Giá trị lịch sử của Đền Chu Hưng (Phú Thọ)
Tế lễ tại Đền Chu Hưng ngày mùng 7 tháng Giêng năm 2020.
Nhân dân Chu Hưng tỏ lòng thương kính Côn Nhạc Đại Vương nên đã tấu trình lên vua Gia Long xin xây ngôi đền để đời đời khói hương phụng thờ Ngài. Vào tháng 7 - 1806 vua Gia Long đã chính thức chuẩn tấu cho nhân dân Chu Hưng khởi công xây dựng ngôi đền, tọa lạc ở địa thế của một vùng đất linh thiêng, trên đỉnh quy sơn xa xa nơi cửa đền là đỉnh núi Kim Quy - Rùa Vàng. Từ đó đến nay, cứ vào ngày lễ Tết, nhân dân Ấm Hạ nói riêng và nhân dân Hạ Hòa nói chung lại tổ chức thắp hương tế lễ để tỏ lòng tôn kính vị thần và mở hội làng vào ngày mùng 7 tháng Giêng hàng năm.
Ông Trương Đức Năng, người đã trông coi ngôi đền 13 năm, cũng là người hàng năm đứng Thủ Nhang trong lễ hội, giới thiệu về kiến trúc của Đền Chu Hưng: “Cổng đền, được thiết kế rộng theo hướng Tây Nam, dưới mái cong hình con Rồng được chạm khắc điêu luyện, tinh tế từng chi tiết. Chính giữa đền là một lư hương lớn tỏa hương thơm tới khắp nơi. Vị trí miếu Chu Hưng được dựng dưới một gốc đa hàng trăm năm tuổi tại ngã ba Chu Hưng. Có thể nói Đền Chu Hưng ngự nơi đất thiêng, thế đẹp, khí tốt tụ về, trùng trùng, điệp điệp để thiên cổ trường tồn, ngàn năm bất hủ, muôn đời lưu lại tiếng thơm nơi đây không đâu sánh được”.
Nhân dân xã Ấm Hạ rước lễ vật về Đền Chu Hưng.
Vào lễ hội hàng năm, lễ vật tế lễ được nhân dân làng Chu Hưng chuẩn bị rất chu đáo. Cụ Nguyễn Ngọc Chức năm nay 93 tuổi cho biết: “Lễ vật gồm có lợn đen, xôi nén, gà tía, chè kho, rượu mọng, hoa quả, bánh kẹo... được chuẩn bị từ đầu năm. Làng cử ra một hộ dân nuôi lợn đen sạch, xôi nén phải chọn loại gạo nếp cái hoa vàng thơm, hạt mẩy; gà tía cúng tế phải là con gà giống Mã Lĩnh chân vàng, đẹp; rượu mọng là loại rượu nấu bằng gạo nếp cái hoa vàng được xôi 2 lần; chè kho chọn đỗ xanh hạt vàng, mang đồ xôi, rồi giã nhuyễn nấu bằng nước mật mía để màu chè óng lên màu nâu mật... Đến ngày mùng 6, các lễ vật phải được tập trung tại đền, người rước lợn đen vào đền phải là những nam thanh nữ tú của làng. Phần lễ chính được tổ chức vào ngày mùng 7 tháng Giêng trong không khí tưng bừng của mùa xuân. Đúng 8h sáng, đội rước lễ vào đến sân, đền. Phần nghi lễ thu hút sự chú ý nhất của nhân dân đến dự lễ. Lễ xong 3 phần: Dâng rượu, dâng chè, dâng nước... thì Thủ Nhang và Chủ Tế phát lộc cho các khu về tổ chức liên hoan.
Phần hội, làng bắt đầu mở hội từ ngày mùng 3 đến mùng 6 tết với các hoạt động tổ chức giao lưu thể thao, văn nghệ giữa các khu trong xã. Còn hoạt động vui chơi các trò chơi dân gian như kéo co, cây đu, cờ tướng, phi tiêu, bịt mắt bắt dê... được tổ chức song song bên lề các hoạt động trong dịp lễ hội diễn ra.
Địa danh Đền Chu Hưng còn là địa bàn của Chiến khu 10 - căn cứ địa nổi tiếng trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Đền gắn với nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước. Ngày 29/ 8/1945, mặt trận Việt Minh đã lấy sân đền làm trụ sở tổ chức cuộc mít tinh tuyên bố xóa bỏ chính quyền thực dân phong kiến. Là nơi tuyên bố thành lập các đoàn thể cứu quốc. Từ tháng 4/1947 đến tháng 12/1949, xưởng nữ quân nhu chiến khu 10 đã đặt cơ sở tại đền. Ngày 16/4/1949, đội vũ trang đầu tiên của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào được thành lập tại đây với sự có mặt của đồng chí Cay Xỏn Phôn Vi Hẳn. Nơi đây còn là “cái nôi” của nền văn nghệ kháng chiến. Năm 1948, đoàn văn nghệ sỹ gồm các nhà thơ nổi tiếng Tố Hữu, Thế Lữ, Văn Cao, Ngô Tất Tố, Nguyễn Đình Thi, Nam Cao, Kim Lân, Huy Cận… lên đường, hành trình về Việt Bắc. Trong “mưa bom bão đạn” ấy, tại mảnh đất Hạ Hòa nhiều tác phẩm về văn học, hội họa, âm nhạc… lần lượt được “chào đời”. Có thể nói Đền Chu Hưng có ý nghĩa hết sức lớn lao, không chỉ gắn với sự phát triển của đạo Phật - đạo Nho mà còn là cái nôi của nền văn nghệ kháng chiến. Từ đó đến nay, Đền Chu Hưng là nơi sinh hoạt văn hóa chung của cộng đồng.
Với những giá trị lịch sử trong công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc, ngày 12/10/1995, UBND tỉnh Vĩnh Phú ra Quyết định công nhận Đền Chu Hưng là di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh; ngày 14/4/2003 Bộ Văn hóa - Thông tin (cũ) công nhận Đền Chu Hưng là di tích lịch sử cấp Quốc gia nằm trong quần thể di tích lịch sử Chiến khu 10. Đặc biệt ngày 20/12/2019 Lễ hội Đền Chu Hưng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia theo Quyết định 4603/QĐ - BVHTTDL.
Trần Liên