Non nước Việt Nam

Lưu giữ nghề truyền thống ở làng Triều Khúc (Hà Nội)

Cập nhật: 05/08/2020 10:09:29
Số lần đọc: 1975
Làng Triều Khúc (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội) có truyền thống lâu đời về sản xuất các mặt hàng bằng tơ lụa như: quai thao nón thúng, se chân chỉ hạt bột, phất trần… nay chỉ còn lại vài nghề chính yếu.  


Dải chân chỉ hạt bột dài 1 m được làm từ tơ tằm.

Xưa trong làng có cụ Nguyễn Thị Dằng, tức cụ Trí Đằng, là người làm được nhiều mặt hàng thủ công. Cụ nằm trong thế hệ chót nghề dệt thủ công Triều Khúc. Nghề dệt chân chỉ do ông tổ đi sang vùng Cao Miên học được, về truyền dạy, phổ biến lại cho người dân. Bà Tạ Thị Vĩnh là con dâu của cụ, được truyền dạy và phát triển nghề qua 46 năm. Cụ Dằng dạy bà Vĩnh từ cách chọn tơ, chuội chỉ, nhuộm các mầu ngũ sắc của tơ tằm hay cách làm quai thao cho nón thúng. Vốn làm quen với việc thêu dệt từ nhỏ, bà Vĩnh sớm dệt thành thạo các loại chân chỉ. Những tấm chân chỉ hạt bột, chân chỉ quả chữ thọ, loại hàng kỹ để đính vào y môn, vào tàn, vào tán của các nhà làm đồ thờ.

Dân gian hay nhắc đến “Chân chỉ hạt bột” để chỉ những người làm ăn chăm chỉ, cẩn thận, chân thật, chất phác. Bởi lẽ, chân chỉ hạt bột được làm rất tinh tế tỉ mỉ: các sợi chỉ mảnh mai được tết đan xen cùng hạt nhựa cứng tạo nên một dải đa mầu sắc, có tua rua phía dưới làm điểm nhấn. Từ đời cụ Trí Đằng, gia đình phát triển kiểu dệt chân chỉ chữ thọ. Có hai loại: chữ thọ tròn và chữ thọ dẹt, đủ các kích cỡ to, nhỏ.

Hiện nay, chân chỉ hạt bột được dệt công nghiệp khá phổ biến, giá thành rẻ hơn hai tới ba lần so dệt thủ công truyền thống. Nghệ nhân Tạ Thị Vĩnh có chia sẻ: Thường giá thành của sản phẩm dao động từ 300 - 500 nghìn đồng, tùy thuộc loại nguyên liệu được dùng. Những năm gần đây, số lượng đặt hàng ngày càng ít đi, “chỉ có vài đơn, chủ yếu từ các công ty may cổ phục. Giờ người ta mua ở chợ nhiều, vừa tiện giá thành lại rẻ hơn”, bà Vĩnh cho biết. Không khó để phân biệt giữa hàng công nghiệp với thủ công chất lượng. Hàng dệt tay nhìn là thấy sự tinh tế, chỉ được tết rất chi tiết, đều, đẹp, chắc chắn. Hàng dệt công nghiệp thì sản xuất đại trà với số lượng lớn, cùng một loại chỉ, phẩm mầu, dễ bị xồm chỉ.

Thời gian để hoàn thành một dải chân chỉ phụ thuộc vào kích thước dài ngắn khác nhau. Thí dụ, như tạo ra một tấm chân chỉ hạt bột một mét mất khoảng hai ngày, phải trải qua nhiều công đoạn từ khâu chọn chỉ, chọn tơ, nhuộm mầu đến khâu đan chỉ.

Ngoài chân chỉ hạt bột, bà Vĩnh vẫn lưu giữ nghề truyền thống đặc trưng của làng Triều Khúc đó là dệt đơ thao. Quai thao có hai loại: loại nhuộm đen dùng cho các bà, các chị, loại để mầu trắng ngà nguyên khai của tơ tằm dùng cho các cô gái trẻ chưa chồng. 

Nghệ nhân Tạ Thị Vĩnh cho hay, bà vẫn phải chật vật làm nghề, tự truyền nghề, tìm đầu ra cho sản phẩm mà chưa được ai giúp đỡ. Việc lưu giữ nghề truyền thống không chỉ là mối bận tâm của nghệ nhân, làng nghề mà còn ảnh hưởng tới các ngành sử dụng sản phẩm đó. Vì vậy, cần phải có sự quan tâm của các cấp, ngành trong việc bảo tồn, khôi phục các giá trị truyền thống.

 

Nguồn: Báo Nhân Dân

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT