Non nước Việt Nam

Làng trầu Vị Thủy (Hậu Giang)

Cập nhật: 14/05/2020 08:28:17
Số lần đọc: 1103
Sau hàng chục năm phát triển, vườn trầu Vị Thủy, xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang, được công nhận làng nghề truyền thống. Từ đó, mở ra cơ hội phát triển mới cho làng nghề.

 


Nếu được quan tâm đầu tư, làng trầu Vị Thủy sẽ là điểm tham quan hấp dẫn.

Sung túc nhờ cây trầu

Nghề trồng trầu tại Vị Thủy có quá trình hình thành và phát triển lâu đời, gắn liền với tên gọi của địa phương. Ở làng trầu Vị Thủy, bà Phan Thị Năm (80 tuổi) được xem là người có công khởi xướng mô hình để tạo nên một làng trầu độc đáo như hiện nay. Bà Năm kể, năm bà 19 tuổi, cha bà thường ăn trầu trong khi lúc này chiến tranh loạn lạc, tìm mua trầu rất khó, giá cả lại mắc nên bà quyết tâm tìm giống trầu về trồng cho cha ăn. “Ban đầu tôi chỉ mua một dây trầu về trồng, chủ yếu để cha ăn hằng ngày. Nhưng có lẽ hợp thổ nhưỡng nên trầu rất tốt, cứ thế tôi gầy ra thành nhiều nọc. Rồi bà con trong xóm xin giống, tôi cho về trồng cũng chủ yếu để phục vụ những người lớn tuổi hay ăn trầu. Trầu trồng nhiều, lại ngon, lá đẹp nên rất nhiều người tìm đến mua về phục vụ những dịp cưới hỏi, rồi bà con mang bán vào dịp Tết, cũng có đồng vô đồng ra. Cứ thế đến giờ thành làng nghề trồng trầu lúc nào không hay”- bà Năm nói.

Ông Nguyễn Văn Đời, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Trầu Vàng, xã Vị Thủy, cho biết, tuy có truyền thống lâu đời nhưng cây trầu thật sự phát triển mạnh tại địa phương từ những năm 1990. Từ đó về sau, cây trầu bắt đầu mang lại thu nhập cao nên nhiều hộ tham gia trồng, diện tích trồng trầu cứ thế được mở rộng. Nhiều hộ đã cải tạo vườn tạp xung quanh nhà để trồng trầu. “Như tôi, hơn 30 năm trước, khi đi bộ đội về làm đủ nghề nhưng cuộc sống khá vất vả. Thấy bà con trong xóm trồng trầu có thu nhập nên tôi tận dụng đất quanh nhà, xin giống về trồng, nhân ra dần, giờ có hơn 2.500 nọc. Nhờ cây trầu mà tôi có tiền cất nhà, nuôi 2 con ăn học và mua thêm đất” - ông Đời nói.

Theo bà con nông dân tại Vị Thủy, cây trầu dễ trồng, lớn nhanh và nhẹ công chăm sóc. Đặc biệt trầu chỉ ưa các loại phân hữu cơ chứ không thích hợp các loại phân hóa học. Bón phân hữu cơ, lá trầu thon thả và có màu xanh óng đượm chút vàng, trông đẹp mắt. Riêng nọc trầu được làm bằng cây tràm, vì vỏ tràm tạo điều kiện cho rễ dây trầu bám và phát triển tốt. Trầu Vị Thủy là trầu vàng, hương vị cay nồng được nhiều người ưa thích. Sau 3-4 tháng xuống giống, dây trầu sẽ bắt đầu cho lá, cứ thế khoảng 10 ngày hái 1 lần, thương lái đến tận nhà thu mua, chở đi giao lại cho bạn hàng khắp nơi.

Có thể nói, sau hàng chục năm hình thành và phát triển, cây trầu đã giúp rất nhiều hộ dân tại Vị Thủy thoát nghèo vươn lên khá giả. Còn với những người như bà Năm, ông Đời, cây trầu mang đến cho họ rất nhiều thứ mà không cây trồng nào ở địa phương có thể so sánh được. Như bà Năm, hơn 60 năm theo nghề trồng trầu, từ một người không đất đai, giờ bà có vườn trầu với hơn 1.000 nọc. Cũng nhờ cây trầu mà bà có thể nuôi 4 con ăn học thành tài, mua thêm được gần 20 công đất. Ngoài ra, cây trầu còn tạo thêm việc làm cho lao động địa phương. Ông Trần Chí Hiếu, cán bộ khuyến nông xã Vị Thủy, cho biết: Trung bình để chăm sóc 1ha trầu, đòi hỏi 3-5 lao động làm việc liên tục để tưới nước, bón phân, cắt cành, tỉa lá bệnh... Khi thu hoạch diễn ra liên tục 4-5, cần 15-20 người hái trầu và sắp xếp lá trầu trước khi đem đi tiêu thụ. “Cây trầu là loại cây đặc biệt được sử dụng cho mục đích ăn lá tươi và làm lễ vật trong các phong tục cưới hỏi, nên sản phẩm tiêu thụ chủ yếu hiện nay là lá trầu tươi, một số sản phẩm phụ khác nhưng không đáng kể như củi khô, trầu làm giống. Với giá thu mua từ 2.500-3.500 đồng/ốp, trung bình 1.000m2 trầu cho thu nhập ổn định 100 triệu đồng/năm, gấp nhiều lần so với trồng lúa” - ông Hiếu nói.

Hướng phát triển mới cho làng nghề

Hiện nay, toàn huyện Vị Thủy có gần 40ha trầu, trong đó chỉ riêng xã Vị Thủy đã có gần 200 vườn trầu với tổng diện tích trên 32,5ha. Ông Trần Chí Hiếu cho biết, việc chăm sóc, thu hoạch và thu nhập từ cây trầu đã giúp người dân nơi đây “sống được” so với nhiều cây trồng khác. Tuy nhiên, do đây là nghề đặc thù, thị trường tiêu thụ đòi hỏi có sự khác biệt nên phần nào hạn chế sự phát triển của làng nghề. Đặc biệt gần đây, khi dịch COVID-19 bùng phát, giá trầu liên tục giảm. Ông Nguyễn Văn Đời cho biết, hiện thương lái thu mua trầu lá tại vườn chỉ còn 1.500-2.000 đồng/ốp (ốp có 40 lá trầu), giảm 1.000-2.000 đồng/ốp so với cùng kỳ. Cùng với giá bán thấp, bà con còn gặp khó khăn trong tiêu thụ vì thương lái giảm sản lượng thu mua do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Thông thường cách khoảng 10-15 ngày là nông dân tiến hành hái lá trầu bán 1 lần, còn giờ phải đợi đến gần 1 tháng nhưng có khi phải chia ra nhiều đợt hái trên cùng diện tích, từ đó dẫn đến lá trầu bị hao hụt nhiều do quá ngày hái.

Mới đây, tại ấp 5, xã Vị Thủy đã diễn ra buổi công bố quyết định công nhận làng trồng trầu ở Vị Thủy đạt chuẩn làng nghề truyền thống của tỉnh. Chính việc công nhận làng nghề sẽ mở ra cơ hội để những người trồng trầu tại địa phương tham gia HTX, cùng liên kết sản xuất, tìm đầu ra ổn định cho cây trồng này. Theo ông Đặng Ngọc Giao, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, việc nghề trồng trầu ở Vị Thủy được công nhận đạt chuẩn nghề truyền thống sẽ góp phần nâng cao việc tổ chức sản xuất cũng như cuộc sống người dân gắn bó với cây trầu tại địa phương. Đây là cơ sở bước đầu để làng trầu phát triển thành điểm du lịch nông nghiệp, thu hút du khách, góp phần giữ gìn làng trầu đã tồn tại hàng chục năm qua.

Hiện nay, làng trầu tại huyện Vị Thủy được xem là nơi có diện tích trồng trầu lớn nhất vùng ĐBSCL. Hơn nữa, trầu gắn liền với nét đẹp văn hóa truyền thống và đang được cư dân nơi đây gìn giữ. Trước những khó khăn hiện nay, nghề trồng trầu cần tìm một hướng đi mới, bảo đảm bền vững hơn. “Những năm gần đây, đầu ra và giá trầu ổn định nên cuộc sống của người trồng trầu được cải thiện. Nhưng thực tế khả năng tiêu thụ trầu của địa phương vẫn còn phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái. Khi thương lái cần, họ sẽ thông báo số lượng để chủ vườn hái rồi họ ra giá, đến thu mua. Người trồng trầu bị động hoàn toàn về đầu ra. Giá trầu lá đang ở mức thấp nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây, với giá bán như hiện nay thì người trồng trầu không có lời. Vấn đề khó khăn của bà con trồng trầu hiện nay là tuy diện tích trồng tương đối nhiều nhưng chỉ phụ thuộc vào một vài thương lái thu mua tại địa phương. Chính vì vậy, khi thị trường biến động, bà con chỉ biết ngồi chờ và giá bán cao hay thấp do thương lái quyết định. Nhằm đa dạng thị trường đầu ra cho lá trầu trong thời gian tới, HTX tìm đến một số đơn vị đang nghiên cứu chiết xuất tinh dầu từ lá trầu, cũng như dùng lá trầu làm thuốc nam trị bệnh hay dùng làm thuốc hữu cơ trong phòng trị sâu bệnh trên rau màu... Đặc biệt, cần đầu tư hạ tầng giao thông, thủy lợi cũng như hỗ trợ vốn sản xuất để đầu tư phát triển vườn trầu trở thành điểm du lịch. Nếu thành công, sẽ mở ra cơ hội mới cho nhiều hộ đang gắn bó với nghề truyền thống này” - ông Đời nói.

Nguồn: Báo Cần Thơ

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT