Non nước Việt Nam

Độc đáo nghề đan lát truyền thống của người Dao Đỏ

Cập nhật: 04/05/2020 09:37:40
Số lần đọc: 1916
Ngoài các món ẩm thực độc đáo, bộ trang phục truyền thống rực rỡ sắc màu cùng những làn điệu dân ca làm xao xuyến lòng người, từ cây trúc sào, người Dao Đỏ xã Yên Lạc (Nguyên Bình) tạo nên các sản phẩm đan lát đặc sắc, tinh tế, bền chắc, phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày và sản xuất nông nghiệp.


Người Dao Đỏ duy trì nghề đan lát truyền thống.

Từ xa xưa, cuộc sống của người Dao gắn liền với nương rẫy nên cần nhiều nông cụ phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Cùng với các loại hình văn hóa truyền thống khác, nghề đan lát của người Dao Đỏ có từ lâu đời, đến nay người dân nơi đây còn lưu giữ, tạo nên nét đặc sắc riêng biệt. Anh Hoàng Chàn On, xóm Tàn Pàn chia sẻ: Theo quan niệm, trong gia đình của người Dao, đan lát là việc của đàn ông. Do đó, từ lúc còn nhỏ, tôi được ông nội và bố dạy cách đan các vật dụng trong gia đình từ đồ vật đơn giản đến phức tạp.

Nguyên liệu chính dùng để đan lát là cây trúc sào, tùy từng sản phẩm đan mà lựa chọn trúc cho phù hợp. Tuy nhiên, người đan chọn cây trúc từ 1 năm tuổi trở lên, bởi cây non quá sẽ bị giòn, gãy. Khi chọn trúc chú ý chọn những cây thẳng đều, dài, không lấy cây bị gãy, cụt ngọn, bị sâu... để khi đan không phải nối nhiều đoạn. Trúc sau khi đem từ rừng về phải bảo quản cẩn thận.

Sau khi chọn được nguyên liệu đủ tiêu chuẩn, cắt trúc thành đoạn theo từng sản phẩm đan, tiếp đến là công đoạn chẻ, chuốt nan. Dao vót nan không được cùn cũng không quá sắc, chẻ nan mỏng hay dày tuỳ thuộc vào sản phẩm đan, sau khi chẻ, chuốt nan sao cho có độ mềm, nhẵn, đều để khi đan các nan khít vào nhau và không tạo ra kẽ hở thì sản phẩm mới bền, đẹp. Đan lát đòi hỏi đôi tay khéo léo, cẩn thận, tỉ mỉ, tùy từng loại sản phẩm mà người đan sử dụng kỹ thuật đan khác nhau.

Nếu đan mẹt, gùi thì đan theo kiểu cài nong đôi, nong ba; nếu đan chiếu thì đan kiểu cài nong bảy, nong tám; cùng với đó kết hợp lối kết nan, quấn nan rất phức tạp, tạo ra nhiều hoa văn trang trí khác nhau. Trong các sản phẩm đan lát của người Dao, tiêu biểu nhất là đan mẹt, bởi mẹt đòi hỏi kỹ thuật đan phức tạp, muốn tạo một hoa văn như ý trên chiếc mẹt, người đan phải đếm từng nan thành hình hoa, rồi để giữ lại các mép đường cong hoa văn phải cài nan khéo léo cho chiếc mẹt bền đẹp, không bị bật ra. Để hoàn thiện một sản phẩm đan lát bền đẹp mất ít nhất 1 - 3 ngày, sau khi hoàn thiện, nếu như chưa sử dụng thì cất sản phẩm trên bếp để hun khói, giúp đồ vật bền hơn, tránh mối mọt.

Chủ tịch UBND xã Yên Lạc Hoàng Chàn Sơn cho biết: Hiện nay, người Dao ở Yên Lạc truyền dạy cho nhau cách đan lát vật dụng từ trúc nhưng người biết đan lát giỏi ở trong bản, xã chủ yếu là người lớn tuổi, người trẻ không hứng thú vì bây giờ có thể mua các vật dụng bằng nhựa, inox, nhôm ở chợ vừa rẻ, đẹp, lại đa dạng. Các vật dụng chủ yếu dùng để phục vụ nhu cầu của gia đình chứ không bán được nhiều như trước đây. Dù vậy, đan lát luôn là niềm tự hào của người Dao Đỏ bởi đây là nghề truyền thống của cha ông để lại, là nghề đã gắn bó lâu đời trên mảnh đất này.

Có thể nói, qua mỗi sản phẩm đan lát, người Dao Đỏ đều thể hiện tình cảm, dấu ấn văn hóa trong đời sống sinh hoạt, sản xuất vào từng sản phẩm. Nét đẹp văn hóa truyền thống luôn được đồng bào Dao Đỏ nơi đây gìn giữ, để bản sắc văn hóa không bị mai một theo thời gian./.

Nguồn: Báo Cao Bằng

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT