Non nước Việt Nam

Ca dao Bến Tre

Cập nhật: 10/03/2020 10:08:18
Số lần đọc: 1013
Từ thuở tiền nhân khai mở đất phương Nam đến nay có đến trên 300 năm. Theo các tư liệu thì Đồng Nai, Gia Định, Gò Công, Mỹ Tho là những vùng đất được khai phá sớm hơn... Tiếp đến, lưu dân vượt sông Tiền, mở mang khai thác vùng Bến Tre, Vĩnh Long, Sa Đéc, Cao Lãnh… 

Nơi nào có dân cư ổn định, nơi đó sẽ hình thành nên những phong tục, tập quán, văn hóa mang đậm dấu ấn, bản sắc của địa phương. Trong đó, ca dao là một thể loại văn chương phát triển rất mạnh mẽ ở Bến Tre từ thuở xa xưa đến cận đương đại.

Tỉnh Bến Tre ngày nay được hình thành bởi 3 cù lao lớn là Minh, Bảo và An Hóa, nằm ở hạ nguồn Mekong, giữa bốn dòng sông Cửa Đại, Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên. Người ta thường gọi cụm cù lao này là "Ba đảo dừa xanh". Cù lao Minh có 3 huyện là Chợ Lách, Mỏ Cày và Thạnh Phú. Cù lao Bảo gồm TP Bến Tre, các huyện Giồng Trôm, Ba Tri. Cù lao An Hóa có các huyện Châu Thành, Bình Đại.

Ca dao Bến Tre rất phong phú, thường mô tả, giới thiệu về quê hương, đất nước, con người, tình cảm của người Xứ Dừa:

Bến Tre giàu mía Mỏ Cày,

Giàu nghêu Thạnh Phú, giàu xoài Cái Mơn.

Bến Tre biển cá sông tôm,

Ba Tri muối mặn, Giồng Trôm lúa vàng.

Xứ sở Bến Tre là một vùng đất giàu tài nguyên, sản vật, phong cảnh hữu tình:

Quê anh có cửa biển sâu

Có ruộng lấy muối, có dâu nuôi tằm.

Quê em hai dải cù lao

Có dừa ăn trái, có cau ăn trầu.

Trên ba dải cù lao trù phú ấy có rất nhiều trai thanh gái lịch:

Bến Tre trai lịch, gái thanh

Nói năng duyên dáng, ai nhìn cũng ưa.

Trong các tỉnh thành ĐBSCL ngày nay, có thể nói Bến Tre là vùng đất có nhiều sông rạch tự nhiên lớn, nhiều nhất với các sông cái, như: Cửa Đại, Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên và rất nhiều chi lưu chằng chịt như mạng nhện trên khắp "Ba đảo dừa xanh". Do vậy, ta thấy rất nhiều hình ảnh sông nước trong ca dao của Bến Tre:

Nước Cửu Long sóng rờn cuồn cuộn,

Cửa Hàm Luông, mây cuốn cánh buồm trôi.

Bậu với qua hai mặt một lời,

Trên có trời, dưới có đất,

Ngãi trăm năm vương vấn tơ mành.

Có một số địa danh, chỉ đơn thuần là một chợ (thôn, ấp) nhỏ nhưng rất ấn tượng, nổi tiếng được thể hiện qua ca dao. Ví dụ như chợ Mỹ Lồng thuộc ấp Chợ, xã Mỹ Lồng, huyện Giồng Trôm. Đây là ngôi chợ lâu đời nhất của tỉnh Bến Tre với đặc sản bánh tráng nổi tiếng, đã đi vào tục ngữ địa phương: "Bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc". Sách Gia Định thành thông chí viết: "Nơi bờ phía bắc (sông Bến Tre) là chợ Mỹ Luông (tên cũ của chợ Mỹ Lồng) phố xá liền lạc, người buôn bán tụ hội đông đảo". Có những câu ca dao mà những người Bến Tre hầu như ai cũng thuộc qua những câu hát hát ru con (phổ biến nhất vào những năm 1950-1960):

"Bảng treo tại chợ Mỹ Lồng,

Chữ đề tên bậu có chồng hay chưa?

Có chồng năm ngoái năm xưa,

Năm nay chồng bỏ như chưa có chồng"

Do đặc trưng thổ nhưỡng, các cù lao của Bến Tre có nguồn gốc được hình thành nên bởi phù sa sông Mekong suốt ngàn năm trước. Đất đai rất màu mỡ, phì nhiêu, sông rạch chằng chịt, mưa thuận gió hòa. Từ những điều kiện thiên nhiên, môi trường thuận lợi ấy, người Bến Tre cần cù, sáng tạo, do đó đã làm ra nhiều của cải, vật chất có giá trị. Sản vật xứ Bến Tre vô cùng dồi dào, đa dạng, nổi tiếng khắp nơi:

Bến Tre nước ngọt lắm dừa

Ruộng vườn màu mỡ, biển thừa cá tôm

Sầu riêng, măng cụt Cái Mơn

Nghêu sò Cồn Lợi, thuốc ngon Mỏ Cày

Xoài chua, cam ngọt Ba Lai

Bắp thì Chợ Giữa, giồng khoai Mỹ Hòa

Mắm, bần ven đất phù sa

Bà Hiền, Tân Thủy hằng hà cá tôm

Quýt đường, vú sữa ngổn ngang,

Dừa xanh Sóc Sãi, tơ vàng Ba Tri

Xẻo Sâu cau tốt ai bì

Lúa vàng Thạnh Phú, khoai mì Thạnh Phong

Muối khô ở Gảnh mặn nồng

Giồng Trôm, Phong Nẫm dưa đồng giăng giăng.

Bến Tre, cũng như cả nước, đã trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ vô cùng gian khổ, ác liệt. Nơi đây từng là chiến trường, vùng tranh chấp quyết liệt của nhân dân ta với các lực lượng thực dân, đế quốc. Ca dao thuở xưa cũng như thời cận đại xuất hiện mang tính thời sự nhằm mục đích cổ vũ tinh thần yêu nước của nhân dân và bộ đội ta. Những cô gái Bến Tre rất kiên cường, bất khuất:

Em là con gái Giồng Trôm

Nào ai tính thiệt so hơn làm gì

Yêu em anh phải nhớ ghi

Đánh Tây giữ đất mới bì trượng phu.

Ca dao cũng cảnh báo, nhắc nhở quần chúng, nhân dân trước âm mưu của giặc Pháp mua chuộc, lôi kéo những người nhẹ dạ, tham tiền, đi theo thực dân xâm lược, chống lại nhân dân, đất nước:

Chớ tham đồng bạc "con cò"

Bỏ cha bỏ mẹ đi phò Lang Sa.

Hoặc

Cha đời mấy đứa theo Tây

Mồ ông, mả bố voi giày biết chưa?

Ngày 17/01/1960, dân và quân tỉnh Bến Tre đã làm nên cuộc Đồng Khởi lịch sử, mở màn cho thời kỳ đấu tranh vũ trang của toàn miền Nam chống lại đế quốc Mỹ xâm lược, tiến đến giải phóng miền Nam vào 30/4/1975. Ca dao Bến Tre thời ấy ca ngợi, cổ vũ tinh thần đấu tranh anh dũng, bất khuất của những người con xứ dừa được cả nước ngưỡng mộ phong tặng danh hiệu vẻ vang: Quê hương Đồng Khởi:

Quê hương Đồ Chiểu rạng ngời

Tinh thần Cách mạng đỏ trời vàng sao.

Hay:

Thấy bóng khăn rằn, anh biết là em đó

Màu khăn Đồng Khởi của phụ nữ Bến Tre.

Người Bến Tre luôn mang trong trái tim đầy nhiệt huyết của mình hình bóng Bác Hồ kính yêu:

Hương thơm tỏa khắp đất trời

Bác ơi! Tên Bác sáng ngời miền Nam.

Theo thời gian, những sự kiện, biến động lịch sử sẽ trở thành quá khứ. Nhưng mỗi khi nghe, đọc lại ca dao của dân tộc nói chung, ca dao Bến Tre nói riêng, không khỏi bồi hồi, cảm xúc khi mường tượng về những giai đoạn lịch sử thuở tiền nhân ta tiến vào phương Nam khai mở đất; cũng như những năm tháng gian lao, anh dũng, ác liệt trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân và đế quốc; những hình ảnh quê hương tươi đẹp, trù phú, con người anh hùng, bất khuất nhưng trung hậu, nghĩa tình. Có thể nói ca dao Bến Tre đã phản ánh rõ nét tâm tư, tình cảm, con người vùng đất qua nhiều thời kỳ. Đây là một trong những giá trị tinh thần phi vật thể, là một di sản văn hóa cho đời sau./.

Nguồn: Báo Cần Thơ
Từ khóa: Bến Tre, ca dao

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT