Hoạt động của ngành

Du lịch Gia Lai qua màn ảnh nhỏ

Cập nhật: 13/01/2021 11:24:10
Số lần đọc: 1153
Thời gian qua, ngành Du lịch tỉnh Gia Lai chú trọng đa dạng hóa hình thức quảng bá, giới thiệu cảnh sắc tỉnh nhà. Đặc biệt, hình ảnh về Gia Lai được phát sóng ngày càng nhiều trên các kênh truyền hình như: VTV, VOVTV... góp phần đưa hình ảnh con người, thiên nhiên và nền văn hóa đặc sắc đến gần hơn với bạn bè trong và ngoài nước.


Ekip của Đài Tiếng nói Việt Nam thực hiện cảnh quay giới thiệu nhạc cụ dân tộc Gia Lai. Ảnh: Bùi Hương Thảo

Hình thức quảng bá hình ảnh Gia Lai trên kênh truyền hình quốc gia được Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch giao cho Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San đảm nhiệm trong 2 năm (2019-2020). Trong đó, chương trình “S-Việt Nam-Chào thế giới” (gọi tắt là S-Việt Nam) đã đồng hành cùng tỉnh trong 2 năm với nhiều video hấp dẫn.

Đây là chương trình truyền hình thực tế do Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp cùng Công ty TNHH một thành viên Chuyển động sản xuất. Chương trình mang tính văn hóa, du lịch, giải trí hấp dẫn với hệ thống chủ đề phong phú, đa dạng, phát sóng vào lúc giờ 20 giờ từ thứ ba đến chủ nhật hàng tuần trên kênh VTV1 và phát lại vào 6 giờ 50 phút các ngày kế tiếp và 17 giờ thứ bảy trên kênh VTV3.

 “Những sắc màu văn hóa Pleiku”, “Sắc hương Bàu Cạn”, “Những ngôi làng độc đáo ở Đak Đoa”, “Nghi lễ truyền thống của người Jrai”, “Bình yên Biển Hồ”, “Tập phim về ẩm thực đặc trưng: Vị mặn Phố núi”, “Hành trình theo dấu núi lửa ở Tây Nguyên”, “Khám phá Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh”, “Có một xứ sở cổ tích ở Gia Lai”, “Những âm thanh của núi rừng”, “Chạm chân đến ngôi làng Bahnar đẹp nhất Tây Nguyên”... là những video mà S-Việt Nam đã ghi lại ở Gia Lai. 

Sau khi phát sóng trên các khung giờ nói trên, các video sẽ được lưu lại trên trang web trực tuyến và kênh Youtube của VTV. Bất kỳ ai cũng dễ dàng tìm kiếm và xem lại các chương trình của S-Việt Nam thực hiện tại Gia Lai bằng cách nhập từ khóa “S-Việt Nam Gia Lai” lên thanh tìm kiếm của Google.

Ngoài S-Việt Nam, các điểm đến của Gia Lai còn được giới thiệu trên kênh truyền hình VOVTV của Đài Tiếng nói Việt Nam với nhiều nội dung hấp dẫn như: làng quanh năm ăn cơm nếp; đi tìm làng của Anh hùng Núp; các món ẩm thực đặc sắc như cà đắng, phở 2 tô, các cung đường đẹp ở Phố núi…

Qua lời giới thiệu của các nhân vật trải nghiệm cũng như những góc máy chuyên nghiệp, hình ảnh của vùng đất Gia Lai trong các video càng trở nên hấp dẫn. Đó là vẻ đẹp nguyên sơ của ngôi làng Kon Sơ Lah (xã Hà Tây, huyện Chư Păh); khung cảnh hùng vĩ của thác Phú Cường (huyện Chư Sê); núi lửa Chư Đang Ya (huyện Chư Păh); vẻ đẹp lãng mạn của Biển Hồ (TP. Pleiku), những mái nhà rông vững chãi, nghề dệt vải truyền thống ở huyện Kông Chro…

Mỗi video có thời lượng 3-5 phút, đủ cho mọi người có thể hình dung về một Gia Lai trù phú, xinh đẹp qua màn ảnh nhỏ. Chưa bao giờ, vùng đất Bắc Tây Nguyên này lại có độ phủ sóng rộng khắp, đến gần với bạn bè và du khách như vậy.

Ông Nguyễn Ngọc Long-Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San-cho hay: “Việc phát sóng các video giới thiệu thiên nhiên, văn hóa, con người Gia Lai trên các kênh truyền hình quốc gia đã tạo được hiệu ứng tích cực. Qua màn ảnh nhỏ, hình ảnh của Gia Lai đến gần hơn với du khách gần xa, họ cảm nhận được vẻ đẹp nơi này qua những thước phim đầy ấn tượng. Điều đó sẽ thôi thúc họ tìm đến để được trực tiếp trải nghiệm. Vì vậy, chúng tôi luôn cố gắng phối hợp với các ekip sản xuất chương trình của các đài truyền hình lựa chọn địa điểm, lên ý tưởng kịch bản thật độc đáo, đặc sắc, ý nghĩa nhằm chuyển tải được nhiều nhất vẻ đẹp của Gia Lai đến với khán giả trong cả nước”.

Qua các chương trình phát sóng, không chỉ du lịch của Phố núi được “đánh thức” mà chính người dân-chủ thể của mảnh đất này thêm tự hào và thêm yêu nơi mình đang sống. Anh Rơ Châm Khánh (thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ, từng tham gia trong video giới thiệu về chế tác nhạc cụ âm nhạc Tây Nguyên do Đài Tiếng nói Việt Nam thực hiện) rất tự hào khi xem lại những thước phim về dàn đàn đá hòa tấu cùng các loại nhạc cụ dân tộc khác trong không gian xanh mát của giọt nước làng Krêl (xã Ia Krêl, huyện Đức Cơ).

 “Được giới thiệu những nhạc cụ do mình chế tác trên các kênh truyền hình nổi tiếng, mình rất vui. Đó cũng là động lực để mình cố gắng hơn nữa trong việc sáng tạo, chế tác, làm giàu thêm kho tàng nhạc cụ dân tộc”-anh Khánh chia sẻ.

Nguồn: Báo Gia Lai

Cùng chuyên mục