Bát Xát (Lào Cai) phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù
Với mong muốn phát huy và khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, đồng thời bảo tồn và phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, thời gian qua, huyện Bát Xát đã triển khai nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt để đưa du lịch địa phương phát triển.
Huyện Bát Xát hiện có 35 cơ sở lưu trú du lịch và có 8 tuyến, điểm du lịch. Thời gian qua, huyện đã triển khai các loại hình du lịch đặc trưng như leo núi, du lịch nông nghiệp, trải nghiệm văn hóa... và đẩy mạnh tìm kiếm, bước đầu đưa vào khai thác các tiềm năng du lịch mới như thác Ong Chúa, thác Rồng, đỉnh Pu Ta Leng, đường đá cổ Pavi. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể được cấp ủy đảng, chính quyền địa phương quan tâm. Các hoạt động đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm cho người lao động. Hiện số lao động trực tiếp và gián tiếp trong lĩnh vực du lịch của huyện là khoảng 280 người, chủ yếu làm việc tại các nhà nghỉ, homestay và người dân mang vác đồ cho khách leo núi. Trong giai đoạn 2016 - 2020, Bát Xát đón hơn 115 nghìn lượt khách du lịch trong và ngoài nước, tăng 15% so với mục tiêu đề ra.
Anh Hà Văn Cương, Giám đốc Công ty TNHH Vietup Travel cho biết: Bát Xát có cảnh quan thiên nhiên, núi non hùng vĩ và hoang sơ. Khí hậu vùng cao ở đây trong lành, thoáng đãng, thích hợp với các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, ngắm cảnh. Với vai trò là người kết nối các tour khám phá, trekking, tôi thấy Bát Xát là địa điểm được nhiều du khách lựa chọn.
Để khai thác tiềm năng du lịch, huyện đã xây dựng sản phẩm “Bát Xát - thiên đường của các chương trình du lịch đi bộ dã ngoại và thể thao mạo hiểm hấp dẫn”. Trong đó đầu tư xây dựng 7 tuyến trekking (hoạt động giải trí, dã ngoại ngoài trời bằng những chuyến đi bộ đường dài, leo núi, băng rừng nhiều ngày) gồm: Tuyến dọc 2 bên suối từ Mò Phú Chải xuống Lao Chải (xã Y Tý); Choản Thèn - thác Thiên Sinh (xã Y Tý); Nhìu Cồ San (xã Sàng Ma Sáo) - đường đá cổ Pavi - Lai Châu; Sàng Ma Sáo - đỉnh Nhìu Cồ San; Sàng Ma Sáo - Cú Nhù San - Y Tý; Y Tý - đỉnh Lảo Thẩn; Trung Lèng Hồ - đỉnh Pu Ta Leng.
Huyện cũng xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch “Chinh phục đỉnh cao” gồm: Leo núi chinh phục đỉnh Ky Quan San (xã Sàng Ma Sáo) theo hướng từ thôn Nậm Pẻn 2 (xã Sàng Ma Sáo) lên đỉnh, đi qua rừng hoa đỗ quyên, rừng trúc; phát triển tuyến chinh phục đỉnh Lảo Thẩn (xã Y Tý) đi qua rừng tống quá sủ, nương xuyên khung; đầu tư xây dựng mới tuyến leo núi chinh phục đỉnh Pu Ta Leng, khám phá hệ sinh thái rừng, thác nước, rừng đỗ quyên; chinh phục đỉnh Nhìu Cồ San (xã Sàng Ma Sáo).
Ngoài du lịch khám phá, huyện Bát Xát còn đầu tư các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng phục hồi sức khỏe thông qua khai thác tri thức dân gian về thảo dược và nguồn dược liệu với các sản phẩm thảo dược, thuốc tắm, thuốc ngâm chân, tinh dầu và khu nghỉ dưỡng, tắm lá thuốc tại các xã Y Tý, Mường Hum...
Hằng năm, Bát Xát tổ chức các sự kiện du lịch mang tầm quốc tế và độc đáo, đặc trưng của huyện, như Giải marathon quốc tế tại Y Tý, giải đua xe đạp leo núi quốc tế tại Y Tý; giải leo núi tại Sàng Ma Sáo... Sản phẩm du lịch gắn với thương hiệu riêng của Bát Xát như chinh phục đỉnh cao (Ky Quan San, Lảo Thẩn, Nhìu Cồ San, Pu Ta Leng), du lịch trải nghiệm ruộng bậc thang thung lũng Thề Pả (mùa nước đổ, mùa lúa chín). Bát Xát cũng xây dựng trở thành nơi lưu giữ các giá trị truyền thống, không gian văn hóa nghệ thuật tại xã Y Tý và xã Mường Hum; tư vấn và đầu tư tổ chức các chương trình tham quan và hoạt động giao lưu, vui chơi giải trí nhằm kéo dài thời gian lưu trú tại các điểm du lịch cộng đồng; thử nghiệm và xây dựng các loại hình du lịch mới như đua thuyền kayak, cắm trại, leo thác…
Mục tiêu của huyện đến năm 2025 là đón 1,2 triệu lượt khách du lịch, doanh thu du lịch đạt 1.980 tỷ đồng và nâng số cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch lên 150 cơ sở. Để đạt được những mục tiêu trên, trong năm 2020, huyện đã tổ chức đón các đoàn Famtrip, Presstrip (cho các hãng lữ hành và báo chí) trải nghiệm giới thiệu về hình ảnh du lịch Bát Xát, tiến tới sẽ áp dụng các chương trình khuyến mại đặc biệt cho du khách trong nước, quốc tế tại Bát Xát để khắc phục tính mùa vụ trong du lịch. Trong đó, huyện chú trọng triển khai các tháng khuyến mại vàng cho du khách, tham gia các hội chợ quan trọng giới thiệu các sản phẩm du lịch.
Ông Phạm Văn Tâm, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bát Xát cho biết: Bát Xát còn nhiều tiềm năng cho phát triển du lịch chưa được khai thác. Xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo là hướng đi cần thiết để phát huy lợi thế của địa phương. Ngoài ra, các hoạt động trải nghiệm hòa mình vào thiên nhiên tại Bát Xát rất phù hợp trong bối cảnh khó khăn, sụt giảm du lịch vì dịch Covid-19 như hiện nay./.