Non nước Việt Nam

Người Tày Bó Củng giữ nếp nhà sàn

Cập nhật: 18/09/2020 10:40:16
Số lần đọc: 948
Thôn Bó Củng, xã Kim Bình (Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang) vinh dự là nơi diễn ra Đại hội II của Đảng (2 -1951). Nơi đây hiện có 145 hộ dân sinh sống, trong đó 50% là đồng bào Tày. Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, người Tày ở Bó Củng không chỉ cùng với nhân dân các dân tộc trong thôn tích cực xây dựng cuộc sống mới mà còn nỗ lực gìn giữ bản sắc vốn có của dân tộc Tày, đặc biệt là nếp nhà sàn.

Những căn nhà sàn truyền thống ở Bó Củng.

Đến thôn Bó Củng, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là những căn nhà sàn kiên cố được xây dựng quy củ, đẹp mắt. Trưởng thôn Đặng Thị Kim cho biết, được sự hỗ trợ của Nhà nước, đồng bào Tày nơi đây đã cải tạo những căn nhà sàn truyền thống để đáp ứng tiêu chí homestay. Hiện mỗi nhà có sức chứa khoảng 20-30 người. Một số nhà còn có khung cửi, đàn Tính để du khách tham quan, trải nghiệm.

Bước từng bước lên chiếc bậc cầu thang, chúng tôi cảm nhận rõ hơn về không gian văn hóa Tày thể hiện trong nếp nhà sàn. Bà Đào Thị Lê cho biết, theo quan niệm của người Tày, cầu thang là vật nối liền đất với sàn nhà nên người Tày quan niệm đó là chiếc cầu nối giữa âm và dương. Bậc thang lên xuống bao giờ cũng là số lẻ. Người Tày thường làm 9 bậc tượng trưng cho 9 vía của con người với quan niệm làm bậc thang là số lẻ thì gia đình sẽ làm ăn tấn tới, thuận lợi và gặp may mắn.

Đi qua cầu thang là đến cửa chính vào nhà. Nhà sàn lớn thường có 5 gian (3 gian, 2 chái), mỗi gian có một chức năng riêng biệt. Gian đầu là nơi chủ nhà tiếp khách; gian giữa để thờ cúng tổ tiên phù hộ cho gia đình được ấm no, hạnh phúc viên mãn; gian thứ tư thường là gian bếp chính có nhiệm vụ làm sáng cho ngôi nhà vì phần mái thường lợp sát với cửa sổ nên bên trong căn nhà rất tối; các gian phụ để giường ngủ, sinh hoạt, để thóc lúa... Tuy nhiên, để phù hợp làm homestay, gian chính giữa của ngôi nhà được thiết kế khá rộng, thoáng đãng. Đâu đó bên cửa sổ là chiếc đàn Tính được dựng ngay ngắn để du khách có thể tự tay gảy đàn tính Tẩu hay nghe đồng bào nơi đây ngân nga giai điệu then, cọi. Gầm sàn thay vì để các dụng cụ lao động, như cuốc xẻng, dao… bà con lại sử dụng để đón tiếp khách và giữ nghề đan cót truyền thống.

Bà Lê bảo, người Tày sống mộc mạc, giản dị và những nét văn hóa cũng hết sức dung dị, gần gũi với đời thường. Tất cả được thể hiện rõ trong nếp ăn, cách ở, lao động sản xuất… và hội tụ khá đầy đủ trong căn nhà sàn. Vì vậy, người Tày ở Bó Củng luôn có ý thức gìn giữ những nếp nhà sàn, để nếp nhà ấy trường tồn với thời gian.

Hải Yến

 

Nguồn: Báo Tuyên Quang

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT