Non nước Việt Nam

Độc đáo lời ru của đồng bào dân tộc Tày ở Bắc Kạn

Cập nhật: 19/06/2023 14:05:08
Số lần đọc: 530
Đối với người Tày ở Bắc Kạn, hình ảnh các bà, mẹ vừa bế, bồng con, cháu trên tay vừa ngân nga điệu hát ru đã trở nên thân thuộc trong mọi gia đình có trẻ nhỏ từ xưa đến nay. Những lời hát ru của người dân nơi đây đã vượt qua khuôn khổ những lời dỗ trẻ ngủ trở thành nghệ thuật trình diễn dân gian độc đáo.


Những đứa trẻ được nghe mẹ hát ru khi theo mẹ đi làm. (Trong ảnh: Một phụ nữ ở xã Giáo Hiệu hát ru trẻ khi đi làm đồng). (Ảnh: Thu Trang)

Theo phong tục người Tày, sau khi em bé được đầy tháng tuổi, người mẹ hết thời gian ở cữ thì em bé đó mới được mẹ, bà bế ra ngoài đi chơi, được về thăm ông bà ngoại, đồng thời từ đây, mẹ của trẻ mới bắt đầu tham gia lao động sản xuất như những thành viên khác trong gia đình.

Kể từ thời gian này trở đi cho đến khoảng ba tháng tuổi, mỗi khi đến cữ trẻ ngủ thì người được giao nhiệm vụ trông thường bồng, bế ru ngủ trên tay hoặc đặt trẻ ru ngủ trong nôi. Khi bé đã tương đối cứng cáp, bắt đầu biết lẫy, biết bò thì mới địu trên lưng để ru ngủ, theo mẹ đi làm, đi xa.

Trên nhà sàn, trong không khí tĩnh lặng, yên bình, âm thanh kẽo kẹt của tiếng nôi đưa, thi thoảng điểm thêm tiếng vịt, tiếng gà kêu tìm bạn là câu hát ru êm dịu, khoan thai của mẹ như đồng hành với trẻ chìm trong giấc mơ đẹp về miền cổ tích.

Các công việc được mô tả trong khúc hát đều là những công việc thường ngày mà dường như người hát muốn nhắn nhủ em bé hãy lớn nhanh để đỡ đần cho mẹ và đó cũng là những công việc trong các gia đình người Tày thường dạy bảo, tập cho con, cháu mình làm từ nhỏ.

Cũng từ đó, nhiều trẻ em người Tày đã được lớn lên trên lưng mẹ, lưng bà gắn liền với những lời ru mộc mạc như vậy và được cả gia đình giáo dục tình yêu lao động từ rất sớm. Để khi lớn lên, nam nữ thanh niên người Tày có một nền tảng tri thức khá căn bản về lao động sản xuất, quan hệ xã hội trước khi lập gia đình.

Hát ru của người Tày Bắc Kạn đặc biệt tiêu biểu sâu lắng là của cộng đồng người Tày ở xã Giáo Hiệu, huyện Pác Nặm. Ngoài việc giúp cho trẻ có giấc ngủ sâu còn là sợi dây gắn kết tình cảm, tình yêu thương giữa người mẹ, người chị, người bà với con trẻ.

Trong đời sống văn hóa Tày, tiếng ru được cất lên bất kỳ đâu, từ không gian trong nhà đến ngoài trời. Ngay cả khi đi nương, đi rẫy, bẻ ngô, xuống đồng, lời ru ngọt ngào vẫn theo chân các bà, các chị. Tiếng ạ ời như dòng sữa nuôi dưỡng tâm hồn những đứa trẻ.

Trưởng Phòng Văn hóa thông tin huyện Pác Nặm Nguyễn Anh Tuấn cho biết, nội dung các bài hát ru của người Tày thường là những câu chuyện kể về sinh hoạt thường nhật. Ở đó luôn có sự hiện diện của một vài thứ quà quê cho những đứa trẻ chăm ngoan. Có thể chỉ là con muồm muỗm, con chim nhỏ hay trái dưa nương… nhưng lại là sự biểu hiện sâu sắc tình yêu thương của người lớn dành cho những đứa trẻ.

Thí dụ, như: “Ứ, ứ noọng nòn, nòn đắc, nòn đí/ Nòn tắng pí pây rẩy au qua/ Nòn tắng mé pây nà au luồm/ Luồm noọng đảy slong boóc/ Nộc choóc đảy slong tua/ Tua nớng pây nhọm mây/ Tua nớng dú đăng phầy hẩư mé”. Tạm dịch là: “Ứ, ứ em ngủ, ngủ cho say/ Ngủ đợi chị đi rẫy thu dưa/ Ngủ đợi mé (mẹ) ruộng thưa bắt muỗm/ Muỗm bắt được hai ống/ Chim bắt được hai con/ Một con đi nhuộm vải/ Con còn lại ngồi đun bếp giúp mẹ…”.

Bà Ma Thị Châm, thôn Cốc Lào, xã Giáo Hiệu chia sẻ, những bài hát ru thường là những bài có vần nhịp giống thơ thất ngôn. Nội dung thì phong phú, cũng chẳng ai dạy, nghe nhiều từ bé mà thấm, thành quen, thành thân thuộc và rồi khi nựng trẻ thì những âm điệu, những lời ru từ đâu cứ vậy kéo về mà hát.

Những lời ru đầu tiên trẻ được nghe là trong lễ đầy tháng tuổi của mình. Những lời ru đó là của người thân hai bên gia đình nội, ngoại mang tính chất, nội dung cầu, chúc cháu bé sự bình an, hay ăn chóng lớn chứ không nhằm mục đích để dỗ ngủ như hát ru thông thường.

Bà Hoàng Thị Mỵ, thôn Khuổi Lè, xã Giáo Hiệu (Pác Nặm) truyền dạy hát ru cho lớp trẻ. (Ảnh: Thu Trang)

Tùy vào khả năng của mình, trên cơ sở lối hát ru truyền thống, người hát có thể thêm vào phần lời mới do mình tự sáng tác thêm để lời hát có ý nghĩa, truyền tải được tình cảm của cá nhân gửi gắm trong đó đến với trẻ cũng như họ hàng, thông gia hai bên gia đình. Làm nên đặc sắc, đặc trưng cho lối hát ru của người Tày ở Bắc Kạn là những lời ru thường ngày của các: mẹ, bà, bố, ông, anh, chị...

Đã có thời gian, những điệu hát ru độc đáo này có nguy cơ mai một. Tuy nhiên, khoảng hai năm gần đây, hát ru đã bắt đầu trở lại trong đời sống văn hóa tinh thần của người Tày. Đặc biệt, ở xã Giáo Hiệu đã có những nghệ nhân như bà Hoàng Thị Mỵ, thôn Khuổi Lè đã tự nguyện đứng ra truyền dạy hát ru cho lớp trẻ.

Với những giá trị quý báu đó, ngày 1/6, hát ru của người Tày ở xã Giáo Hiệu đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Tuấn Sơn

Nguồn: Báo Nhân dân - nhandan.vn - Đăng ngày 19/06/2023

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT