đọc: 1307
Mỗi dân tộc có phong tục, tập quán ăn Tết riêng. Nhìn chung các dân tộc ít người có quan niệm theo đa thần, họ cho rằng các vị thần đều có tình cảm như con người, cũng vui buồn, giận hờn, yêu thương... Cúng thần là thể hiện lòng trung thành sẽ nhận được sự giúp đỡ, chở che trong cuộc sống. Trong các thần được tôn thờ thì Thần lúa không kém Thần nước, núi, cây, ruộng, nương rẫy là nơi thiêng liêng, hạt lúa được sinh ra từ đấy, là sản phẩm được các thần ban phát để nuôi sống con người.


Mâm cỗ mừng lúa mới của người Tày, Nùng. Ảnh: Khánh Huyền

Hằng năm, từ tiết khí thu phân trở đi, cộng đồng các dân tộc tổ chức “ăn cơm mới”. Không chỉ đồng bào các dân tộc ít người mới tổ chức Tết “ăn cơm mới”, dân tộc Kinh cũng tổ chức “ăn cơm mới” nhưng từng thời gian tổ chức khác nhau. Dân tộc Kinh ở vùng nông thôn ăn Tết Hạ Nguyên - Tết “ăn cơm mới” được tổ chức vào ngày mùng 1 hoặc ngày rằm tháng 10 âm lịch, đồng bào các dân tộc vùng Tây Nguyên, Tây Bắc tổ chức ăn sau mùa thu hoạch.

Đối với Cao Bằng, tổ chức Tết "ăn cơm mới" (kin khẩu mấư) vào tháng 8 âm lịch hằng năm. Nhiều làng, bản hằng năm vào ngày mùng 2 tháng 3 âm lịch tổ chức làm lễ cúng thần (Slấn), trong đó có một phần việc không kém phần quan trọng là phân công luân phiên nhau xuống giống, tạm dịch theo nghĩa (căm vằn) trước khi vào mùa vụ mới.

Phân công phần việc này có liên quan, tính toán đến người được phân công việc xuống mạ, cày cấy làm cho vụ lúa mùa kịp trổ bông hoặc chín vào tháng 8 âm lịch kịp phục vụ Tết cơm mới. Vì ngày xưa nông dân dùng giống lúa cũ, thời gian sinh trưởng đến khi cho thu hoạch dài ngày nên phải tính toán kỹ để lúa kịp trổ bông vào tháng 8 âm lịch phục vụ Tết “ăn cơm mới”.

Người Tày, Nùng có câu: “Đăm nà đăm vằn Dậu/Kin khẩu kin vằn Thìn”. Tạm dịch: “Cấy ruộng cấy ngày Dậu/Ăn cơm ăn ngày Thìn”. Theo quan niệm, Thìn - rồng là biểu tượng nước nên đồng bào các dân tộc chọn ngày Thìn đầu tháng 8 âm  lịch hằng năm làm ngày Tết “ăn cơm mới”, cảm ơn trời ban cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu.

Thông thường đa số nông dân ăn vào ngày Thìn, một làng, một vài làng hoặc cả vùng ăn cùng một ngày như 2 xã Lũng Nặm, Quý Quân (Hà Quảng), Nam Tuấn (Hòa An)… Tuy nhiên có một số xã ăn vào ngày Tuất như Chí Viễn (Trùng Khánh), Sơn Lộ (Bảo Lạc)...

Năm Canh Tý 2020, nông dân sẽ chọn Tết “ăn cơm mới” vào ngày 22/9 tức ngày Mậu Thìn - 6/8 âm lịch. Bữa cơm ăn vào chiều tối ngày hôm đó, ăn cơm mới không phải lấy gạo mới thu hoạch về nấu để ăn, mà từ sáng sớm vào ngày Thìn bà con ra đồng cắt lấy 5 bông lúa, vào vườn lấy khoảng 10 củ khoai sọ, 3 lá mướp xanh, ra suối nhặt 2 hòn đá nhỏ mang về nhà. Đến chiều tối khi nấu cơm, lấy khoai sọ vào nấu cùng, khi nồi cơm cạn nước lấy 5 bông lúa, 3 lá mướp vào miệng nồi cơm đậy vung lại.

Theo tục lệ xưa cho rằng, khoai sọ sẽ cho hạt gạo to như củ khoai sọ, cây lúa xanh lá như lá mướp, hạt to, dài như quả mướp, ngoài ra mướp để vào miệng nồi cơm còn có nghĩa là có rau cùng ăn từng bữa. Còn ở một số nơi, khi nồi cơm cạn nước đậy vung lại còn để 2 hòn đá suối đè lên trên vung nồi, tượng trưng cho hạt thóc chắc, nặng như đá.

Khi cơm chín lấy 5 bông lúa và lá mướp ra, để 3 bông treo lên bàn thờ, 2 bông treo lên gác bếp. Tết “ăn cơm mới”, nồi cơm không thể thiếu bông lúa, khoai sọ, lá mướp, còn thức ăn cần phải có món cá, ngoài ra còn có thịt gà, thịt lợn, rau củ quả…

Khi ngồi vào mâm cơm, người già nhất nhà gắp một miếng thịt, rau vào một bát con rồi đổ cho chó, mèo, lợn, gà ăn trước, sau đó người mới ăn. Theo tục lệ, các con vật ăn trước, nếu có ốm đau thì chuyển sự ốm đau đó cho các con vật thay chủ. Khi có khách thì nấu cho khách nồi cơm khác, không cho khách ăn cùng nồi, nếu cho khách ăn cùng thì vụ mùa đó có người ăn theo. Tục lệ này còn tồn tại trong lễ “ăn cơm mới” ngày nay.

Nguồn: Báo Cao Bằng

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT