Nghệ nhân trẻ và hành trình khôi phục con giống bột thất truyền
Nghệ nhân Đặng Văn Hậu tham gia Hội chợ quảng bá sản phẩm thủ công tại Hà Nội.
(Ảnh: NM)
Lớn lên cùng tò he...
Làng nghề tò he Xuân La ở xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên (Hà Nội) là nơi hội tụ nhiều nghệ nhân tài hoa. Nơi đây có những con người luôn say mê, tâm huyết với nghề nặn tò he.
Buổi sáng mùa thu, chúng tôi tìm gặp nghệ nhân trẻ, 34 tuổi, Đặng Văn Hậu, một người luôn say mê với nghề nặn tò he truyền thống. Nghệ nhân Đặng Văn Hậu sinh ra trong một gia đình có nhiều thế hệ gắn bó với nghề nặn tò he truyền thống ở Xuân La. Chính vì thế, anh được tiếp xúc với những con giống bột ngay từ khi còn nhỏ. Tuổi thơ anh Hậu gắn với những lần theo ông ngoại dự hội và xem ông tạo hình. Được ông chỉ dạy, lên 10 tuổi, anh Hậu đã cho ra đời những sản phẩm tò he đầu tay. Từ đó đến nay, bằng sự sáng tạo không ngừng nghỉ, anh đã cho ra đời nhiều sản phẩm tò he đạt giải cao trong các cuộc thi... Hình ảnh con gà, chị Hằng... làm từ cục bột sắc màu đã ăn sâu vào tiềm thức và trở thành một phần không thể thiếu đối với anh.
Anh Hậu vui vẻ kể: “Ông ngoại tôi nặn tò he rất giỏi, ngày bé, mỗi lần đi học về, tôi lại chạy sang nhà, đòi ông nặn tò he. Ông nhào bột, tạo hình các con vật nhiều màu sắc một cách điêu luyện làm tôi thích thú và say mê từ lúc nào không hay...”.
Mặc dù còn rất trẻ, thế nhưng anh Hậu đã có gần 20 năm gắn bó với nghề nặn tò he truyền thống. Anh thường nặn và bán tác phẩm tò he tại phố đi bộ Hồ Gươm (Hà Nội) hay các hội chợ trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, mỗi khi được mời đi biểu diễn, anh Hậu rất phấn khởi vì sản phẩm tò he nhận được sự quan tâm của nhiều người. Năm 2014, anh Đặng Văn Hậu vinh dự được UBND thành phố Hà Nội trao tặng danh hiệu “Nghệ nhân Hà Nội”.
Với mong muốn tiếp nối truyền thống, gìn giữ hồn cốt của làng nghề, từ nhiều năm trước, anh Hậu đã quyết định mở lớp dạy nặn tò he miễn phí cho các em nhỏ tại nhà. Là nghệ nhân trẻ nên anh có nhiều kinh nghiệm sáng tạo nghệ thuật tò he. Anh tận tình chỉ dạy học trò từ cách cầm bột ra sao, tạo hình khối nhân vật như thế nào. Vừa dạy, anh vừa kể những bài học sâu sắc ẩn chứa trong từng con giống bột.
Theo anh, nặn tò he không khó, quan trọng là tình yêu và tính kiên trì. Thành công của người nghệ sĩ là phải thổi hồn, tạo “thần thái” cho các nhân vật của mình. Tò he có hồn và thu hút người nhìn, phụ thuộc nhiều vào người sáng tạo. Tuy nhiên quá trình truyền dạy, anh cũng gặp không ít khó khăn bởi nếu không có sự rèn luyện thường xuyên thì các em nhỏ sẽ nhanh quên và không có được kỹ năng khi nặn tò he.
Hành trình khôi phục con giống bột thất truyền
Theo nghệ nhân Đặng Văn Hậu, việc gìn giữ và phát triển nghề nặn tò he truyền thống đã và đang đối diện với nhiều thách thức, nhất là sự “lên ngôi” của đồ chơi công nghệ. Nhưng bằng tình yêu và niềm say mê, anh quyết tâm theo nghề đến cùng. Năm 2017, anh may mắn khôi phục được nhiều mẫu con giống bột cổ xưa, dựa trên tiềm thức còn sót lại của nghệ sĩ Trịnh Bách cùng kỹ thuật điêu luyện của nghệ nhân tò he Đồng Xuân, Phạm Nguyệt Ánh.
Con giống bột là đồ chơi truyền thống của nhiều thế hệ trẻ em Việt Nam nhưng đã bị thất truyền từ lâu. Ở làng nghề tò he Xuân La ngày nay, nhiều người cũng không biết đến. Do đó, sự xuất hiện trở lại của những con giống mang phong cách Phú Xuyên (thôn Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội), Đồng Xuân (Hà Nội), Phố Khách (của người Hoa)... đã khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên và xúc động. Đến nay, toàn bộ hình ảnh con giống bột như: Nghê hý châu, sư tử hý cầu, cá vàng, bộ lục súc và con giống ở Huế... đã được anh Hậu phục hồi lại gần như đầy đủ.
Việc khôi phục hoàn toàn những con giống bột gặp nhiều khó khăn. Bởi hình ảnh của chúng chỉ còn sót lại trong trí nhớ của nghệ sĩ Trịnh Bách và một số ít tài liệu trên thế giới. Khác với tò he thông thường, nặn con giống bột không thể thiếu bộ dụng cụ như: kẹp, chiếc lược nhỏ... Với sự sáng tạo và bàn tay khéo léo, người nghệ nhân có thể tạo ra những con giống bột huyền thoại, đặc sắc đến từng chi tiết. Ở mỗi phong cách, con giống bột có sự khác biệt về chất liệu, màu sắc và kiểu mẫu. Anh Hậu tỉ mẩn, có những ngày anh chỉ chuyên tâm nặn một nhân vật. Thế nên, mỗi tác phẩm tò he ra đời đều chứa đựng tình yêu và tâm huyết. Bên cạnh đó, nhằm làm tăng “tuổi thọ” của sản phẩm, anh Hậu đã tìm tòi, nghiên cứu ra bột nặn mới, có thể chống mốc và bảo quản tò he lên đến 2 năm.
Thời điểm này khi Tết Trung thu đang đến gần, anh Hậu lại tất bật chuẩn bị cho ra các sản phẩm tò he để phục vụ người chơi. Năm nay, anh có cơ hội cộng tác với họa sĩ Cẩm Anh để thực hiện bộ sưu tập 6 nhân vật mang tên “Tích Trung thu”, được làm theo phong cách sáng tạo. Mỗi bản vẽ thiết kế đều được anh thử nghiệm nhiều lần mới cho ra sản phẩm hoàn hảo nhất. Ngày nào anh Hậu cũng di chuyển 30km từ Xuân La lên số nhà 51 phố Hàng Mã (Hà Nội) để hoàn thành các sản phẩm cho kịp tiến độ.
Anh Hậu chia sẻ: “Điểm khác biệt lớn nhất mà sản phẩm đồ chơi công nghệ không thay thế được đó là sự thoải mái, ngô nghê, hài hước và thân thuộc của tò he. Khi đưa con giống bột ra phố Hàng Mã, tôi cảm thấy rất bất ngờ khi sản phẩm được mọi người đón nhận nhiệt tình. Nhiều người lớn tuổi xúc động, du khách nước ngoài trầm trồ khi nhìn thấy hình ảnh con giống bột hiện hữu trên sạp hàng. Vì thế, năm nay tôi quyết định làm nhiều mẫu hơn để phục vụ người chơi”.
Xuất hiện trên phố Hàng Mã những ngày này, con giống bột khiến nhiều người yêu thích bởi vẻ đẹp mềm mại và dễ thương của chúng. Giá thành của những sản phẩm tò he dao động từ 25.000 đồng đến hàng triệu đồng. Những món đồ chơi đã gợi lại kỉ niệm thơ ấu của nhiều thế hệ. Anh Bùi Xuân Hòa, ở phố Hàng Mã (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ: “Con giống bột được trưng bày trên phố đã gợi lại trong tôi nhiều kỉ niệm, lâu lắm rồi tôi mới được chiêm ngưỡng những sản phẩm truyền thống tuyệt đẹp như thế. Ở đây có nhiều người nặn tò he nhưng để đạt đến độ tinh xảo và điêu luyện thì chỉ có sạp hàng của anh Hậu”.
Gần 20 năm gắn bó với nghề nặn tò he, nghệ nhân trẻ Đặng Văn Hậu đã có nhiều đóng góp quan trọng trong gìn giữ, giới thiệu, quảng bá và phát triển nghề truyền thống của quê hương. Giữa những món đồ chơi trung thu hiện đại, con giống bột mang vẻ đẹp giản dị nhưng không kém phần đặc sắc. Sự quan tâm, yêu mến của người chơi là thành quả xứng đáng cho quá trình nỗ lực không ngừng nghỉ của người nghệ nhân trẻ; đồng thời, cũng là động lực để anh tiếp tục hành trình khôi phục và khẳng định vị trí của những tác phẩm tò he truyền thống./.