Non nước Việt Nam

Đằm thắm điệu dân ca Soong hao ở Lục Ngạn (Bắc Giang)

Cập nhật: 29/09/2020 08:57:35
Số lần đọc: 840
Hát dân ca Soong hao, loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo được sáng tạo và lưu truyền trong đời sống người Nùng, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang). Từ lâu, dân ca Soong hao đã gắn bó mật thiết với đời sống tinh thần người dân và trở thành một mạch nguồn văn hóa ở đất này.


Mỗi mùa hội dân ca Soong Hao đã trở thành nhịp cầu văn hóa kết nối tình đoàn kết các dân tộc anh em ở huyện Lục Ngạn.

Huyện Lục Ngạn có 8 dân tộc anh em (Kinh, Tày, Nùng, Sán Chí, Sán Dìu, Hoa, Dao, Cao Lan) sinh sống đan xen, tạo nên sự giao thoa văn hoá đặc sắc. Nhiều loại hình văn hóa vật thể và phi vật thể ở đây còn được lưu giữ gần như nguyên vẹn, như: trang phục, phong tục, các làn điệu dân ca Soong hao, Sli, lượn, hát đối…

Các bản người Nùng ở xã Kiên Lao như bản Hà, Khuân Thần, An Toàn... thường nằm rải rác men theo những sườn đồi, núi thấp, nhà này cách nhà kia qua những thung lũng nhỏ, con suối hay vạt rừng. Đây cũng là nơi còn lưu truyền nhiều làn điệu dân ca Soong hao đằm thắm; không gian văn hóa Soong hao còn trải dài ở nhiều xã của huyện Lục Ngạn, như: Sơn Hải, Hộ Đáp, Cấm Sơn, Xa Lý, Phong Vân, Biên Sơn, Kim Sơn, Giáp Sơn…

Cái nôi của những điệu dân ca Soong hao

Thăm những bản làng người Nùng ở xã Kiên Lao, đi qua những con suối nhỏ chảy róc rách bên những nương lúa vào mùa chín rộ, giữa sắc xanh núi rừng, được nghe những điệu dân ca Soong hao mới thấy được nhịp cầu đôi lứa, lời tâm tình đưa duyên đằm thắm của các chàng trai cô gái người Nùng.

Nghệ nhân ưu tú Mạc Văn Đậu (huyện Lục Ngạn) - người hát dân ca Soong hao từ khi còn nhỏ cho hay: Tiếng Nùng, Soong hao nghĩa là hai ta, đôi ta, lối hát dân ca giao duyên của người Nùng đã có từ lâu đời, ví như cây cầu bắc mối lương duyên cho biết bao đôi trai gái đến với nhau, nảy nở tình yêu và kết đôi thành vợ chồng.

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, hát dân ca Soong hao không dùng nhạc đệm, nhưng vẫn hấp dẫn, đắm say và ngọt ngào. Các điệu chính là hát giao duyên, hát đám cưới và ngày thường. Cách thức thể hiện có hát đối đáp, hình tượng, so sánh, ví von, nhân cách hóa để truyền đạt những cung bậc cảm xúc giữa các thanh niên nam, nữ người Nùng khi tìm bạn, tìm người yêu hay bạn đời. Soong hao còn xuất hiện trong các hoạt động như lễ cưới hỏi, mừng nhà mới hay trong cuộc sống hàng ngày. Nội dung dân ca này đa dạng biểu đạt từ tình yêu hạnh phúc, đến ca ngợi, khuyên răn, chúc tụng đến phê phán thói hư tật xấu trong cuộc sống.

Dân ca Soong hao thể hiện tính cộng đồng cao nhất qua những Hội hát diễn ra vào dịp đầu xuân hay phiên chợ tháng Ba (âm lịch). Thu hút đông người nhất là các Hội vào ngày mùng 8 tháng Giêng, 18 tháng Hai (âm lịch), trùng với hội chợ Chũ, hội Từ Hả của tỉnh Bắc Giang.

Vào dịp này, từ sáng sớm đồng bào rộn rã rủ nhau đi hội, họ đi theo từng tốp nam hoặc nữ, tới đâu cũng gặp sắc màu chàm của bà con dân tộc Tày, Nùng, Sán Chí.  Màu chàm những chiếc khăn trên đầu thiếu nữ, của những tà áo thướt tha ngày hội. Gặp gỡ họ giao lưu với nhau bằng lời ca trữ tình ý nhị, chân thành, đằm thắm.

Nghệ nhân Vi Văn Tà, xã Sơn Hải, huyện Lục Ngạn đã dịch một số lời hát đối đáp nam nữ trong câu dân ca Soong hao từ tiếng Nùng sang tiếng Kinh: (Nam) Anh và em cùng xuống chợ rồi rủ nhau lên đồi tâm sự/ Cả năm vất vả, đôi ta chỉ có dịp này là thảnh thơi; (Nữ): Mặt trời khuất sau cánh rừng, đêm xuống rồi anh ơi/ Anh hãy kéo mặt trời lên đi, em sẽ đi cùng anh vui chơi. Những làn điệu Sloong hao cứ dập dìu kết nối tình thân kéo dài đến khi chiều tà họ mới ra về, có cuộc hát còn kéo dài theo những con đường dẫn về bản xa, nhiều đôi đã thành vợ thành chồng sau đó.

Bảo tồn và phát huy tinh hoa văn hóa của quê hương

Khảo sát xã Kiên Lao được biết, những năm 1970 hát Soong hao rất thịnh hành ở đất này, sau đó rơi vào lãng quên trong nhiều năm bởi khá nhiều lý do. Điều đáng mừng những năm 1990 trở lại đây, ý thức được giá trị lớn lao của loại hình dân ca này, nhận được chủ trương của tỉnh Bắc Giang và chính quyền địa phương phục hồi, phát huy các loại hình văn hóa truyền thống, xây dựng đời sống văn hóa mới, nhờ vậy tiếng hát dân ca Soong hao tìm lại vị thế của mình trong đời sống, xã hội.

Theo ông Đỗ Tuấn Khoa, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bắc Giang, hát Soong hao là một trong những di sản phi vật thể được tỉnh Bắc Giang quan tâm, chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền đến người dân. Ngoài ra, tỉnh còn tổ chức khôi phục các hội hát, lễ hội hát Soong hao đã bị mai một.

Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang đã triển khai Đề án “Bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa phi vật thể của đồng bào các dân tộc thiểu số năm 2010-2015, tầm nhìn 2020”. Qua đó, đã tổ chức nhiều lớp truyền dạy hát dân ca Soong hao; vinh danh nhiều nghệ nhân và tạo thuận lợi để họ trao truyền cho thế hệ trẻ; xuất bản ấn phẩm sách giới thiệu về dân ca Soong hao; nghiên cứu - tổ chức mô hình “Không gian văn hóa Soong hao” thu hút du khách tới tham quan trải nghiệm. Năm 1996, lần đầu tiên hội hát Soong hao được huyện Lục Ngạn tổ chức tại khu du lịch Khuôn Thần để khôi phục lại loại hình nghệ thuật đặc sắc của đồng bào Nùng ở Lục Ngạn.

Sau nhiều nỗ lực bảo tồn và phát triển tinh hoa văn hóa, đến nay hát dân ca Soong hao đã trở thành hoạt động truyền thống, được tổ chức hàng năm vào ngày 18 tháng Hai âm lịch ở huyện Lục Ngạn. Điều đó giúp những làn điệu dân ca Soong hao tiếp tục lan tỏa vẻ đẹp văn hóa của mình. Đồng thời góp phần cho bức tranh văn hóa của cộng đồng các dân tộc anh em ở tỉnh Bắc Giang thêm đa dạng và lung linh sắc màu./.

Nguồn: ĐCSVN

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT