Du lịch Hà Nội cần phát huy các sản phẩm đặc trưng, khai thác thế mạnh về văn hóa, lịch sử
Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu phát biểu tại buổi Tọa đàm (Ảnh: TITC)
Phát biểu tại buổi Tọa đàm, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 26/6/2016 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo” (Nghị quyết số 06-NQ/TU) được triển khai từ năm 2016 đến nay với sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành từ Thành phố đến cơ sở. Toàn ngành du lịch Thủ đô đã nỗ lực thực hiện theo 4 mục tiêu, chỉ tiêu; 7 nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 06-NQ/TU và đã đạt được kết quả đáng ghi nhận.
Trên cơ sở báo cáo đánh giá tổng kết thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU giai đoạn 2016 - 2020, Ban Thường vụ Thành ủy thống nhất đánh giá nội dung Nghị quyết số 06-NQ/TU vẫn còn nguyên giá trị và tính thời sự. Do đó, để tiếp tục phát triển du lịch Thủ đô, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Ban Thường vụ Thành ủy kết luận tiếp tục thực hiện Nghị quyết trong giai đoạn 2022 - 2025.
“Hôm nay, Sở Du lịch Hà Nội tổ chức buổi Tọa đàm rất mong nhận được nhiều ý kiến góp ý để Sở sớm hoàn thành dự thảo, gửi cấp trên phê duyệt, qua đó sớm đưa Kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU đi vào thực tế”, bà Giang cho biết.
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang phát biểu tại buổi Tọa đàm (Ảnh: TITC)
Các đại biểu dự tọa đàm đều đánh giá cao những thành quả mà Nghị quyết số 06-NQ/TU đã được triển khai trong thời gian qua, từng bước khẳng định vị trí là ngành kinh tế mũi nhọn của Thành phố. Để tiếp tục phát huy những thành quả trên, trong bối cảnh du lịch đã có sự thay đổi mạnh mẽ, các đại biểu cho rằng du lịch Hà Nội cần tập trung phát huy những yếu tố riêng có của Hà Nội về văn hóa, lịch sử, con người… Về sản phẩm du lịch, Thành phố nên tập trung khai thác phát triển vẻ đẹp văn hóa, lịch sử, di tích, làng nghề. Bên cạnh đó, cũng cần đầu tư phát triển sản phẩm du lịch đêm - một loại hình sản phẩm rất giàu tiềm năng để thu hút khách. Công tác quy hoạch là một trong những nhiệm vụ trọng tâm ngành du lịch Thủ đô cần quan tâm đầu tư. Quy hoạch cần theo lộ trình, định hướng lâu dài để đưa du lịch Thủ đô phát triển hiện đại, năng động, sáng tạo nhưng vẫn bảo tồn, phát huy được những giá trị văn hóa truyền thống.
Về công tác đào tạo nguồn nhân lực, đây sẽ là yếu tố rất quan trọng, đảm bảo theo cơ cấu hợp lý, số lượng, chất lượng, dành nguồn lực đào tạo cho cộng đồng dân cư làm du lịch, qua đó góp phần nâng cao hình ảnh du lịch Thủ đô trong mắt bạn bè quốc tế. Bên cạnh đó, du lịch Hà Nội cũng cần tăng cường đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá, nâng cao năng lực cạnh tranh, chuyển đổi số…
Toàn cảnh buổi Tọa đàm (Ảnh: TITC)
Ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu dự Tọa đàm, đồng thời đánh giá cao sự tiên phong, chủ động của ngành du lịch Thủ đô trong việc xây dựng dự thảo Kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho biết, đại dịch Covid-19 đã đặt ra yêu cầu phát triển mới về du lịch theo hướng trách nhiệm hơn, bền vững hơn, tạo ra môi trường du lịch an toàn, lành mạnh, đảm bảo mọi điều kiện tốt nhất dành cho du khách khi đi du lịch. “Vì vậy, phục hồi và phát triển sẽ là những từ khóa để du lịch Hà Nội định hướng trong thời gian tới”, Phó Tổng cục trưởng nhấn mạnh.
Bên cạnh việc phát triển những sản phẩm du lịch đặc trưng của Hà Nội, du lịch Thủ đô cần tiên phong định hướng các sản phẩm về kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, kinh tế đêm, đầu tư về quy hoạch, xúc tiến quảng bá, đào tạo nguồn nhân lực, phát huy vai trò công - tư...
Trung tâm Thông tin du lịch