Trải nghiệm làm nón lá ở Yên Tử
Những chiếc nón lá dần được tạo hình.
Chiếc nón lá của người Việt xuất hiện từ lâu đời. Nghề làm nón có từ bao giờ cũng không ai biết rõ. Ở nước ta có nhiều làng nghề làm nón truyền thống như: Nón Chuông Thanh Oai (Hà Nội), nón Trường Giang (Nông Cống, Thanh Hóa), nón bài thơ Phú Vang (Thừa Thiên Huế), nón ngựa Gò Găng (Bình Định), nón Quế Minh Quế Sơn (Quảng Nam).
Có chiếc nón đã được nhắc đến trên trống đồng Đông Sơn, trống đồng Ngọc Lũ, thạp đồng Đào Thịnh; trong lịch sử như nón Ma Lôi gắn với cuộc đời và sự nghiệp của danh tướng Trần Khánh Dư ở Thương cảng Vân Đồn.
Ở Vân Đồn, ngoài tài năng quân sự, Trần Khánh Dư còn thể hiện tư chất của một thương nhân rất thành thạo nghề buôn. Qua các nguồn sử liệu, có thể coi ông là một quý tộc có tư duy thương nghiệp điển hình nhất thời Trần.
Khi quân Nguyên thường xuyên cử nội gián thâm nhập và do thám tình hình nước ta qua hình thức giao thương, Trần Khánh Dư đưa ra mệnh lệnh bắt buộc người dân trong vùng phải đội nón Ma Lôi, không dùng nón của ngoại bang. Từ đây, những chiếc nón bán rất chạy không chỉ cho dân vùng Vân Đồn mà còn cho nhiều thương nhân nơi khác. Việc này cũng đã tạo điều kiện kích thích sản xuất phát triển ở làng nghề nón truyền thống Ma Lôi ở Hồng Lộ (Hải Dương ngày nay).
Theo nghệ nhân Phạm Thanh Lương, xã Thượng Yên Công (TP Uông Bí), để làm được chiếc nón lá truyền thống người nghệ nhân phải trải qua 3 bước cơ bản sau: Thứ nhất là chuẩn bị nguyên vật liệu tre để làm khung nón, lá cọ được phơi khô, kéo kim chỉ dây thun.
Nón được đan 2 lớp lá bên trong và bên ngoài.
Tiếp đến là công đoạn tạo hình chiếc nón gồm có quấn vòng nón, đo cắt lá, khâu nón và làm vành nón. Thông thường chiếc nón có 8 vòng được chia ra làm 6 vòng chính và 2 vòng phụ. Khi quấn vòng chiếc nón, nghệ nhân sẽ làm lần lượt từ vòng lớn nhất đến vòng bé nhất rồi lấy dây buộc cố định. Sau đó thì đo lá và cắt lá theo kích cỡ chiếc nón. Vừa cắt lá vừa phải nhúng vào chậu nước để lá mềm ra, không bị rách.
Khi đã cắt xong lá thì xếp lá theo từng lớp, sao cho lớp lá thứ nhất phải so le nhau và phủ hết toàn bộ khuôn nón. Thế rồi nghệ nhân dùng một miếng giấy nhỏ lót lên đỉnh chóp nón và chèn lại. Sau đó xếp lớp lá thứ hai ở bên ngoài so le tương tự như bên trong, xếp lá để gân xanh quay ra ngoài tạo thêm giá trị thẩm mỹ cho chiếc nón. Khi đã lót xong 2 lớp lá, nghệ nhân sẽ chằng cố định 4 góc nón để cho lá không bị xô lệch nếu có sự va đập.
Tiếp đến, nghệ nhân sẽ khâu nón và làm chóp. Mũi kim khâu sẽ đi từ vòng thứ 3 ở giữa chiếc nón xuống để cố định cho nón không bị xô lệch rồi mới đi lên khâu 2 vòng bên trên và khâu chóp nón. Khâu nón xong thì sẽ làm vành. Vành nón thường làm bằng cây dương xỉ và 2 nan tre mỏng. Cây dương xỉ ở giữa rồi kẹp hai nan tre hai bên rồi khâu lại. Công đoạn cuối cùng là hoàn thiện nón.
Người nghệ nhân dùng kéo cắt những nút chỉ thừa, chỉnh lại những chỗ chưa ưng ý và buộc quai nón. Có thể trang trí nón bằng những miếng giấy in sẵn các họa tiết rồi khâu lại hoặc trực tiếp vẽ tay lên trên nón. Nón lá ở Yên Tử còn được thêu vào những họa tiết, những bức tranh hoặc dòng chữ liên quan đến Phật hoàng Trần Nhân Tông, thiền phái Trúc Lâm Yên Tử để làm quà lưu niệm độc đáo cho du khách.
Ông Lê Trọng Thanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển Tùng Lâm, cho biết: Việc đưa trải nghiệm làm nón lá truyền thống về Làng hành hương Yên Tử không chỉ tạo ra một sản phẩm du lịch mới mà còn góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc. Chúng tôi muốn phát huy tinh thần của chiếc nón Ma Lôi đời Trần, tinh thần tự tôn dân tộc, người Việt dùng hàng Việt của danh tướng Trần Khánh Dư ở Thương cảng Vân Đồn năm xưa./.