Độc đáo trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Cao Bằng
Cao Bằng có nhiều dân tộc cùng cư trú trên địa bàn: Tày, Nùng, Dao, Sán Chỉ, Lô Lô, Mông..., mỗi dân tộc đều có phong tục, tập quán khác nhau, theo đó, trang phục cũng có những nét độc đáo riêng biệt.
Trước hết phải kể đến sự giản dị, nền nã nhưng hết sức tinh tế của trang phục dân tộc Tày. So với một số dân tộc khác, trang phục phụ nữ Tày không rực rỡ nhưng trang nhã, thể hiện tính cách của người phụ nữ Tày chân thành, trầm lắng và sâu sắc. Tất cả từ quần, áo, váy, thắt lưng, túi vải đeo, đôi giày đến chiếc khăn đội đầu, khăn trùm đều được làm bằng vải chàm dệt thủ công tỉ mỉ, khéo léo. Phụ nữ Tày mặc áo chàm dài xẻ tà, vạt áo thướt tha trùm đến bắp chân, tay áo và thân áo bó vừa khít người, đầu vấn khăn ngang, ngoài trùm khăn mỏ quạ, thêm trang sức vòng cổ, vòng tay, khuyên tai, xà tích bằng bạc. Nam giới người Tày mặc áo chàm ngắn, cổ đứng, quần đũng chéo ống rộng dài đến mắt cá chân.
Trang phục dân tộc Nùng được cắt may từ vải đen nhuộm chàm, phần lớn không có nhiều hoa văn và đường nét. Áo 5 thân của người Nùng An buông chấm hông. Nam giới Nùng An thường đeo “vì cùn”, là tấm đệm vai dùng để lót vai trong khi mang vác nặng. Tạp dề dùng đeo trước bụng để bảo vệ quần áo khỏi bẩn, dài ngắn tùy theo vóc dáng mỗi người. Trang phục nữ giới người Nùng có khá nhiều điểm tương đồng với phụ nữ Tày, song màu sắc, kiểu cách hoa văn trang trí và kích thước lại khác nhau. Chiếc áo của phụ nữ Nùng được trang trí bằng cách thêm miếng vải khác màu vào cổ tay áo và phía trước ngực.
Với cộng đồng dân tộc anh em sinh sống tại Cao Bằng, người Mông chính là một phần của sự thống nhất đại đoàn kết dân tộc, góp phần làm phong phú cho nền văn hóa đậm đà bản sắc. Nét riêng trong trong phục của dân tộc Mông đó là trang phục may bằng vải lanh tự dệt có màu sắc sặc sỡ, hoa văn bắt mắt đặc trưng, phong cách tạo dáng và trang trí công phu, thêu với kiểu váy rộng và đẹp. Phụ nữ Mông thích dùng chiếc ô màu sắc đẹp, vừa có tác dụng che mưa che nắng, vừa làm vật trang sức tạo nên nét duyên dáng. Nam giới Mông thường mặc quần ống rộng, áo cánh ngắn ngang hoặc dưới thắt lưng, thân hẹp, ống tay hơi rộng.
Trang phục của người phụ nữ Dao Đỏ thể hiện sự sáng tạo, tinh tế trên từng đường kim mũi chỉ, rực rỡ như bông hoa khoe sắc giữa núi rừng. Áo dài quá đầu gối, tay dài rộng, trang trí viền để hở ngực, có hai chuỗi bông màu đỏ rực rỡ. Bên trong mặc yếm vải đỏ gắn nhiều họa tiết hoa bằng bạc. Áo chàm dài trang trí hoa văn nhiều màu sắc đỏ, hồng, vàng, trắng. Bên người quấn một dải vải thêu thùa nhiều hoạ tiết bằng chỉ đỏ. Thắt lưng thêu cầu kỳ quấn vòng quanh eo bụng, rủ xuống đằng sau ngang tà áo. Những hoa văn trang trí ở hai ống quần tạo nên sự cân đối hài hòa cho toàn bộ trang phục.
Bộ trang phục của phụ nữ Lô Lô rất đẹp, họa tiết và màu sắc cân đối hài hòa, cho thấy trình độ, khiếu thẩm mỹ tinh tế của đồng bào. Phụ nữ Lô Lô đen mặc quần ống rộng; áo ngắn màu đen chàm để hở bụng, tay áo rộng được ghép bằng nhiều vòng vải màu xanh, đỏ, tím, vàng (thường là chín vòng màu khác nhau). Phụ nữ Lô Lô đeo đồ trang sức bằng bạc, nhôm có sắc trắng lấp lánh; đầu đội khăn thêu hoa sặc sỡ, gắn những bông hoa, chuỗi cườm buông xuống quanh đầu. Trang phục nam giới Lô Lô chỉ với chiếc áo hai túi, khuy vải, quần ống rộng giản dị những cũng rất thanh lịch.
Trang phục truyền thống của phụ nữ Sán Chỉ do chính những đôi bàn tay của các mẹ, các chị em gái làm ra, từ trồng bông, dệt vải, nhuộm màu. Vải có được màu sắc đẹp hay không là do kinh nghiệm và sự khéo léo của mỗi người. Phụ nữ Sán Chỉ mặc áo chàm dài quá đầu gối, áo có 2 tà, vạt áo trước lệch sang bên phải, các mép áo được viền vải màu đỏ. Cổ áo, thắt lưng vải đỏ gắn nhiều đồng xu và bông hoa 8 cánh bằng bạc. Đầu đội khăn chàm vuông viền đỏ hoặc quấn tóc vòng trong bằng nhiều kẹp bạc trên đầu, cài trâm và kèm theo các phụ kiện như vòng cổ, vòng tay bằng bạc. Trang phục nam giới là kiểu áo bà ba, có hai túi rộng; quần dài cạp chun, ống quần rộng để tiện cho việc leo núi đồi.
Mỗi bộ trang phục truyền thống không chỉ mang dấu ấn lịch sử mà còn thể hiện giá trị nghệ thuật, tín ngưỡng và khát vọng cao đẹp của từng dân tộc. Chính điều đó đã góp phần làm phong phú thêm bức tranh đa sắc màu văn hóa các dân tộc. Giữ gìn, phát huy trang phục truyền thống sẽ góp phần quan trọng trong việc bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc./.