Gia Lai: Chư Á bảo tồn bản sắc văn hóa gắn với du lịch cộng đồng
Bảo tồn văn hóa truyền thống
Xã Chư Á cách trung tâm TP. Pleiku hơn 10 km với 10 thôn, làng. Đây là vùng đất còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống. Bà Nguyễn Thu Hương-Phó Chủ tịch UBND xã Chư Á-cho biết: Năm 2017, xã đạt chuẩn nông thôn mới. Những năm qua, cùng với xây dựng các tiêu chí trong phát triển kinh tế, việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống để phát triển du lịch cộng đồng luôn được xã quan tâm. Theo đó, xã thường xuyên tổ chức các lớp truyền dạy cồng chiêng cho người dân; tập huấn hướng dẫn bà con làm du lịch cộng đồng. Đặc biệt, xã hỗ trợ máy may, máy vắt sổ cho chị em phụ nữ làng Chuét Ngol và thành lập Tổ hợp tác dệt thổ cẩm (năm 2019).
“Hiện nay, xã có 5 đội cồng chiêng. Riêng làng Chuét Ngol có đội cồng chiêng người lớn và đội cồng chiêng “nhí”. Đầu tháng 3 tới, làng Chuét Ngol sẽ ra mắt đội cồng chiêng nữ với 43 thành viên. Đối với Tổ hợp tác dệt thổ cẩm làng Chuét Ngol, khi tham gia, các thành viên có thêm nhiều thuận lợi trong việc may, tiêu thụ sản phẩm, qua đó góp phần giữ gìn nghề dệt thổ cẩm. Đến nay, nhiều chị em sống được với nghề dệt”-bà Hương cho hay.
Thanh niên, học sinh làng Wâu là những cộng tác viên, hướng dẫn viên du lịch cộng đồng cho du khách trong, ngoài nước đến đây trải nghiệm - Ảnh: Đinh Yến
Với dân làng Chuét Ngol, người có nhiều đóng góp trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng phải kể đến anh Rah Lan Lim. Năm 2018, anh Lim đã đứng ra thành lập đội cồng chiêng thanh thiếu nhi gồm 35 thành viên; đồng thời, duy trì đội cồng chiêng người lớn với 35 thành viên. “Với vai trò là đội trưởng của cả 2 đội cồng chiêng, cứ vào thứ bảy hàng tuần, tại nhà rông văn hóa của làng, tôi tập luyện cho các đội. Từ đó, tiếng cồng chiêng của làng được nhiều người biết đến, các đội chiêng được mời biểu diễn ở nhiều nơi. Mới đây, 2 đội cồng chiêng của làng được mời biểu diễn tại Thủ đô Hà Nội và tỉnh Long An”-anh Lim bộc bạch.
Còn bà Yứt-Tổ trưởng Tổ hợp tác dệt thổ cẩm làng Chuét Ngol thì kể: Tổ hợp tác dệt thổ cẩm làng Chuét Ngol được thành lập năm 2019, hiện có 6 thành viên, chủ yếu là chị em dòng họ và con gái của bà. “Năm 15 tuổi, mình đã biết dệt những tấm thổ cẩm với nhiều hoa văn đẹp mắt. Đến khi lấy chồng, ngoài lo làm nương rẫy, cứ rảnh lúc nào là mình lại dệt. Những tấm thổ cẩm do mình dệt được nhiều chị em dùng để may áo, váy, ai mặc cũng đẹp. Dần dần nhiều người tìm đến đặt may, nhất là người dân ở TP. Pleiku và các huyện Chư Sê, Chư Prông… Hiện nay, mình đang truyền nghề cho các chị em phụ nữ trong làng, trong đó có con gái và 1 đứa cháu với hy vọng thế hệ kế tiếp sẽ tiếp tục gắn bó nghề dệt truyền thống của dân tộc”-bà Yứt chia sẻ.
Bà Yứt (ở giữa)-Tổ trưởng Tổ hợp tác dệt thổ cẩm làng Chuét Ngol cùng chị em dệt thổ cẩm để bán - Ảnh: Đ.Y
Từ năm 2019 đến nay, người Jrai, Bahnar ở Chư Á còn tham gia làm du lịch cộng đồng, mỗi năm thu hút hàng trăm du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Ông Hưn-Trưởng thôn Wâu-cho hay: Ở làng mình, đàn ông biết đan gùi, phụ nữ thì dệt vải. Cùng với đó, tận dụng ưu thế địa lý, người dân trồng lúa, rau, hoa gắn với phát triển du lịch cộng đồng để tăng thu nhập. Thời gian qua, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân làm du lịch cộng đồng; mở các lớp tập huấn làm du lịch để trang bị cho bà con kỹ năng quảng bá, giới thiệu bản sắc văn hóa truyền thống đến với du khách.
Chung tay phát triển du lịch cộng đồng
Hiện nay, Chư Á đang tập trung xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, trong đó chú trọng đến những dự án hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng tại các làng: Chuét Ngol, Wâu, Kơ Tu. Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Thu Hương cho biết: Giá trị văn hóa truyền thống ở xã Chư Á luôn được giữ gìn và phát huy. Cùng với đó là giữ gìn cảnh quan thiên nhiên sạch đẹp, hướng đến du lịch cộng đồng do chính người Jrai, Bahnar thực hiện. Bởi với bản tính thật thà, chân tình, hiếu khách cùng phong vị ẩm thực truyền thống của 2 dân tộc chắc chắn sẽ chạm đến trái tim du khách. Chúng tôi cũng định hướng cho người dân phát triển du lịch cộng đồng với các sản phẩm đa dạng như: nghỉ dưỡng, hoạt động nông nghiệp trải nghiệm...
Còn với du khách, sau khi tham quan Tổ hợp tác dệt thổ cẩm làng Chuét Ngol, xem biểu diễn cồng chiêng tại làng, trải nghiệm du lịch tại cánh đồng Ia Bô rộng hơn 30 ha của làng Wâu, nhiều người không giấu được sự thích thú. Ông Bruce-du khách đến từ Scotland-bày tỏ: “Làng Wâu rất bình yên, đẹp, người dân thân thiện. Mô hình du lịch cộng đồng tại xã Chư Á có nét đặc trưng văn hóa riêng, hoạt động rất gắn kết. Tôi sẽ đến nơi này thêm lần nữa để được ra đồng hái rau cùng người dân”.
Đội nhạc cụ truyền thống nhí làng Choét Ngol - Ảnh: Đinh Yến
Ông Nguyễn Xuân Hà - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin TP. Pleiku: Hiện nay, người dân ở xã Chư Á đều mong muốn làm du lịch cộng đồng để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Một số mô hình, câu lạc bộ cồng chiêng ở các làng đồng bào dân tộc thiểu số đã hình thành. Tuy nhiên, việc đầu tư cơ sở hạ tầng chưa được đồng bộ, việc duy trì làng nghề như dệt thổ cẩm, đan lát, tạc tượng… còn nhỏ lẻ. Thời gian tới, TP. Pleiku sẽ tiếp tục quan tâm đầu tư và hướng dẫn cụ thể để người dân và các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư phát triển du lịch cộng đồng đúng hướng, góp phần phát triển kinh tế gia đình và địa phương.
Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Thu Hương nhấn mạnh: “Thời gian tới, xã tiếp tục phối hợp với Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố, Trường Cao đẳng Gia Lai tổ chức các lớp học cồng chiêng, tập huấn về kỹ năng, phương pháp cho người dân làm du lịch cộng đồng. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tuyên truyền người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ việc trồng thuần lúa hiện nay sang kết hợp phát triển các loại cây ăn quả, các loại hoa để phục vụ du lịch”.
Đinh Yến