Độc đáo nền “Văn hóa Hòa Bình”
Di tích quốc gia đặc biệt mái đá làng Vành, xã Yên Phú (Lạc Sơn) được người dân quan tâm bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, môi trường.
Khám phá di tích hang xóm Trại và mái đá làng Vành
Đã có không ít lần đến di tích hang xóm Trại, xã Tân Lập nhưng lần nào cũng để lại cho chúng tôi ấn tượng đậm nét. Hang xóm Trại nằm trong một quả núi đá vôi độc lập trên độ cao 15m so với mặt thung lũng, cửa hang rộng 8m, mở về hướng Đông hơi chếch Bắc 600. Hang ăn sâu vào hơn 13m, cửa hang cao 10m. Hang có phần cửa và khoảng giữa lòng hang rộng bằng nhau tạo thành hình vòng cung khá đẹp. Trong hang sáng, thoáng đãng, ánh sáng có thể lọt vào tận đáy hang. Từ phía ngoài vào cách cửa hang 5m có một khối đá vôi lớn chắn ở giữa, đây là khối thạch nhũ rơi từ trên cao xuống, có thể cùng với giai đoạn đá rơi ở khu vực Đông Nam Á cách ngày nay khoảng 12.000 - 8.000 năm. Di tích hang chứa tàn tích thức ăn của người cổ, chủ yếu là các loại ốc suối, ốc núi. Kết quả thống kê ở hang xóm Trại có trên 30 nghìn vỏ/m3 trầm tích. Trong tầng văn hóa của hang, các nhà khảo cổ đã phát hiện một số lượng đáng kể xương cốt các loài động vật như khỉ, nhím, dúi, gấu ngựa, mèo rừng, lửng lợn, cầy giông, cầy hương, lợn rừng, bò rừng, nai, cheo cheo, tê giác... Những kết quả phân tích cổ động vật cho thấy, đây là di cốt của các loài vật sinh sống trong môi trường tự nhiên xung quanh mà người cổ xóm Trại săn bắt mang về làm thức ăn. Trong di tích hang, ngoài các hiện vật bằng đá, xương, sừng, gốm còn thu được khá nhiều tàn tích các vỏ nhuyễn thể. Kết quả thống kê đã tìm thấy các mảnh vỏ trấu, thóc và một số hạt gạo cháy dở nằm ở độ sâu từ 0 - 80cm trong tầng văn hóa, đây có thể là nhóm di vật thuộc vào các giai đoạn muộn sau này. Hang xóm Trại được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia năm 2001.
Cách di tích hang xóm Trại không xa là di tích khảo cổ quốc gia mái đá làng Vành nằm ở chân núi đá Trắng, thuộc địa phận làng Vành, xã Yên Phú. Đây là một mái đá khá rộng và thoáng mát, cửa rộng 30m, sâu 18m, vòm trần cao 10m, thấp dần về phía trong. Mặt bằng mái đá cao hơn mặt thung lũng xung quanh khoảng 5m. Toàn bộ phần có vết tích tầng văn hoá được chiếu sáng tự nhiên, cửa quay về hướng Tây Nam. Di chỉ được nhà khảo cổ học người Pháp M.Colani phát hiện, khai quật năm 1929 và đặt tên là mái đá làng Vành. Di tích đã được nhiều đoàn công tác từ Trung ương đến địa phương về khảo sát. Trong các đợt khai quật ở di tích mái đá làng Vành đã phát hiện tầng văn hoá dày 3,7m, chủ yếu được cấu tạo bằng vỏ ốc suối, ốc ruộng, ốc núi, đất sét vôi, một số than tro và các vỏ nhuyễn thể khác. Trong tầng văn hóa này có chứa tổ hợp hiện vật đá, xương và một số đồ gốm, bếp lửa, cụm đá tảng được kê có ý thức, xương động vật và vỏ ốc, hiện vật đồ đá, đồ gốm, công cụ xương, sừng, di cốt người, động vật... Mái đá làng Vành được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia năm 2003.
Là người con sinh ra và lớn lên ở làng Vành, đồng chí Bùi Văn Tưởng, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Phú chia sẻ: Từ nhỏ tôi cùng chúng bạn thường lên mái đá làng Vành chơi. Trong lòng hang có rất nhiều vỏ ốc nên người dân ở đây thường gọi là hang ốc. Sau này, khi biết được giá trị của di tích, người dân quan tâm gìn giữ, bảo vệ cảnh quan, giữ rừng nguyên sinh, đến nay tại khu vực rừng tự nhiên vẫn có khỉ vàng sinh sống.
Nâng tầm giá trị di tích
Với những giá trị rất đáng trân trọng, 2 di tích khảo cổ học cấp quốc gia VHHB hang xóm Trại và mái đá làng Vành được Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long ký Quyết định số 694/QĐ-TTg, ngày 18/7/2024 xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Khi biết tin 2 di tích được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt, người dân nơi đây rất phấn khởi, mong muốn các di tích được lan tỏa giá trị để nhiều bạn bè trong và ngoài nước biết đến, góp phần bảo tồn, phát huy di sản trên địa bàn.
Đồng chí Bùi Văn Hùng, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Lạc Sơn chia sẻ: Là địa phương có 2 di tích khảo cổ học cấp quốc gia đại diện cho nền VHHB thời kỳ tiền sử, công tác quản lý, bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị của di tích luôn được huyện quan tâm; chỉ đạo, ban hành các quy định, thành lập ban quản lý di tích từ huyện đến cơ sở. Hiện nay, việc bảo vệ nguyên trạng khu di tích tại khu vực I của 2 di tích được thực hiện nghiêm; việc trùng tu, tôn tạo di tích đúng quy định; hoạt động khai thác, phát huy giá trị của di tích từng bước được triển khai. Công tác tuyên truyền về ý nghĩa, giá trị của di tích đến toàn thể người dân được đẩy mạnh, tạo sự đồng tình, ủng hộ, tích cực hưởng ứng tham gia bảo vệ cảnh quan môi trường di tích; công tác xúc tiến du lịch, tham quan, học tập và nghiên cứu khoa học được chú trọng.
Trong thời gian tới, để khai thác, phát huy giá trị của 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt, huyện tiếp tục thực hiện nghiêm công tác quản lý, bảo vệ di tích theo Luật Di sản văn hóa; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hướng dẫn 2 xã Tân Lập, Yên Phú thành lập, kiện toàn Ban quản lý khu di tích; xây dựng chính sách phù hợp để động viên, khuyến khích, tạo điều kiện cho nhân dân, các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động bảo vệ di tích, đặc biệt là gắn với phát triển du lịch. Bổ sung điều chỉnh quy hoạch nông thôn mới tại 2 xã, rà soát kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030 để triển khai quy hoạch chi tiết các hạng mục công trình phụ trợ tại khu vực II của 2 di tích nhằm mục tiêu khai thác, phát triển du lịch; quy hoạch mở mới hệ thống đường giao thông, kết nối các đường giao thông trục chính với 2 di tích, các điểm thương mại dịch vụ, khu du lịch nghỉ dưỡng khác trên địa bàn huyện.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư du lịch; nâng cao chất lượng dịch vụ các sản phẩm văn hóa, hàng hóa nông sản OCOP, từng bước cơ bản đáp ứng nhu cầu thụ hưởng các giá trị văn hóa của nhân dân trên địa bàn. Đồng thời tham mưu đề xuất theo thẩm quyền phân cấp về quản lý, đầu tư tôn tạo đối với 2 di tích, phấn đấu để trở thành một địa chỉ trong bản đồ du lịch của tỉnh, của quốc gia và khu vực trong lĩnh vực tham quan, nghiên cứu của du khách trong và ngoài nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
(Còn nữa)
Hương Lan