Hành trang lữ khách

Độc đáo dáng đá Cù lao Câu (Bình Thuận)

Cập nhật: 02/07/2019 14:31:04
Số lần đọc: 1072
Tuy Phong - Bình Thuận thuộc vùng khí hậu rất khắc nghiệt, nắng gió quanh năm. Nhưng tạo hóa đã bù đắp cho mảnh đất này nhiều cảnh quan thiên nhiên kỳ thú. Ở đó, hòn đảo nhỏ Cù Lao Câu giữa biển sóng mênh mông như một kỳ quan đã kết tụ được những giá trị độc đáo và một không gian đầy thơ mộng.


(Dáng đá Cù lao Câu; Ảnh: Nguyên Vũ)

Từ bờ biển Phước Thể, thuyền hướng ra khơi mất khoảng 40 phút là đến Cù lao Câu. Đảo chỉ là một dải đá dựng đứng kéo dài chừng 1,5 cây số, nhìn xa liên tưởng đó là phần lưng của một thủy thần trong huyền thoại. Lô nhô những khối đá kết dính vào nhau, tạo nên một thành quách cổ xưa như để trấn giữ phong ba bão táp từ biển Đông có thể bất chợt đổ vào.

Có thể nói, chưa có quần thể nơi nào đủ hình dạng, sắc màu đem lại nhiều cảm xúc như ở đây. Nào tượng nữ thần sừng sững trông về dãy núi xa, nào cái nhìn đăm đắm vọng phu giữa bốn bề âm vang sóng biển. Đứng ở đâu cũng có thể nhận ra đàn chim hải âu ngoi đầu đón gió, rồi con hải cẩu, cá heo, sơn dương đang dáo dác tìm bầy nhưng đó là những khối đá im lìm muôn thuở trên đảo đá này. Khắp đảo không thể tìm ra bóng một cây lớn nhưng lại rất nhiều thảm lá xanh lùm bụi, cỏ dại đan xen vào tận ngõ ngách khe đá tốt tươi. Rau muống biển nở hoa sắc tím trên bãi cát mịn màng đang ấp yêu những mảnh vỏ sò, vỏ ốc còn lấp lánh bọt sóng nghe rào rạo bước chân.

Trên đảo phô diễn tài tình từ sự ngẫu hứng của thiên nhiên khá thú vị, đó là những bãi Tắm Tiên, bãi San Hô, bãi Cá Suốt, bãi Cấy, bãi Miếu… như tấm lụa mềm bằng cát trắng trải dưới chân những tảng đá lớn chụm đầu vào nhau có thể che được nắng mưa. Đường vào hang Tình yêu, hang Ba Hòn không mang vẻ bí ẩn ly kỳ nhưng lần theo vách đá sẽ cảm nhận được những bức tranh huyền ảo bởi nét đẹp phong rêu.

Cù Lao Câu với hàng hàng lớp lớp bởi những tảng đá dựng đứng, chen chúc nhau và nơi cao nhất so mặt biển không hơn 7 m, cho nên không thể có nguồn nước ngọt ở đây. Vậy mà Giếng Tiên chỉ là một lõm trũng sâu trên tảng đá lớn nhưng quanh năm tích tụ được mạch nước chảy trong vắt và ngọt ngào. Có chuyện kể giếng nước này trở thành “giếng ngự” của Vua Gia Long trên đường lánh nạn khi bị quân Tây Sơn truy đuổi. Đêm đêm những con rắn phò vương về đây nằm canh giữ để nguồn nước giếng được tinh khiết, trong lành.

Thời tiết thuận lợi nhất ra đảo Cù Lao Câu là sau tết nguyên đán, khi bắt đầu chuyển gió nam, sóng êm biển lặng. Đêm ở trên đảo rất thơ mộng bởi âm vang tiếng sóng ru và nhận ra mình đang đong đưa theo vầng trăng tháng ba vằng vặc. Nhìn về phía đất liền, lia thia ánh đèn tỏa sáng từ Cà Ná, Liên Hương, Bình Thạnh, La Gàn…mới thấy hòn đảo nhỏ này như một bến đậu buổi đầu của người xưa đi lập nghiệp. Đền thánh mẫu Thiên Y Ana, miếu thờ thần Nam Hải của ngư dân vùng biển tồn tại từ xưa nay và rằm tháng tư hàng năm là ngày hội cúng lễ. Ngồi trên gành đá, có thể thấy dưới đáy nước trong xanh từng đàn cá thong dong len lỏi qua rặng san hô đủ sắc màu. Dầm mình bơi lội trên sóng mới tận hưởng hết những cảm giác tuyệt vời của làn nước biển trong xanh dưới bầu trời lồng lộng mây trôi.
Địa danh Cù lao Câu còn gọi là Hòn Cau nghe thật chân quê của một thời.  Với vùng nước của hệ sinh thái biển nhiệt đới ổn định, đảo đá này trở thành nơi sinh trưởng các loài thủy sản rất phong phú. Không những có ý nghĩa là địa điểm mưu sinh của những ngư dân làm nghề truyền thống địa phương như tên gọi mà trong quy hoạch bảo tồn tiềm năng thiên nhiên, Cù lao Câu đã mở ra những loại hình mới về du lịch sinh thái biển sẽ làm cho những khối đá muôn đời gọi nhau thức dậy.

Nguồn: dulichbinhthuan.com.vn

Cùng chuyên mục