Nghề đúc đồng làng Chè - Trà Đông (Thanh Hóa) - sản phẩm của những nghệ nhân tài hoa
Về nguyên liệu và kỹ thuật, các nghệ nhân của làng nghề đúc đồng đều thực hiện các công đoạn chủ yếu là thủ công truyền thống: Công đoạn làm khuôn, nấu nguyên liệu, công đoạn đúc, công đoạn nguội, công đoạn đánh bóng và nhuộm sản phẩm… đều được làm theo lối “cha truyền, con nối” qua nhiều thế hệ.
Để đúc được sản phẩm theo kiểu dáng mà khách hàng đã đặt, người thợ phải tìm loại đất sét có đủ độ rắn nhằm tạo ra khuôn mẫu. Việc tạo ra khuôn mẫu này đòi hỏi người thợ phải lành nghề, ví như việc trang trí họa tiết hoa văn đàn chim lạc trên trống đồng cổ phải tuân theo đúng mẫu hoa văn cổ vậy…
Trong quá trình tạo khuôn, người thợ phải chú ý, không để cong vênh, sửa sang khuôn sao cho chuẩn. Kế đến là công đoạn chọn, thu mua sao cho được nguyên liệu đồng nguyên chất với đủ số lượng thành phẩm đun đồng và đổ vào khuôn; sau khi sản phẩm đã hình thành, người thợ phải thao tác “làm tinh” - tức là đánh bóng, khắc họa tiết theo mẫu khách hàng đặt. Đáng chú ý, nhằm hạn chế quá trình ôxi hóa trên các sản phẩm, người thợ sẽ sơn, mạ một lớp dầu bóng để bảo quản.
Với tình yêu và niềm đam mê, những người thợ đúc đồng đã mày mò, nghiên cứu, đúc thành công trống đồng bằng phương pháp thủ công truyền thống với nhiều kích cỡ khác nhau, được các nhà khoa học trong và ngoài nước đánh giá cao. Các khâu đó là làm khuôn, pha chế hợp chất, nấu đồng, đúc sản phẩm... đều có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sản phẩm.
Năm 1971, các nghệ nhân làng Trà Đông đã đúc thành công pho tượng Bác Hồ (cao 1,50 m, nặng 600 kg đồng); đúc thành công trống đồng Đông Sơn đúng theo kiểu dáng, hoa văn xưa; trống đồng với phiên bản và hoa văn Ngọc Lũ năm 2000; chiếc trống đồng có kích thước lớn nhất Việt Nam với đường kính mặt trống 1,51m, cao 1,21m năm 2007; đến chiếc trống đồng phiên bản Ngọc Lũ được xem là lớn nhất thế giới nặng khoảng 8 tấn, cao 2 m, đường kính mặt trống 2,7m năm 2013; đặc biệt là 1.000 tượng mẹ Âu Cơ làm quà tặng APEC… Những sản phẩm của người thợ đúc đồng Trà Đông đã góp phần làm cho nền văn hóa Việt Nam thêm phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc.
Hiện nay, làng có hàng trăm lò đúc đồng với hàng nghìn thợ thủ công lao động ngày đêm tất bật. Mỗi năm cho xuất xưởng rất nhiều mặt hàng, đồ vật gia dụng làm từ đồng, tiêu thụ trong cả nước và xuất khẩu đi nước ngoài.
Trải qua những thăng trầm lịch sử, sự phát triển của các ngành nghề công nghiệp hiện đại nhưng nghề đúc đồng truyền thống Trà Đông vẫn tồn tại và phát triển theo thời gian; là nét đặc trưng văn hóa đặc sắc mà người dân nơi đây luôn có ý thức gìn giữ và phát huy.
Tháng 9/2018, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố nghề đúc đồng cổ truyền làng Chè (Trà Đông) xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.